Mục từ này cần được bình duyệt
Truyền thông đa phương tiện

việc sử dụng từ hai phương tiện truyền thông trở lên để trình bày nội dung thông tin. Phương tiện truyền thông có thể bao gồm: chữ viết, hình ảnh tĩnh, hình ảnh động, các đoạn phim, âm thanh, ca nhạc, v.v…

Ca sĩ và nhà soạn nhạc người Mỹ Bobb Goldsteinn là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ TTĐPT (A. Multimedia), khi ông quảng bá các buổi diễn tại New York, vào tháng 7.1966. Trong suốt gần 30 năm sau đó, từ multimedia vẫn được giới nghệ sĩ sử dụng để chỉ các chuỗi hình ảnh chạy trên nền âm thanh trên sân khấu, trưng bày, triển lãm.

Tới thập niên 1990, cùng với sự phổ biến của máy tính và các thiết bị điện tử, kỹ thuật số, thuật ngữ TTĐPT bắt đầu được hiểu theo như nội hàm đã nêu trong phần khái niệm. Hiệp hội ngôn ngữ Đức, GfdS, đã bình chọn thuật ngữ TTĐPT là từ khóa thể hiện trào lưu nổi bật nhất trong năm 1995 tại Đức. Tại thời điểm đó, GfdS coi TTĐPT là sự kết hợp các công nghệ máy tính và kỹ thuật số hiện đại nhất trong truyền thông.

Những phương tiện truyền thông này có thể được xem trên từng thiết bị riêng, nhưng do tiến bộ trong khoa học kỹ thuật, chỉ cần một thiết bị để hiển thị nhiều phương tiện. Sản phẩm truyền thông đa phương tiện tạo ra môi trường truyền thông tương tác, lấy người sử dụng làm trung tâm, trong đó người sử dụng có thể tùy chọn phương tiện để tiếp nhận thông tin. TTĐPT là phương thức truyền thông dựa trên kỹ thuật máy tính, chủ yếu dùng phương tiện chữ viết để truyền tải thông tin, và có thêm các yếu tố truyền thông khác, như âm thanh, hình ảnh, đồ họa, v.v… để bổ sung nội dung thông tin.

Tại Việt Nam, trong giới thiệu ngành học cho rằng TTĐPT là quy trình ứng dụng công nghệ thông tin trong việc sáng tạo, thiết kế những sản phẩm mang tính đa phương tiện, ứng dụng và tương tác trong các lĩnh vực truyền thông, quảng cáo, giáo dục và giải trí.

Cùng với sự ra đời của các phương tiện truyền thông mới, và sự cải tiến các phương tiện truyền thông hiện có, sự kết hợp giữa các phương tiện truyền thông sẽ ngày càng tinh tế, phức tạp, và mang đến sự đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực TTĐPT. Nhiều phương tiện TTĐPT hiện nay có thể kể tới thực tế ảo (VR-virtual reality), thực tế tăng cường (AR-Augmented Reality), cho phép người sử dụng tối ưu hóa sự tương tác với sản phẩm truyền thông.

TTĐPT được áp dụng trong nhiều ngành, nghề và lĩnh vực, ví dụ như: văn hóa, giải trí, điện ảnh, giáo dục, trưng bày, triển lãm, và đặc biệt là báo chí. Dựa trên tính năng của TTĐPT, những người làm nghệ thuật đã tích hợp sáng tạo hình ảnh, âm thanh, văn bản, sân khấu biểu diễn, không gian, chuyển động… vô cùng đa dạng. Các quảng cáo trên truyền hình, các trang website, các phần mềm học trực tuyến và các sản phẩm giải trí như trò chơi điện tử, ứng dụng di động, phim ảnh, họa hình…đều là những sản phẩm mang tính ứng dụng truyền thông đa phương tiện.

Đã có bốn làn sóng báo chí thế giới, xuất hiện cùng với sự ra đời của Phát thanh, Truyền hình, Báo điện tử, và làn sóng mới nhất hiện nay là Báo chí của công nghệ di động. Báo chí hiện đại với các yếu tố và chức năng như sau: gọi đó là tin tức có thể tương tác, trên các thiết bị di động theo người, và được cá nhân hóa; tin tức như vậy đến được với mọi người, ở khắp mọi nơi, ngay lập tức, và ai cũng có thể đưa tiếng nói lên truyền thông; có nghĩa là báo chí không chỉ là phát thanh hay truyền hình, được phát sóng hay phân phối, mà nó được công chúng tiêu thụ bằng cách chia sẻ, trao đổi, kiểm chứng, điều tra và giải thích, song song với quá trình tác nghiệp chuyên nghiệp của nhà báo.

Để đáp ứng thực tế báo chí mới mẻ này, người làm báo không thể chỉ sản xuất báo chỉ dạng chữ đơn thuần, hoặc phát thanh, truyền hình truyền thống, mà cần biết kết hợp mọi phương tiện, mọi hình thức, mọi nền tảng truyền thông để sáng tạo sản phẩm báo chí đa phương tiện, cho phép công chúng tham gia nhiều nhất vào quá trình tiêu thụ báo chí, chia sẻ, bình luận, mang lại sự đa dạng, đa chiều, tăng tính hấp dẫn của thông tin. Các thiết bị như máy tính xách tay, điện thoại thông minh tích hợp nhiều chức năng như quay phim, chụp ảnh, ghi âm, sẽ là những công cụ phù hợp để sản xuất nhiều sản phẩm truyền thông đa phương tiện.

Tờ Thời báo New York dẫn đầu thế giới trong làm báo đa phương tiện Trang web của tờ báo này nytimes.com ra đời năm 1996 và là trang web báo chí đầu tiên của thế giới. Trong giai đoạn 2000-2007, Thời báo New York có hơn 17.000 tin bài được gắn thẻ (tag) Đa phương tiện và được chia thành bốn nhóm: Âm thanh; Slideshow ảnh; Tin tương tác; và Video.

Tại Việt Nam, truyền thông đa phương tiện cũng đang là một xu thế tất yếu đối với các ngành truyền thông, văn hóa, nghệ thuật. Trong lĩnh vực báo chí, đa phương tiện được thể hiện thông qua việc tích hợp các loại hình sản phẩm trong một tòa soạn trên các trang báo điện tử đồng thời chuyển tải dữ liệu bằng đa mã ngôn ngữ như chữ viết, ảnh, đồ họa, audio clip, video clip, live-stream, bản đồ, thời gian và sự tương tác đa chiều. Mặt khác, truyền thông đa phương tiện cũng là việc hội tụ các nền tảng truyền thông trong việc mô hình tổ chức, qui trình và phương thức sản xuất của tòa soạn. Tính tới thời điểm tháng 5.2020, đã có nhiều trang web của các cơ quan báo chí áp dụng TTĐPT, như VnExpress, VietnamNet, Tuổi Trẻ, Lao Động, Vietnam Plus… Ngành học Truyền thông đa phương tiện được đào tạo tại Học viện Báo chí Tuyên truyền, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Thái Nguyên, Đại học FPT. Tùy theo tính chất của các cơ sở đào tạo, những kỹ năng truyền thông đa phương tiện được đào tạo bao gồm kỹ thuật thiết kế và lập trình đồ họa 2D, 3D trên máy tính để thiết kế ấn phẩm đồ họa, làm phim hoạt hình, xây dựng trò chơi điện tử, thiết kế website, quay phim, chụp ảnh, biên tập âm thanh, dựng video, xử lý các kỹ xảo hình ảnh truyền hình, xây dựng và sản xuất đa phương tiện.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1.Bull, A., Multimedia Journalism: A Practical Guide, Routledge, Oxon. 2016

2.Ilhan, G.O. & Oruc, S., Effect of the use of multimedia on students’ performance: A case study of social studies class, Educational Research and Reviews, 2016

3. Jacobson, S., Emerging Models of Multimedia Journalism: A Content Analysis of Multimedia Packages Published on nytimes.com, Atlantic Journal of Communication, 2010, 63-78

4.Nguyễn Thị Trường Giang (chủ biên), Báo chí và truyền thông đa phương tiện, Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2017

5.Tolhurst, D., Hypertext, hypermedia, multimedia defined?, Educational Technology, 1995