(A. Asia Pacific Center for Theoretical Physics, vt. APCTP)
Trung tâm vật lý lý thuyết Châu Á Thái Bình Dương là trung tâm nghiên cứu quốc tế phi chính phủ, trình độ cao về Vật lý lý thuyết ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác, trao đổi khoa học giữa các nhà Vật lý trong khu vực cũng như tạo dựng một nền tảng hỗ trợ cho các nhà khoa học từ các nước đang phát triển.
APCTP đặt tại tp. Pohang, Hàn quốc trong khuôn viên của Đại học KH&CN Pohang (POSTECH), thành lập năm 1996.
Chủ tịch đầu tiên là Dương Chấn Ninh, người đoạt giải Nobel Vật lý năm 1957. Từ 10 quốc gia thành viên ban đầu, đến năm 2020 APCTP đã có thêm 7 quốc gia mới: 17 quốc gia thành viên hiện nay gồm Ấn Độ, Canada, Đài Loan, Hàn Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Lào, Malaysia, Mông Cổ, Nhật Bản, Philippines, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Australia, Uzbekistan và Việt Nam. Ngân sách cho các hoạt động của APCTP chủ yếu là do Chính phủ Hàn Quốc cấp. Thêm vào đó POSTECH, tp. Pohang và phí thường niên của các quốc gia thành viên cũng góp một phần vào ngân sách của APCTP.
Nhà khoa học đứng đầu APCTP là Chủ tịch. Ba hội đồng giúp Chủ tịch là Hội đồng quản trị (Board of Trustees), Hội đồng Khoa học (Science council) và Đại hội đồng (General council). Căn cứ theo các đề cử của Ủy ban tìm kiếm chủ tịch (Search committee for president), Chủ tịch sẽ được bầu ra bởi Hội đồng quản trị với đa số phiếu thuận và phải được Bộ trưởng Bộ KHCNTT&TT Hàn Quốc chấp thuận. Chủ tịch điều hành toàn bộ hoạt động của APCTP. Các Chủ tịch của APCTP qua từng thời kỳ là: C. N. Yang, Nobel Vật lý năm 1957 (01.1997 – 03.2004); R. B. Laughlin, Nobel Vật lý năm 1998 (04.2004 – 03.2007); P. Fulde (04.2007 – 06.2013); S. Kim (07.2013 – 05.2015); B. H. Lee (06.2015 – 10.2016); W. Namkung (11.2016 – 10.2017) và Y. Bang (11.2017 – đến nay).
Hội đồng quản trị gồm không quá 15 thành viên, trong đó 2/3 là người Hàn Quốc và 1/3 là từ các nước khác. Chủ tịch của APCTP, đại diện của Bộ KHCNTT&TT Hàn Quốc và Chủ tịch Hội Vật lý Hàn Quốc là ba thành viên mặc nhiên, còn các thành viên khác được bầu ba năm một lần theo hình thức bỏ phiếu kín và phải được chấp thuận bởi Bộ trưởng Bộ KHCNTT&TT Hàn Quốc. Việt Nam liên tục có đại diện được bầu làm thành viên của Hội đồng quản trị, đó là Nguyễn Văn Hiệu (1996 - 2012) và Nguyễn Bá Ân (2013 - 2022). Hội đồng quản trị có trách nhiệm kiểm tra và quyết định những vấn đề về kết nạp/khai trừ các quốc gia thành viên, ngân sách, sửa đổi Điều lệ thành
Hình 1. Logo và Cơ sở APCTP.
lập APCTP, bổ nhiệm/bãi nhiệm cán bộ và các công việc quan trọng khác. Các Chủ tịch của Hội đồng quản trị qua từng thời kỳ là: C. N. Yang (01.1997 – 03.2001); A. Arima (04.2001 – 11.2005); N. V. Hiệu (12.2005 – 03.2010); W. Namkung (04.2010 – 10.2013); P. A. Pearce (11.2013 – 10.2017) và N. Kawamoto (11.2017 – đến nay).
Hội đồng Khoa học thường gồm năm nhà Vật lý có thành tựu nghiên cứu nổi bật tầm cỡ quốc tế được APCTP trực tiếp mời tham gia làm cố vấn cho những vấn đề về khoa học.
Đại hội đồng gồm các nhà Vật lý được các quốc gia thành viên giới thiệu cho từng nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ là ba năm. Số lượng thành viên trong Đại hội đồng của mỗi quốc gia do Hội đồng quản trị quyết định. Nhiệm vụ của các thành viện trong Đại hội đồng là kiểm tra hoặc tư vấn về các vấn đề mà Hội đồng quản trị ủy thác cho họ và họ cũng có thể đề nghị thảo luận với Hội đồng quản trị về các vấn đề được cho là quan trọng trong các hoạt động của APCTP. Các thành viên của Việt Nam trong Đại hội đồng là Nguyễn Văn Hiệu (1996 - 2012), Nguyễn Hồng Quang (2009 - 2013) và Nguyễn Đại Hưng (2014 - 2022).
Sự hình thành APCTP một phần là do sáng kiến của Việt Nam. Với tư cách như một trong các thành viên sáng lập, Việt Nam luôn tích cực tham gia trong mọi hoạt động của APCTP, không chỉ hoàn thành xuất sắc mọi nghĩa vụ của một quốc gia thành viên, mà còn đóng góp nhiều ý tưởng quan trọng cho sự phát triển qua từng giai đoạn của APCTP.
APCTP là môi trường nghiên cứu đa ngành, tập trung vào các vấn đề mũi nhọn trong Vật lý sinh học, Vật lý các chất ngưng tụ, Khoa học về thông tin lượng tử, Vật lý thiên văn, Vũ trụ học và Vật lý hạt cơ bản. Mỗi năm APCTP đều có nhiều công bố khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín cao và tổ chức tại chỗ nhiều hội thảo khoa học theo các chuyên ngành khác nhau với các báo cáo mời do các nhà khoa học hàng đầu từ các nước phát triển trình bày.
APCTP cũng khích lệ và tài trợ các nhà Vật lý trẻ xuất sắc trong khu vực thành lập các nhóm nghiên cứu trẻ (Junior Research Groups). Mỗi nhóm có một nhóm trưởng. Nhóm trưởng được tự lựa chọn các thành viên của mình và điều hành nhóm về chuyên môn một cách độc lập. Tất cả thành viên của các nhóm được tài trợ để đến và làm việc dài hạn tại APCTP nhằm thực hiện các ý tưởng truyền cảm hứng và các dự án nghiên cứu của họ. APCTP còn có chương trình đào tạo nhà khoa học trẻ (Young Scientist Training Program) với nhiều hoạt động khoa học đại chúng như thường xuyên tổ chức các hội thảo/hội nghị chuyên đề và thực hiện các đề tài nghiên cứu cụ thể thông qua việc cấp kinh phí cho các nhà khoa học trẻ triển vọng trong khu vực đến làm việc một thời gian tại APCTP. Một số nhà nghiên cứu trẻ của Việt Nam như Trần Minh Tiến, Ngô Văn Thanh, Hoàng Danh Tài, đã được lựa chọn đến làm việc dài hạn theo các chương trình nghiên cứu cụ thể của APCTP trong từng thời kỳ. Gần đây APCTP đã triển khai thêm một chương trình đào tạo tiến sĩ, theo đó nghiên cứu sinh được hướng dẫn đồng thời bởi một thầy Hàn Quốc và một thầy của nước thành viên. Trong thời gian làm luận án nghiên cứu sinh được cấp kinh phí để sang làm việc ngắn hạn tại APCTP. Ngay từ khi chương trình này bắt đầu, Việt Nam đã có nghiên cứu sinh tham gia và điều này sẽ tiếp tục trong những năm tới.
APCTP còn có chương trình khách mời (Visitors Program) với mục đích khuyến khích các chuyến thăm ngắn hoặc dài hạn của các nhà nghiên cứu hoặc các nhóm nghiên cứu nhỏ từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng như các học giả có tầm cỡ trên toàn thế giới. Các khách mời sẽ hợp tác với các nhóm nghiên cứu của APCTP và trực tiếp tham gia vào các hoạt động khoa học đa dạng như xemina và hội thảo.
Thêm nữa, APCTP đã lập ra một chương trình riêng, gọi là chương trình “GS. Benjamin Lee” (Benjamin Lee Professorship) để vinh danh cố GS. Benjamin Lee, một nhà Vật lý Lý thuyết hàng đầu của Hàn Quốc. Theo chương trình này, mỗi năm một nhà Vật lý Lý thuyết có thành tựu nghiên cứu nổi bật tầm cỡ quốc tế được mời đến và ở lại APCTP trong một thời gian khá dài. Các giáo sư mời có thể giảng bài và/hoặc tổ chức các hoạt động khoa học nhỏ được thiết kế về nội dung xoay quanh chủ đề nghiên cứu chuyên sâu của họ. Điều này nhằm tạo cơ hội cho các nhà khoa học và các sinh viên của Hàn Quốc tiếp xúc/thảo luận trực tiếp về chuyên môn với các giáo sư mời.
Một nhiệm vụ đáng chú ý nữa của APCTP là thường xuyên kêu gọi các nước thành viên đăng ký tổ chức các hội thảo/hội nghị khoa học cũng như các lớp học chuyên đề tại nước mình với hỗ trợ đáng kể về tài chính cho các hoạt động chuyên môn này. Từ tháng 4.2009, Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trở thành một trong 30 viện nghiên cứu hợp tác với APCTP. Sự kiện này cho phép Việt Nam được hưởng lợi nhiều từ các chương trình hợp tác nghiên cứu và đào tạo của APCTP. Hàng năm Việt Nam đều nhận được các khoản tài trợ từ APCTP để tổ chức tại Việt Nam các lớp học vật lý và các hội nghị/hội thảo khoa học với sự tham gia của nhiều nhà khoa học từ các nước thành viên của APCTP cũng như các nước tiên tiến trên thế giới. Đặc biệt, từ 2018, sự thành lập và hoạt động của Trung tâm Vật lý Quốc tế, dưới sự bảo trợ của UNESCO, tại Viện Vật lý - Viện HLKH&CN Việt Nam, đang mở ra những cơ hội to lớn mới cho sự hợp tác sâu rộng hơn giữa các nhà vật lý Việt Nam và APCTP.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- APCTP Status Report (2014).
- APCTP Status Report (2017).