Trung tâm và ngoại vi là lý thuyết về hệ thống phát triển theo cái nhìn cấu trúc mang tính địa lý, trong đó, một số vùng phát triển trở thành trung tâm và những vùng kém phát triển trở thành ngoại vi, bị phụ thuộc vào các vùng trung tâm. Lý thuyết này được biết đến rộng rãi vào thập niên 60, 70 của thế kỷ XX bởi các nhà xã hội học, kinh tế học như Immanuel Maurice Wallerstein (1930-2019), với quan điểm chính là sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở các nước Tây Âu và Bắc Mỹ đã đưa các nước này thành thị trường trung tâm của thế giới, trong khi đó, các nước khác trở thành vùng ngoại vi hoặc bán ngoại vi phụ thuộc vào nền kinh tế của các nước trung tâm. Mô hình này còn được sử dụng để giải thích sự phát triển ở phạm vi từng quốc gia, khu vực hay sự phát triển của các phương diện văn hóa, xã hội khác.
Từ phương diện văn hóa, quan điểm về mối quan hệ giữa trung tâm và ngoại vi thực ra đã được biết đến từ cuối thế kỷ XIX với quan điểm truyền bá luận (diffutionisim) trong văn hóa. Quan điểm truyền bá văn hóa được thể hiện rõ trong các công trình của nhà dân tộc học người Đức Fritz Robert Graebner (1877 –1934). F.R. Graebner đã sử dụng ý tưởng của Friedrich Ratzel (1844-1904) và Leo Frobenius (1873 – 1938) về vòng văn hóa (kulturkreise) để phát triển thành hệ thống lý thuyết về sự truyền bá văn hóa thông qua việc lan tỏa của các vòng văn hóa. Phản đối lại quan điểm tiến hóa luận đơn tuyến cho rằng, các nền văn hóa đều phát triển tuần tự từ thấp đến cao theo một trình tự giống nhau đang thịnh hành thời bấy giờ, Graebner cho rằng, trên thế giới có một số lượng nhất định các vòng văn hóa trong suốt lịch sử nhân loại. Các vòng văn hóa này lan tỏa ra xung quanh (theo các cơ chế tương tác xã hội như hôn nhân, chiến tranh hoặc thương mại), ảnh hưởng tới các nền văn hóa khác. Bất cứ một nền văn hóa nào, dù là ở hiện tại hay trong quá khứ, đều chịu ảnh hưởng và có thể những yếu tố để truy tìm được sự ảnh hưởng từ các vòng văn hóa này. Các quan điểm khoa học của Graebner được ông tóm tắt lại trong cuốn Methode der Ethnologie (1911) được coi là cuốn sách nền tảng của lý thuyết này. Quan điểm lan truyền theo vòng sóng do Graebner đề xướng cũng đã được nhà ngôn ngữ học người Đức Wilhelm Schmidt (1868-1954) tiếp thu và phát triển trong việc truy tìm các vòng lan tỏa của ngôn ngữ vùng trung tâm tới ngoại vi.
Cũng sử dụng quan điểm truyền bá văn hóa trong việc kiến tạo nên các nền văn hóa nhưng các nhà nhân học Mỹ đầu thế kỷ XX như Franz Boas (1858-1942) và các học trò chịu ảnh hưởng của ông là Clark Wissler (1870-1947), Alfred Louis Kroeber (1876-1960) và Melville J. Herskovits (1885-1963) không đặt trực tiếp vấn đề trung tâm và ngoại vi mà thông qua việc so sánh văn hóa và thuyết tương đối văn hóa của họ, người đọc sẽ nhận ra các mối liên hệ giữa trung tâm và ngoại vi với tư cách là nơi ở gốc và nơi chuyển cư, vùng văn hóa gốc và nơi tiếp thu ảnh hưởng. Tuy nhiên, mối quan hệ trung tâm và ngoại vi ở đây bị hoán chuyển liên tục thông qua giao lưu và biến đổi văn hóa nên vị thế của cái trung tâm và cái ngoại vi không được ưu tiên trong các nghiên cứu nhân học này.
Vào cuối thế kỷ XX, lý thuyết trung tâm và ngoại vi được chú ý trở lại bởi các công trình nghiên cứu về hệ thống thế giới hiện đại của nhà xã hội học Mỹ Immanuel Maurice Wallerstein. Với việc đề xuất các khái niệm trung tâm, ngoại vi, bán ngoại vi trong nghiên cứu các vấn đề địa-chính trị, I. M. Wallerstein đã chỉ ra các chiều tương tác giữa trung tâm và ngoại vi, sự tồn tại cùng lúc của các chiều hướng tâm, ly tâm tạo ra sự biến đổi ngoại vi thành một trung tâm và ngược lại một cách nhanh chóng trong bối cảnh toàn cầu hóa. Bộ sách đồ sộ 4 tập của I. M. Wallerstein có ảnh hưởng lớn đến nghiên cứu địa chính trị, xã hội và văn hóa cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI.
Lý thuyết vùng văn hóa cũng đã được áp dụng để nghiên cứu các nền văn hóa ngoài Âu, Mỹ như văn hóa Trung Hoa, văn hóa Ấn Độ, văn hóa Đông Nam Á, trong đó, bên cạnh nhận diện các đặc điểm của từng vùng văn hóa được tiến hành song song với việc nhận diện các ảnh hưởng qua lại của các vùng trung tâm như văn hóa Trung Hoa tới các vùng ngoại vi như Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc, Việt Nam hay văn hóa Ấn Độ với tư cách là trung tâm tới các vùng ngoại vi Nam Á, Đông Nam Á. Những kết quả nghiên cứu đó đã được các nhà nhân học người Nga công bố trong công trình "Trung tâm và ngoại vi trong nghiên cứu văn hoá từ sau các phát kiến địa lí" [1979]. Việc nghiên cứu mối quan hệ giữa trung tâm và ngoại vi vẫn được tiếp tục trong nghiên cứu khu vực châu Á và Đông Nam Á cuối thế kỷ XX. Năm 1999, công trình Trung tâm và ngoại vi từ nghiên cứu thực địa của nhà nhân học Nhật Bản Michio Sounary về các nền văn hoá khu vực Đông Á đã được xuất bản.
Việc sử dụng lý thuyết trung tâm và ngoại vi của các nhà nghiên cứu Việt Nam được triển khai từ thập niên 90 đến nay trên nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau như chính trị học, xã hội học, tâm lý học, kinh tế học, ngôn ngữ học, văn học và văn hóa học. Lý thuyết trung tâm và ngoại vi được các nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam sử dụng trong các nghiên cứu về văn hóa vùng của Ngô Đức Thịnh, Trần Quốc Vượng, Đinh Gia Khánh và nhiều nhà nghiên cứu khác. Với quan điểm các vùng có mối liên kết lịch sử, có không gian tự nhiên tương đồng gắn với sự cộng sinh của một cộng đồng chủ thể có vai trò trung tâm kết nối với các cộng đồng khác sẽ mang những đặc điểm văn hóa chung, các nhà nghiên cứu đã chia văn hóa Việt Nam ra thành các vùng và các tiểu vùng văn hóa.
Trong hơn một thế kỷ, bản thân lý thuyết trung tâm và ngoại vi đã có nhiều thay đổi. Từ khái niệm vòng văn hóa với quan điểm truyền bá văn hóa một chiều từ một số trung tâm hữu hạn, hay quan điểm tiến hóa luận đơn thuần một chiều thấp đến cao theo định hướng giá trị của nền văn hóa trung tâm, lý thuyết trung tâm và ngoại vi đã phát triển lên ở chỗ chỉ ra tương tác hai chiều của trung tâm và ngoại vi, từ đó, đề xuất các khái niệm vùng văn hóa, tích hợp văn hóa, biến đổi văn hóa trong quá trình sống của các cộng đồng có mối liên kết lịch sử hoặc có điều kiện tự nhiên gần gũi. Tuy nhiên, mô hình nhị nguyên trung tâm – ngoại vi đang tỏ ra bất cập trong xu hướng nghiên cứu văn hóa trong bối cảnh hay nghiên cứu văn hóa hàng ngày mà ở đó, mỗi một thực hành văn hóa của các chủ thể đều có giá trị tự thân không tuân theo cách đánh giá mang tính áp đặt là trung tâm hay ngoại vi; sự tương tác hay ảnh hưởng của các thực hành văn hóa khác nhau là có nhưng không phải theo tính chất trung tâm – ngoại vi mà là sự bình đẳng cùng tồn tại. Đó là lý do của sự ra đời Công ước UNESCO 2005 về việc tôn trọng quyền biểu đạt đa dạng của các nền văn hóa mà trong bối cảnh thế giới phẳng ngày nay, nhu cầu hướng đến các giá trị phổ quát tồn tại đa chiều với nhu cầu giữ gìn các giá trị khác biệt.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Fritz Robert Graebner, Methode der Ethnologie, Publisher: Heidelberg, Winter, 1911.
- Ngô Đức Thịnh, Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa ở Việt Nam, do Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993.
- Trần Quốc Vượng (chủ biên), Văn hóa học đại cương và cơ sở văn hóa Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996.
- Ngô Đức Thịnh – “Lý thuyết “trung tâm và ngoại vi” trong nghiên cứu không gian văn hóa”, Tạp chí Văn hóa dân gian số 1/2007
- Immanuel Maurice Wallerstein, The Modern World-System, vol 1: Capitalist Agriculture and the Origins of the European World-Economy in the Sixteenth Century, With a New Prologue; New York: Academic Press, 1974; The Modern World-System, vol II, New York: Academic Press, 1980; The Modern World-System, vol III, San Diego: Academic Press, 1989; The Modern World-System, vol IV, Berkeley: University of California, 2011.