Mục từ này cần được bình duyệt
Trung tâm lưu trữ quốc gia IV

Trung tâm lưu trữ quốc gia IV một trong bốn Trung tâm Lưu trữ quốc gia trực thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (VTLTNN) - Bộ Nội vụ, được thành lập theo Quyết định số 1176/QĐ-BNV ngày 25 tháng 8 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, có trụ sở tại số 2, Yết Kiêu, phường 5, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Đây nguyên là khu Biệt điện Hồng Ngọc của Trần Lệ Xuân (vợ của Ngô Đình Nhu, em trai Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm) xây cho cha đẻ là ông Trần Văn Chương lúc đó đang là Đại sứ Việt Nam Cộng hòa (VNCH) tại Mỹ. Sau cuộc đảo chính ngày 01 tháng 11 năm 1963, khu Biệt điện Hồng Ngọc được chế độ VNCH dùng làm khu Bảo tàng Sắc tộc Tây Nguyên.

Từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, khu Biệt điện Trần Lệ Xuân được giao cho Sở Du lịch tỉnh Lâm Đồng quản lý. Năm 1984, khu Biệt điện này được Uỷ ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng giao cho Cục Lưu trữ Nhà nước (nay là Cục VTLTNN) quản lý để làm nơi bảo quản khối tài liệu Mộc bản triều Nguyễn lúc đó đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II. Năm 2002, Kho chuyên dùng để bảo quản khối tài liệu quý hiếm này đã được Nhà nước đầu tư xây mới và đến ngày 25 tháng 8 năm 2006, sau khi Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (TTLTQG IV) được thành lập, Khu Biệt điện Trần Lệ Xuân trở thành trụ sở chính của Trung tâm. Kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2007, sau khi khu Biệt điện Trần Lệ Xuân đã được trùng tu, nâng cấp và được tổ chức thành Khu trưng bày tài liệu lưu trữ thì Trung tâm LTQG IV đã trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà nghiên cứu, du khách trong nước và nước ngoài quan tâm đến lịch sử và văn hóa Việt Nam.

Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (Ảnh tư liệu TTLTQG IV)

Theo Quyết định số 181/QĐ-VTLTVN ngày 15 tháng 9 năm 2006 của Cục trưởng VTLTNN, Trung tâm LTQG IV có chức năng thu thập, bổ sung, bảo quản và khai thác sử dụng tài liệu lưu trữ và nguồn tài liệu lưu trữ từ các cơ quan, tổ chức Trung ương đóng trên địa bàn miền Trung (từ Quảng Trị đến Bình Thuận) và Tây Nguyên; bảo hiểm tài liệu lưu trữ quốc gia từ Quảng Trị trở vào phía Nam.

Thời kỳ đầu (từ 2006 đến tháng 5.2010), Trung tâm LTQG IV có ba phòng chức năng:

- Phòng Hành chính – Tổ chức;

- Phòng Thu thập – Tổ chức Sử dụng tài liệu;

- Phòng Bảo quản tài liệu.

Về chuyên môn, Trung tâm LTQG IV có nhiệm vụ:

- Thu thập, bổ sung tài liệu lưu trữ của các cơ quan, tổ chức và cá nhân thuộc thẩm quyền được giao;

- Kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức và cá nhân thuộc nguồn nộp lưu vào Trung tâm;

- Chỉnh lý, phân loại, xác định giá trị đối với tài liệu, tư liệu lưu trữ thuộc phạm vi quản lý của Trung tâm;

- Bảo vệ, bảo quản tài liệu, lập bản sao bảo hiểm đối với tài liệu lưu trữ đặc biệt quý, hiếm thuộc phạm vi quản lý của Trung tâm và của các cơ quan, tổ chức lưu trữ khác có nhu cầu;

- Thực hiện tu bổ, phục chế đối với những loại hình tài liệu, tư liệu lưu trữ hư hỏng thuộc thẩm quyền của Trung tâm và các tổ chức, cá nhân có nhu cầu;

- Xây dựng và quản lý hệ thống công cụ thống kê, tra cứu tài liệu, tư liệu lưu trữ; thực hiện thống kê và báo cáo thống kê lưu trữ lên Cục VTLTNN;

- Phát huy giá trị tài liệu lưu trữ: tổ chức triển lãm, thông báo, giới thiệu, công bố và phục vụ sử dụng tài liệu, tư liệu lưu trữ thuộc phạm vi quản lý của Trung tâm;

- Tổ chức nghiên cứu khoa học, áp dụng những thành tựu khoa học và công nghệ, công nghệ thông tin vào thực tiễn công tác của Trung tâm.

Thời kỳ từ tháng 5.2010 đến tháng 10.2015: theo Quyết định số 121/QĐ-VTLTVN ngày 20.5.2010 của Cục trưởng Cục VTLTNN, Trung tâm LTQG IV có chức năng sưu tầm, thu thập, chỉnh lý, bảo quản và tổ chức sử dụng tài liệu Mộc bản triều Nguyễn; tài liệu, tư liệu của các cơ quan, tổ chức Trung ương và cá nhân thời kỳ Phong kiến, Pháp thuộc và của Nhà nước CHXHCN Việt Nam trên địa bàn từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên theo quy định của pháp luật và quy định của Cục VTLTNN.

Trung tâm LTQG IV gồm chín phòng chức năng:

- Phòng Tài liệu Mộc bản;

- Phòng Thư thập – Chỉnh lý tài liệu;

- Phòng Bảo quản tài liệu;

- Phòng Đọc;

- Phòng Tin học và Công cụ tra cứu;

- Phòng Hành chính – Tổ chức;

- Phòng Kế toán;

- Phòng Bảo vệ và Phòng cháy chữa cháy;

- Phòng Công bố và Giới thiệu tài liệu.

Nhiệm vụ chuyên môn của Trung tâm LTQG IV trong thời kỳ này được sửa đổi lại như sau:

- Sưu tầm, thu thập, bổ sung tài liệu, tư liệu lưu trữ của các cơ quan, tổ chức và cá nhân theo thẩm quyền được giao;

- Phân loại, chỉnh lý, xác định giá trị tài liệu, tư liệu lưu trữ thuộc phạm vi quản lý của Trung tâm;

- Bảo vệ, bảo quản an toàn tài liệu, tư liệu lưu trữ;

- Lập bản sao bảo hiểm tài liệu lưu trữ quý hiếm (ở dạng số hóa) theo quy định phân cấp của Cục trưởng Cục VTLTNN;

- Tu bổ, phục chế tài liệu, tư liệu lưu trữ bị hư hỏng của Trung tâm theo quy định phân cấp của Cục trưởng Cục VTLTNN;

- Xây dựng và quản lý hệ thống công cụ thống kê, tra cứu tài liệu, tư liệu lưu trữ;

- Thực hiện các hình thức tổ chức khai thác, sử dụng tài liệu, tư liệu lưu trữ bảo quản tại Trung tâm;

- Thực hiện nghiên cứu khoa học, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ vào thực tiễn công tác của Trung tâm;

- Thực hiện các dịch vụ lưu trữ theo quy định của pháp luật.

Từ năm 2015 đến nay, cơ cấu tổ chức của Trung tâm LTQG IV được điều chỉnh lại gồm bảy phòng chức năng:

- Phòng Thu thập – Chỉnh lý tài liệu;

- Phòng Bảo quản tài liệu;

- Phòng Tổ chức Sử dụng tài liệu;

- Phòng Tin học và Công cụ tra cứu;

- Phòng Hành chính – Tổ chức;

- Phòng Kế toán;

- Phòng Bảo vệ và Phòng cháy chữa cháy.

Nhiệm vụ chuyên môn của Trung tâm LTQG IV được sửa đổi lại theo Quyết định số 167/QĐ-VTLTNN ngày 28 tháng 10 năm 2015 của Cục trưởng Cục VTLTNN:

1. Trực tiếp quản lý tài liệu lưu trữ hình thành trong quá trình hoạt động của cơ quan, tổ chức và cá nhân:

- Tài liệu Mộc bản triều Nguyễn;

- Tài liệu thời kỳ Pháp thuộc xứ Trung Kỳ;

- Tài liệu của chính quyền thân Pháp có trụ sở trên địa bàn Trung Việt (Trung phần), cao nguyên Trung phần từ năm 1946 đến 1954;

- Tài liệu cơ quan, tổ chức của chế độ VNCH tại các tỉnh Trung nguyên Trung phần (từ tỉnh Quảng Trị đến tỉnh Bình Thuận) và các tỉnh Cao nguyên Trung phần từ năm 1954 đến năm 1975;

- Tài liệu cơ quan, tổ chức Trung ương của Nhà nước CHXHCN Việt Nam trên địa bàn từ tỉnh Quảng Trị đến tỉnh Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên;

- Các tài liệu khác được giao quản lý.

2. Thực hiện các hoạt động lưu trữ:

- Thu thập, sưu tầm, bổ sung tài liệu lưu trữ đối với các phông, sưu tập thuộc phạm vi trực tiếp quản lý của Trung tâm;

- Phân loại, chỉnh lý, xác định giá trị tài liệu lưu trữ thuộc phạm vi quản lý của Trung tâm;

- Thực hiện các biện pháp bảo vệ, bảo quản an toàn tài liệu lưu trữ: sắp xếp, vệ sinh tài liệu trong kho; khử trùng, khử a-xít, tu bổ, phục chế, số hóa tài liệu và các biện pháp khác;

- Xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu, hệ thống công cụ thống kê, tra cứu tài liệu;

- Tổ chức khai thác, sử dụng và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ bảo quản tại Trung tâm.

3. Ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ vào thực tiễn công tác của Trung tâm.

4. Thực hiện các dịch vụ công và dịch vụ lưu trữ theo quy định của pháp luật và quy định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Cục trưởng Cục VTLTNN.

Hiện nay Trung tâm LTQG IV đang bảo quản:

- Khối tài liệu thời Phong kiến gồm Mộc bản triều Nguyễn từ năm 1820 đến 1945;

- Khối tài liệu thời Pháp thuộc từ năm 1858 đến 1945;

- Khối tài liệu thời Chính phủ Quốc gia Việt Nam từ năm 1949 đến 1955;

- Khối tài liệu thời Chính quyền VNCH từ năm 1954 đến 1955;

- Khối tài liệu Tòa Hành chính tỉnh Thừa Thiên từ năm 1947 đến 1975.

Nhờ có những thành tích trong công tác của mình, Trung tâm LTQG IV đã được nhận Huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước tặng thưởng năm 2011 và Huân chương Lao động hạng Nhì do Chủ tịch nước tặng thưởng năm 2016.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Các Lưu trữ quốc gia Việt Nam, Nxb Thông tin và Truyền thông, 2018.
  2. Nguyễn Thị Nhuấn, Giá trị của khối tài liệu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV. Kỷ yếu hội thảo khoa học: “Nguồn tư liệu về lịch sử Việt Nam ở trong và ngoài nước: tiềm năng và vấn đề sưu tầm, khai thác” (tài liệu lưu hành trong phạm vi nội bộ Đề án Khoa học Xã hội cấp quốc gia: Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam), Đại học KHXH&NV – Đại học Quốc gia Hà Nội, tháng 9.2018.
  3. Nguyễn Văn Thâm - Vương Đình Quyền - Đào Thị Diến - Nghiêm Kỳ Hồng, Lịch sử Lưu trữ Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2010.
  4. http://luutruvn.com/index.php/trung-tam-luu-tru-quoc-gia-iv/
  5. https://luutru.gov.vn/co-cau-to-chuc/trung-tam-luu-tru-quoc-gia-iv.htm