Tranh thờ tranh dân gian thường được vẽ tay hay in trên giấy và các chất liệu khác (vải, gỗ, kính, sơn mài,...), sử dụng trong thực hành tôn giáo tín ngưỡng ở người Kinh và các tộc người thiểu số. Còn được gọi là “tranh cúng lễ”, “tranh tôn giáo”, “tranh tín ngưỡng”.
Ở Việt Nam, tiêu biểu là tranh thờ trong các dòng tranh dân gian sau: Đông Hồ (Bắc Ninh, được xem là xuất hiện vào thế kỉ XVI-XVII); Hàng Trống (khu phố cổ Hà Nội, thế kỉ XVII-XVIII); Kim Hoàng (huyện Hoài Đức - Hà Nội, thế kỉ XVIII-XIX); làng Sình (Huế, thế kỉ XIX); tranh kính Nam Bộ (vùng các tỉnh Nam Bộ và Huế); tranh thờ miền núi (chủ yếu ở vùng Đông Bắc và Tây Bắc). Các dòng tranh kể trên đều thịnh hành cho đến đầu thế kỉ XX, sau năm 1945 thì sa sút, có phục hồi trong chừng mực và những thử nghiệm kĩ thuật mới từ sau năm 1975. Về cơ bản, các dòng tranh dân gian chỉ có hai mục đích: tránh bán Tết để treo tranh nhà trong năm, tranh thờ phục vụ nhu cầu tín ngưỡng. Cũng có dòng tranh hầu như chỉ là tranh thờ, như tranh làng Sình và tranh miền núi.
Về phương diện kĩ thuật, tranh thờ trong các dòng tranh Việt Nam là kết hợp giữa vẽ tay và ba kĩ thuật cơ bản của nghề in khắc gỗ phương Đông, tùy dòng mà phát triển chủ yếu một loại kĩ thuật. tranh thờ Hàng Trống được vẽ tay hoàn toàn hoặc kết hợp với cách: nét thì in bằng ván khắc gỗ, còn màu thì tô bằng tay – gọi là kĩ thuật bút thái mộc khắc (tô màu bằng bút sau khi đã in nét bằng ván gỗ). Kĩ thuật kết hợp này được sử dụng ở làng Sình, tuy làng Sinh thì tô màu thô phác hơn và bỏ hẳn lối vờn màu của Hàng Trống. tranh thờ Đông Hồ thì lại sử dụng lối in màu bằng ván, có bao nhiêu màu thì phải có bấy nhiêu ván – gọi là kĩ thuật thao sắc mộc khắc (in nét và màu đều bằng ván). Ngoài ra còn có kĩ thuật hắc bạch mộc khắc (khắc gỗ đen trắng).
Tranh thờ Đông Hồ sử dụng các màu có gốc tự nhiên, như chế từ vỏ sò, ốc biển, hoa hè, nghệ, đá son, chàm, gỉ đồng, than tre,...tranh thờ Hàng Trống dùng phần lớn các màu phẩm pha với nước để vờn màu cùng một vài màu gốc tự nhiên. tranh thờ miền núi thì có cả màu bằng các khoáng chất, nhưng nhiều hơn là màu có gốc tự nhiên. So với Hàng Trống và Đông Hồ, tranh thờ miền núi thường đậm màu hơn, bởi màu được tô dày.
Về phương diện nội dung, tranh thờ có bốn mảng lớn: 1). Tôn kính cổ nhân (gồm tranh thờ cúng tổ tiên, tranh minh họa truyện Nhị thập tứ hiếu); 2). Đạo giáo (tam thanh, thiên sư,...); 3). Thờ Mẫu (Thánh Mẫu, công đồng,..); 4). Phật giáo và Thần bảo hộ. Ngoài ra, còn một loại gọi là “tranh chủ”, là tranh treo ở mảng tường phía trên bàn thờ gia tiên, với các hình vẽ và trang trí là cửa võng, nghi môn, câu đối, đèn hương, hoa quả,...; thích ứng với khung cảnh nhà tranh vách đất trước đây, với ý nghĩa là dùng hình vẽ thay thế cho đồ thờ. Sau này, hình thức tranh chủ đã được rút gọn thành tranh ngũ quả, cuốn thư, câu đối.
Đối với người sống ở đồng bằng và các đô thị, do tín ngưỡng thờ Mẫu phát triển, nên tranh Tam tòa Thánh Mẫu, Tứ phủ công đồng, Ngũ hổ,... rất được ưa chuộng. Dòng tranh Đông Hồ sản xuất những tranh thờ loại nhỏ, thường cho độc thần, như Bà chúa Thượng Ngàn, Bà chúa Thượng Thiên, Thần Độc cước,...Dòng tranh Hàng Trống thì rất chuyên nghiệp trong sản xuất tranh thờ. Các ván in thường được khắc lớn và chi chít hình. Kết cấu của bức tranh thờ dù loại nào, chủ đề nào cũng chỉ theo một lối: trên là trời, dưới là đất; có các tầng tính từ dưới lên là địa ngục – trần gian – trung giới – thượng giới – niết bàn. Bởi vậy, hình tượng Phật bao giờ cũng cao nhất, dưới là các Mẫu, các Quan,..
Tranh làng Sình thì được in và tô màu, chủ yếu dùng để đốt trong các nghi lễ với ý nghĩa như là vàng mã. Bởi vậy, kĩ thuật chế tác thì đơn giản, hình vẽ thì chủ yếu miêu tả âm giới, cảm giác chung là có một không khí huyền hoặc bao quanh.
Các tộc người ở miền núi, tiêu biểu là Tày, Nùng, Dao, Sán Dìu, Cao Lan,...đều có tranh thờ theo màu sắc Đạo giáo. Hệ thần Đạo giáo và thế giới quan Tam Phủ - Tứ Phủ là nội dung chính trong tranh thờ miền núi; thường có các bức như Tam Thanh, Ngọc Hoàng thượng đế, Thập điện Diêm vương, Trương Thiên sư, Thiên Phủ, Địa Phủ, Thủy Phủ, Dương Gian Phủ,...tranh thờ miền núi thường đi theo bộ (khoảng 30 tranh) và được sử dụng trong các nghi lễ có qui mô lớn như cấp sắc, cầu siêu (làm ma khô). Có nhiều bộ tranh thờ miền núi được bảo quản cẩn thận và sử dụng qua nhiều đời (vài trăm năm), có khi là tranh do họa sĩ từ Trung Quốc được đón sang vẽ tại địa phương trong vài tuần, có khi là tranh được đặt các hiệu tranh thuộc dòng tranh Hàng Trống vẽ tay theo mẫu mang từ miền núi xuống. Hiện nay, có một số nơi ở miền núi do tranh thờ cổ đã thất lạc, nên sử dụng loại tranh thờ in từ máy in công nghệp trên chất liệu vải bạt.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Durand Maurice, Imagerie Populaire Vietnamienne, Publications de I’école Francaise d’Extrême - Orient Vol XLVII, Paris, 1960.
- Lemoine Jacques, “Yao taoist paintings”, Arts of Asia 11.1: 61-71, 1981.
- Lemoine Jacques, Yao Ceremonial paintings, White Lotus, Bangkok, 1982.
- Lemoine Jacques, Entre la maladie et la mort, le chamane hmong, sur les chemins de l'au-delà, Pandora, Bangkok, 1987.
- Phan Ngọc Khuê, Tranh đạo giáo ở Bắc Việt Nam, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2001.
- Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo Biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, Từ điển Bách khoa Việt Nam - Tập 4 (T-Z), Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2005.
- Vũ Ngọc Khánh - Phạm Minh Thảo Từ điển Việt nam văn hóa tín ngưỡng phong tục, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2009.
- Phan Ngọc Khuê, Tranh dân gian Hàng Trống, Nxb Hà Nội, Hà Nội, 2010.
- Phan Cẩm Thượng, Văn minh vật chất của người Việt, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2011.
- Đàm Tĩnh 譚静『過山系ヤオ族(ミエン)儀礼神画に関する総合的研究―神画と儀礼文献と儀礼実践からの立体化の試み―』神奈川大学歴史民俗資料学研究科博士論文 2015.
- Chu Xuân Giao, “Hệ thống Tứ Phủ trong tín ngưỡng của người Dao”, Tạp chí Văn hóa Dân gian số 1 năm 2016, tr. 18-33.
- Durand Maurice (Philippe Papin, Marcus Durand biên soạn; Nguyễn Thị Hiệp, Oliver Tissier dịch và giới thiệu), Tranh gian dân gian Việt Nam sưu tầm và nghiên cứu, Nxb Văn hóa Văn nghệ - EFEO, Tp. Hồ Chí Minh, 2017.