Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Tranh làng Sình
Hổ - Tranh làng Sình

Tranh làng Sình là dòng tranh dân gian sử dụng kỹ thuật khắc ván gỗ để in nét và dùng bút vẽ màu trên giấy dó, do nghệ nhân làng Lại Ân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế làm ra. Làng Lại Ân có tên nôm là làng Sình, tên làng cũng là tên của dòng tranh.

Theo lưu truyền dân gian, thời Trịnh – Nguyễn, trong dòng người chuyển cư vào vùng Thuận Hoá có ông Kỳ Hữu Hoà, người mang theo nghề làm tranh giấy mộc bản vào lập cơ sinh sống, từ đó hình thành nghề làm tranh làng Sình. Cùng với nghề mã, nghề tranh gắn bó với đời sống tâm linh của người dân xứ Huế như một phần không thể thiếu của cuộc sống. Nghề làm tranh làng Sình có nhiều tên gọi khác nhau: nghề bồi, nghề giấy, nghề Sình, nghề hồ điệp. Hội Bồi là tổ chức được lập ra để các nghệ nhân tương tế nhau cùng phát triển nghề tranh, đứng đầu là chủ bồi, phó bồi, sau đó là các con bồi. Các thành viên hội Bồi giúp nhau vốn liếng, trao đổi kinh nghiệm, trao đổi ván in, san sẻ bột điệp, màu vẽ, hỗ trợ nhau bán tranh…

Tranh làng Sình không thuần tuý là dòng tranh phục vụ thú chơi tao nhã mà chủ yếu là tranh tín ngưỡng, gắn liền với nghi lễ thờ cúng của người dân xứ Huế và vùng lân cận. Các hình ảnh trên tranh thờ cúng được gọi là tượng cho dù đó là hình in mộc bản trên giấy phẳng chứ không phải là khối điêu khắc. Tượng Bếp là tranh cúng Táo quân, Tượng Bà là tranh thờ bổn mạng, tượng mười hai con giáp là các vật linh trong thập nhị địa chi của âm lịch.

Điểm đặc biệt của tranh làng Sình là ngoài tranh Tượng Bà để thờ cúng quanh năm không đốt, còn lại tất cả các tranh khác đều được hoá đốt sau khi cúng để cầu an, giải hạn, đôi khi tranh được hoá đốt cùng đồ mã. Những tranh thế mạng, dâng sao giải hạn cúng vào rằm tháng Giêng, rằm tháng bảy, giao thừa, một số tranh dùng trong lễ cúng Bà vào ngày 9 tháng Giêng. Tranh làng Sình thể hiện thế giới tâm linh của người dân xứ Huế gắn liền với các vị thần bảo trợ cuộc sống con người và hoạt động nông nghiệp. tranh làng Sình có giá trị tâm linh đối với người dân, là hình thức người dân chuyển tải đến thần linh, ông bà tổ tiên những mong cầu may mắn, bình an, giải vận xui hạn, các đồ vật trong nhà được phong y túc thực, các vật nuôi mau lớn, mùa màng mau thu hoạch.

Năm 1945, do chiến tranh ly loạn, việc thờ cúng không còn giữ theo lễ nghi truyền thống khiến nghề tranh sa sút, nghệ nhân làm tranh không đủ mưu sinh phải bỏ nghề. Sau năm 1975, do bị coi là văn hoá phẩm mê tín dị đoan, tranh làng Sình bị cấm sản xuất, tranh và ván khắc bị thu hồi, đốt bỏ, nghệ nhân thưa vắng và nghề làm tranh dân gian mai một. Để giữ nghề, nghệ nhân Kỳ Hữu Phước dùng ni lon gói chặt ván khắc và chôn giấu xuống đất. Nhiều năm sau đó, ông quyết định đào lại khuôn tranh, đào hầm, bí mật làm tranh, giấu lận tranh trong người mang đi rao bán cho người dân trong làng và vùng lân cận vì nhu cầu tâm linh của người dân vẫn cần tới tranh để thờ cúng và hoá đốt. Tranh làng Sình âm ỉ, thầm lặng tồn tại trong nhiều năm tháng bởi sự bạo dạn giữ nghề của nghệ nhân. Năm 1996, từ chủ trương khôi phục lại các làng nghề truyền thống của Nhà nước và xu hướng phát triển du lịch văn hoá làng nghề, tranh làng Sình được nhìn nhận là di sản văn hoá của xứ Huế cần được giữ gìn và bảo vệ. Cũng từ đây, nghệ nhân Kỳ Hữu Phước dành nhiều công sức kêu gọi người làng cùng phục hồi nghề cũ. Ông dạy người làng cách khắc bản gỗ tạo khuôn tranh, dạy cách pha màu từ lá cây, cho mượn bản khắc để in tranh. Tranh làng Sình dần phục hồi sau những thăng trầm của nghề và sự vất vả, chật vật của nghệ nhân.

Từng có một thời hưng thịnh suốt dải đất miền Trung, rồi lại suy tàn, bị phá bỏ do quan niệm đương thời nhưng tranh làng Sình vẫn không mất đi, vẫn tồn tại và truyền đến ngày nay, tới nghệ nhân Kỳ Hữu Phước là truyền nhân đời thứ chín của dòng tranh làng Sình. Ngày nay, nhiều người dân xứ Huế không còn giữ tục lệ cúng thờ bằng tranh làng Sình nhưng vẫn không quên truyền thống tín ngưỡng tốt đẹp của một thời, vì vậy bên cạnh những tranh in từ ván khắc cổ như một cách lưu giữ truyền thống cho thế hệ sau, nghệ nhân làng Sình tiếp tục phát triển một số tranh phản ánh đời sống văn hoá địa phương dùng để trang trí, treo tường, phục vụ du lịch, đưa nghệ thuật tranh dân gian làng Sình đi vào đời sống đương đại.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Chu Quang Trứ, Văn hoá Việt Nam nhìn từ mỹ thuật, tập 2, Nxb. Mỹ thuật, Hà Nội, 2002.
  2. Nguyễn Hữu Thông, “Làng Sình và nghề làm tranh”, in trong: Tổng tập Nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam, tập 5, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2011.