Tranh khắc gỗ là tranh in từ các bản khắc gỗ. Tranh khắc gỗ còn được gọi là tranh in mộc bản, thuộc thể loại đồ họa trong sự phân biệt với hội họa.
Giới nghiên cứu chưa xác định được chính xác tranh khắc gỗ xuất hiện từ bao giờ. Sử sách ghi chép thời Lý, dân Đại Việt đã có nghề khắc ván in kinh Phật, thời Hồ đã in tiền giấy, thời Lê sơ, dân làng Hồng Lục, tỉnh Hải Dương nổi tiếng với nghề khắc ván in và thờ vị tổ nghề Lương Nhữ Hộc (có tài liệu ghi Lương Như Hộc). Tuy nhiên Lương Nhữ Hộc, do đem nghề khắc chữ dạy cho người làng nên được thờ là tổ nghề khắc ván in nói chung, không có tư liệu nào cho biết ông được thờ là tổ nghề khắc ván in tranh. Các làng làm tranh khắc gỗ dân gian đều chung tình trạng không có thông tin về vị tổ nghề.
Giải thích về nguồn gốc tranh khắc gỗ, một số nhà nghiên cứu cho rằng, từ câu chuyện thần thoại lưu truyền trong dân gian về cuộc đấu trí giữa Phật và quỷ để giành đất sống cho con người, hằng năm, cứ vào dịp Tết, người dân có tục lệ dựng cây nêu thật cao, vẽ trên sân hình vòng tròn, cánh cung, mũi tên chĩa ra phía cổng, treo dán trên cánh cửa, cánh cổng bức tranh vẽ hình ông tướng canh cửa. Đây là một hình thức tượng trưng cho sức mạnh bảo hộ của thần linh, được người dân thể hiện một cách thô sơ ở buổi ban đầu. Khi tục lệ này phát triển rộng khắp, việc vẽ các bức hình trấn trạch bằng tay không đủ đáp ứng, người ta nghĩ tới việc khắc ván theo mẫu để in tranh với số lượng lớn mà không tốn kém công sức, thời gian, đồng thời để nhiều người làm được tranh dù không biết vẽ. Từ các bức in tranh trấn, bùa, khoán, theo thời gian các hình tượng Phật, thánh, mẫu tiếp tục được bổ sung trên bề mặt tranh để thể hiện niềm tin tâm linh, trong đó không thiếu những niềm tin rất đỗi đời thường về mùa màng, niềm vui hội hè, con đàn cháu đống hay sự trường thọ.
Thế kỷ XVI, XVII, XVIII ghi dấu thời kỳ phát triển của các làng làm tranh khắc gỗ dân gian, đó là làng Nam Dư Thượng, làng Bình Vọng ở Hà Đông; làng Sen Hồ ở Bắc Giang; làng Đông Hồ ở Bắc Ninh; khu vực Hàng Trống ở kinh thành Thăng Long, làng Kim Hoàng ở Hà Tây, nay sáp nhập vào Hà Nội; làng Sình ở Huế, trong đó tranh Đông Hồ xuất hiện sớm nhất, khoảng thế kỷ XVI, XVII. Bên cạnh đó còn có các bản khắc gỗ in tranh thập vật (10 thứ thiết dụng để cúng đốt theo tín ngưỡng dân gian) còn lưu giữ ở một số chùa vùng Bắc Bộ.
Tranh khắc gỗ dân gian do những người nông dân ở một số vùng quê hằng ngày cày cấy, làm tranh lúc nông nhàn. Từ những thấu hiểu về cuộc sống tâm tư, sở thích, khát vọng, phong cách, tập tục ở chốn thôn quê, tường tận niềm vui, nỗi lo lắng, niềm ước vọng, những nghệ sĩ dân gian đã khéo thể hiện đời sống của người dân lao động thành các bức tranh mang cái nhìn hiện thực, cảm xúc chân thật, có quan hệ với thực tiễn. Những câu chuyện trong tranh bao quát đời sống nông thôn, những hình tượng trong tranh là sự cách điệu hoá vui vẻ, lạc quan về những sự vật, hiện tượng, những gì mà người nông dân quan tâm và tin tưởng trong cuộc sống hằng ngày. Gà đàn, lợn ổ, lợn nái, thần kê là khát vọng nhưng cũng là niềm tin về mùa màng. Các bé trai, bé gái bụ tròn ôm gà, vịt, cóc, rùa, các cảnh vui bắt trạch, đu đôi, đấu vật… là thế giới hạnh phúc mà người nông dân tâm tưởng.
Tranh khắc gỗ dân gian giải thích niềm tin và tín ngưỡng sơ khai qua các biểu tượng thần linh. Ông Công, ông Táo, Tiến tài, Tiến lộc, Ông Tơ, Bà Nguyệt, ông tướng, Tượng Bếp, Tượng bà… được tin tưởng là các vị thần trông coi công việc gia đình hoặc là vị thần bổn mạng ở ngay trong nhà. Treo, dán bức tranh lên tường, vách, cửa, người dân tin các vị thần có mặt, bảo vệ và phù trợ hiệu quả cho con người và cuộc sống nông nghiệp. Thế giới thần linh còn mở rộng tới các vị tiên, thánh, Phật, các vị thánh mẫu, ông hoàng, bà chúa, thần hổ treo trang trọng trong các thiết chế thờ tự để người dân thực hành tín ngưỡng cầu sự phù trợ. Việc làm tranh khắc gỗ là một cách trực quan hoá thế giới tinh thần của nông dân trong xã hội nông nghiệp, đặt niềm tin vào các hình vẽ gà, lợn, hình vẽ lao động, vui chơi, hình vẽ thần, thánh.
Năm 1925, sự xuất hiện của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và khoa học tạo hình phương Tây đã thúc đẩy sự chuyển biến của nghệ thuật làm tranh khắc gỗ từ dân gian sang hiện đại. Những kiến thức về bố cục, luật xa gần, hình họa, khoa học giải phẫu, khoa học về ánh sáng được người Pháp truyền dạy sinh viên trong môi trường đào tạo chuyên môn hoá đã tác động, làm thay đổi tư duy tạo hình cũng như kỹ thuật làm tranh khắc gỗ của người Việt.
Nghệ nhân dân gian mặc dù không được đào tạo một cách bài bản nhưng sự có mặt của người Pháp cùng với quá trình tiếp xúc với văn hóa Pháp đã ít nhiều làm thay đổi con mắt nhìn nghệ thuật của nghệ nhân. Đặc biệt, khi thực hiện bộ tranh khắc gỗ cho công trình Kỹ thuật của người An Nam do Henri Oger, một công chức người Pháp khởi xướng đầu thế kỷ XX, các nghệ nhân khắc, in ván gỗ đã tiếp thu lối tạo hình có luật viễn cận, có không gian. Một vài nghệ nhân bắt đầu có ý thức lưu tên tác giả trên tranh. tranh khắc gỗ được in màu hoặc in đen trắng. Ngoài lối in truyền thống, họa sĩ hiện nay sáng tạo lối in phá bản để in nhiều màu, nhiều hình chỉ bằng một ván gỗ.
Theo thời gian, diện mạo tranh khắc gỗ từ dân gian đến hiện đại đã có nhiều thay đổi với những sáng tạo mới. tranh khắc gỗ hiện nay trở thành tác phẩm nghệ thuật có bản quyền, có tên tác giả, được trưng bày, triển lãm và bán mua trong bảo tàng, galerry, được sưu tập như tài sản có giá trị.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Phan Cẩm Thượng, Lê Quốc Việt, Cung Khắc Lược, Đồ hoạ cổ Việt Nam, Nxb. Mỹ thuật, Hà Nội, 1999.
- Hoàng Minh Phúc, Đồ hoạ in khắc gỗ hiện đại Việt Nam, Nxb. Thế Giới, Hà Nội, 2015.