Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Tranh dân gian

Tranh dân gian sáng tạo nghệ thuật được lưu truyền lâu đời và sử dụng rộng rãi trong dân gian, do nghệ nhân làm tranh ở các vùng miền làm ra để phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân.

Cho đến hiện nay, giới nghiên cứu vẫn còn nhiều tranh luận về tổ nghề và thời điểm ra đời của tranh dân gian. Căn cứ vào phương thức in tranh từ bản khắc gỗ, nhiều người đã tìm hiểu nguồn gốc tranh dân gian qua nghề khắc ván in do nhà Nho Lương Nhữ Hộc, người làng Hồng Liễu, huyện Trường Tân, phủ Hạ Hồng, nay là xã Tân Hưng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương truyền dạy vào thế kỷ XV. Tuy nhiên, sử sách cho biết trước thế kỷ XV, nghề khắc in kinh Phật đã tồn tại từ thời Lý, Trần. Thời Hồ đã in tiền giấy từ kỹ thuật khắc ván gỗ và in tay thủ công.

Do có công truyền dạy nghề khắc chữ nên Lương Nhữ Hộc được dân các làng Hồng Lục, Liễu Tràng, Khuê Liễu, tỉnh Hải Dương thờ là tổ nghề. Khi vùng đất này trở thành trung tâm khắc ván in của cả nước trong suốt nhiều thế kỷ, các phường thợ toả đi khắp vùng Bắc Bộ khắc thuê các văn tự cổ, kinh Phật, tranh cổ, hoành phi, câu đối, thậm chí sau này theo truyền khẩu, thợ Hồng Lục, Liễu Tràng, Khuê Liễu còn khắc tranh thập vật phục vụ tín ngưỡng dân gian, song Lương Nhữ Hộc vẫn được người làng nhắc đến là tổ sư nghề khắc ván in chứ không liên quan đến nghề khắc tranh hay kỹ thuật làm tranh dân gian.

Mặc dù sử dụng kỹ thuật khắc ván gỗ để in tranh, nhưng những người làm tranh dân gian không thờ Lương Nhữ Hộc làm tổ nghề. Có tài liệu cho rằng Lương Nhữ Hộc được tôn làm tổ sư của làng tranh Đông Hồ nhưng tại làng Đông Hồ, mỗi khi vào vụ làm tranh, người làng cúng khấn tiên sư, thánh sư bản nghệ và không nêu rõ danh tính của vị tiên sư, thánh sư.

Khởi nguồn của tranh dân gian gắn với truyền thuyết về cuộc đấu trí giữa Phật và quỷ, từ đó hình thành phong tục vẽ hoặc dán hình ông tướng canh cửa lên trên hai cánh cổng, cánh cửa nhà dân vào mỗi dịp Tết để tiêu trừ quỷ ác nhũng nhiễu. Dần về sau, người dân thêm vào các vị thần linh Đạo giáo, Phật giáo làm phong phú thêm thế giới tín ngưỡng qua cái nhìn trực quan của các hình in, vẽ.

Cùng với tư liệu dân gian, ở góc độ khoa học, các nhà nghiên cứu tìm thấy dấu hiệu sớm của tranh dân gian qua các tranh vẽ Phật, Bồ Tát, La Hán, Thập điện thờ trong các chùa Diên Hựu (Hà Nội), chùa Báo Ân, Linh Xứng và Sùng Nghiêm Diên Thánh (Thanh Hoá) thế kỷ XI, XII. Xét ở góc độ hình thức, chức năng, các tranh này không khác các tranh thờ Đông Hồ, Hàng Trống sau này. Tiếp đó, căn cứ vào bối cảnh xã hội trong sự liên hệ với loại hình văn học dân gian, căn cứ vào nội dung tranh, loại chữ viết xuất hiện trên tranh, các nhà nghiên cứu nhận thấy một số tranh dân gian vẽ theo nội dung của truyện hoặc thơ khuyết danh như truyện Thạch Sanh, Trê Cóc, Gia huấn ca… những tác phẩm dân gian của thế kỷ XIII, XIV trong lịch sử Văn học Việt Nam và nhận định các tranh được cho là ra đời cùng thời với tác phẩm văn học với ý nghĩa minh hoạ hoặc sau đó một thời gian ngắn.

Những dấu tích khởi nguồn của tranh dân gian còn thiếu dày dặn, đứt quãng theo thời gian, song nó là tiền đề cho sự phát triển phồn thịnh của tranh dân gian ở các thế kỷ XVII, XVIII, XIX, được nhiều nghiên cứu ghi nhận.

Tranh dân gian xuất hiện ở nhiều vùng miền, nhiều tộc người với nhiều kỹ thuật thể hiện, có nơi khắc ván gỗ in tranh, có nơi vẽ tay, có nơi vừa khắc, in vừa vẽ tay. Vùng núi phía Bắc có tranh thờ của các tộc người thiểu số. Vùng đồng bằng Bắc Bộ có làng tranh Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh; tranh Hàng Trống, Hà Nội; tranh Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Miền Trung có tranh làng Sình, thôn Lại Ân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Miền Nam có tranh Đồ thế, sau này có thêm tranh kính do những di dân người Hoa mang đến…

Tranh dân gian là sáng tác tập thể, hầu hết khuyết danh, do những người nông dân ngày mùa làm ruộng, nông nhàn làm tranh. tranh dân gian được làm và bán nhiều vào dịp Tết Nguyên Đán nên được người dân quen gọi là tranh Tết. Tuy nhiên về mặt khoa học, các nhà nghiên cứu phân biệt rõ, tranh Tết là tranh dân gian nhưng tranh dân gian không có nghĩa chỉ là tranh Tết vì tranh dân gian bao gồm nhiều thể loại khác nhau, dùng vào những dịp khác nhau của năm. Có những tranh được sản xuất và bán, mua quanh năm để treo, dán ở các thiết chế tín ngưỡng, thờ tự, phục vụ sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng dân cư.

Do phần lớn tranh dân gian là tranh in từ bản khắc gỗ nên đôi khi được mặc định là tranh khắc gỗ, phải có sau nghề khắc ván in, trong khi có nhiều tranh dân gian vẽ tay trên cổng, cửa của nhà dân, trên tường của các ngôi chùa, trên ván gỗ của các ngôi đình. Đặc biệt tranh thờ của các tộc người miền núi phía Bắc Việt Nam do các thầy mo, thầy tào tự vẽ tay. Khi nhu cầu tín ngưỡng tăng cao, các pháp sư phải nhờ đến các thợ vẽ dân gian. Họ xuống miền đồng bằng, đặt nghệ nhân Đông Hồ, Hàng Trống làm tranh thờ. Một số mẫu tranh dần trở nên tiêu chuẩn hoá, được nghệ nhân miền núi, miền xuôi chuyển thành bản khắc gỗ, in nét đen trắng trên giấy khổ hẹp, dài và tô màu bằng tay.

Tranh thờ của các tộc người thiểu số Tày, Nùng, Dao, Cao Lan, Giáy… dày đặc các nhân vật thần linh Đạo giáo, được các bậc thầy tào, thầy mo, thầy cúng, ông then, bà then sử dụng trong các nghi lễ cúng ma, thỉnh then, cấp sắc, các nghi lễ có nét gần gũi với lễ lên đồng, mở phủ dưới xuôi. Tranh thờ tạo ra mối giao hoà, liên hệ thần bí giữa cõi âm và cõi dương, giữa con người và thần thánh. Khi các thầy tào, thầy mo mất đi, tranh được hoá đốt, mai táng theo thầy hoặc bị thất lạc, bị bán. Tranh thờ miền núi có lịch sử lâu đời. Trong quá trình người dân sinh sống, dịch chuyển qua lại biên giới, tranh thờ ảnh hưởng phong tục, tập quán của hai nền văn hoá Trung Hoa, Việt Nam trong hình thức thể hiện.

Tranh dân gian ngày nay tuy không còn được tiêu dùng như vật thiết dụng trong đời sống văn hoá nhưng vẫn dành được sự trân trọng, gìn giữ của người dân bởi những giá trị truyền thống từ quá khứ vẫn tiếp tục là mạch nguồn khơi dòng cho những sáng tạo mới hôm nay.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Nguyễn Bá Vân, Chu Quang Trứ, Tranh dân gian Việt Nam, Nxb. Văn hoá, Hà Nội, 1984.
  2. Phan Cẩm Thượng, Lê Quốc Việt, Cung Khắc Lược, Đồ hoạ cổ Việt Nam, Nxb. Mỹ thuật, Hà Nội, 1999.
  3. Chu Quang Trứ, “Bàn về nguồn gốc tranh dân gian”, in trong: Văn hoá Việt Nam nhìn từ mỹ thuật, tập 2, Nxb. Mỹ thuật, Hà Nội, 2002, tr.221.
  4. Chu Khắc, “Tranh dân gian Việt Nam”, in trong: Tổng tập Nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam, tập 5, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2011, tr.1228.