Tranh Kim Hoàng là dòng tranh dân gian sử dụng kỹ thuật khắc ván gỗ để in nét và dùng bút vẽ màu trên giấy hồng điều hay giấy tàu vang, do nghệ nhân làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức làm ra. Giấy hồng điều hay giấy tàu vang là loại giấy được nhuộm sắc đỏ, vì vậy, tranh Kim Hoàng còn được gọi là tranh đỏ trong sự phân biệt với tranh trắng của làng tranh Đông Hồ.
Tranh Kim Hoàng ra đời muộn hơn tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống nhưng không biết chính xác vào thời điểm nào. Dân gian lưu truyền dòng họ Nguyễn Sĩ ở Thanh Hoá, đầu thế kỷ XVIII ra Thăng Long lập nghiệp rồi đến làng Kim Hoàng sáng lập nghề làm tranh. tranh Kim Hoàng phát triển vào thế kỷ XVIII, XIX, đến giữa thế kỷ XX thì lụi tàn. Nghệ nhân làm tranh Kim Hoàng không hoạt động riêng lẻ theo mô hình gia đình như các làng tranh dân gian khác mà tập hợp nhau thành phường nghề hoạt động có tổ chức và thực hiện nghi lễ giỗ tổ phường vào ngày 15 tháng 11 âm lịch, tuy nhiên không rõ vị tổ là ai. Người có uy tín được bầu làm chủ phường để điều hành hoạt động của phường. Ván in tranh là tài sản chung, do phường quản lý.
Nghề làm tranh Kim Hoàng không diễn ra quanh năm mà dồn dập trong khoảng một tháng trước Tết Nguyên Đán. Vào ngày giỗ tổ phường, 15 tháng 11 âm lịch, ván in tranh được chia cho các gia đình. Trong quá trình làm tranh, các gia đình có thể trao đổi ván in cho nhau. Đến ngày 15 tháng chạp, sau khi phường làm lễ thánh sư, các gia đình bắt đầu toả đến chợ quê khắp vùng Mỗ, La, Canh, Cót trải chiếu bán tranh, dồn dập nhất là vào tuần áp Tết. Sau vụ tranh dồn dập vào tháng cuối năm, sang đầu năm sau, chủ phường thu lại ván in để cất giữ, bảo quản.
Ra đời trên mảnh đất vốn là một trang ấp lớn do sự hợp nhất của hai làng Kim Bảng và Hoàng Bảng (tên gọi cùng có nghĩa là bảng vàng), nơi có nhiều trí thức Nho học, nhiều người đỗ đạt khoa bảng, tranh Kim Hoàng đã phát triển trong sự hỗ trợ của các bậc trí thức sống ở làng để trở thành một dòng tranh có sắc thái riêng.
Tương truyền, người làm ra nhiều mẫu tranh Kim Hoàng là cụ giáo Nguyễn Sĩ Hoằng, một trí thức địa phương đã từng thi đậu tam trường. Các mẫu tranh thể hiện nội dung sinh hoạt như Đánh vật, Chọi trâu, Chọi gà, Hứng dừa; nội dung dã sử như Chú vái cháu, liên quan đến nhân vật Đinh Bộ Lĩnh; minh hoạ các trích đoạn truyện thơ được nhiều người yêu thích như Phan Trần, Truyện Kiều, Phạm Công Cúc Hoa hay các tích truyện Trung Quốc như Tam Quốc Chí, Tây Du Ký; các bức Đại tự mang tính chất như bức hoành để thờ.
Mặc dù cũng có những hình tượng gà, lợn giống tranh Đông Hồ hay thần, tiên giống Hàng Trống song cách thức tạo hình của tranh Kim Hoàng có nét khác biệt. Người ta nhận ra tranh Kim Hoàng bởi tông màu nóng với sắc đỏ chủ đạo, màu sắc tương phản mạnh, gây ấn tượng thị giác. Tạo hình tranh Kim Hoàng có tính cách điệu trang trí, hoa văn hoá các chi tiết, tạo điểm nhấn thú vị. tranh Kim Hoàng in ván nét rồi gia công tô màu bằng tay nên đạt độ tinh kỹ nhất định, không mộc mạc, chân quê như tạo hình tranh Đông Hồ, cũng không điệu nghệ, êm dịu như tranh Hàng Trống. Nhiều ý kiến cho rằng tranh Kim Hoàng là gạch nối giữa tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống. Đặc điểm này được lý giải là do Kim Hoàng nằm ở cửa ngõ phía tây kinh thành Thăng Long xưa, con người nơi đây vừa có chất nông dân xứ Đoài chân chất lại không thiếu bậc trí thức đỗ đạt, vừa có sự giao lưu kinh tế, văn hoá với thị dân và sĩ phu chốn Kẻ chợ kinh kỳ.
Ngoài sắc đỏ đặc trưng của loại giấy dùng để làm tranh, bán sẵn ở các phố phường Kẻ Chợ, tranh Kim Hoàng có sự phối hợp của hình và chữ trong tổng thể bố cục tranh một cách có chủ ý. Chữ không đơn giản là tên tranh mà thể hiện dưới dạng một câu thơ hoặc một đoạn thơ Hán tự. Lời thơ không hẳn chỉ để giải thích nội dung bức tranh mà là một phần thể hiện của nghệ thuật ngôn từ, để trong lúc thưởng thức, người xem có thể bình tranh và bình thơ và như vậy, tranh Kim Hoàng thoả mãn cả người biết chữ và người không biết chữ. Tranh vẽ gà của Kim Hoàng không phải là một bức đơn nhất mà là một cặp đăng đối, trên mỗi bức khắc kèm bài thơ thể thất ngôn tứ tuyệt nói rõ năm đức quý của con gà trống là văn, võ, dũng, nhân, tín. Một số tranh về tích truyện Trung Quốc có lời ghi như câu đối, mỗi bức một câu: Cửa Tam Giang Chu Du phóng hoả; Đàn Thất tinh Gia Cát cầu phong; Trương Công Nghệ chín đời ở một nhà; Đậu Yên Sơn năm con cùng thi đỗ. Nội dung của chữ gợi ý các tranh phải treo theo cặp đăng đối.
Tranh Kim Hoàng một thời phồn thịnh thu hút cả làng làm tranh. Nhiều người yêu thích tranh Kim Hoàng bởi sắc màu thắm đỏ, rực ấm đem lại sinh khí cho gia đình trong những ngày đầu xuân, hình tượng trong tranh đem đến niềm tin tài lộc, may mắn hoặc niềm tin vào sức mạnh thần linh trong việc gia hộ, trấn trạch, xua đuổi tà ma theo tín ngưỡng đương thời. Tuy nhiên, trận lụt năm 1915 đã cuốn trôi nhiều bản khắc, từ đó nghề tranh mai một. Sau đó, phong trào chống mê tín dị đoan dẫn đến việc người dân chẻ ván tranh làm củi đốt, từ đó nghề tranh mất hẳn vào năm 1945.
Sau bảy thập kỷ thất truyền, hiện nay tranh Kim Hoàng đang được phục hồi dưới sự giúp đỡ của các nhà nghiên cứu, hoạ sĩ và truyền nhân của các làng tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, để làm sống dậy những ký ức một thời vàng son khi dòng tranh đã từng góp phần làm rực rỡ, ấm cúng không gian Tết trong mỗi gia đình người Việt.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Chu Quang Trứ, Văn hoá Việt Nam nhìn từ mỹ thuật, tập 2, Nxb. Mỹ thuật, Hà Nội, 2002
- Đức Lợi, Trương Trần Duy, “Tranh và làng tranh dân gian Kim Hoàng”, in trong: Tổng tập Nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam, tập 5, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2011.