Tranh Hàng Trống là dòng tranh dân gian sử dụng kỹ thuật khắc ván gỗ để in nét và dùng bút vẽ màu trên giấy dó, do nghệ nhân khu vực các phố Hàng Trống, Hàng Nón, Hàng Hòm, Hàng Quạt… của kinh thành Thăng Long xưa làm ra, phục vụ cho nhu cầu của người dân thành thị. Việc làm tranh và bày bán tranh tập trung nhiều ở khu vực có nghề làm trống của dân thôn Liêu Thượng, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên đến Thăng Long sinh sống, lập nghiệp, theo đó dân gian đã định danh tên gọi của dòng tranh dựa theo khu vực tập trung sản xuất, buôn bán nhiều mặt hàng trống.
Thời phong kiến, phố Hàng Trống thuộc đất của thôn Tự Tháp, tổng Tiền Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương, nay là quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ngoài mặt hàng chính là trống, khu vực phố Hàng Trống và các phố lân cận là nơi sản xuất, buôn bán nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ, trong đó có tranh dân gian. Phố Hàng Trống có nhiều gia đình nghệ nhân làm tranh và trực tiếp buôn bán tranh trong các cửa hiệu.
Tranh Hàng Trống xuất hiện cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, thịnh hành ở thế kỷ XX rồi sau đó suy tàn. Tuy nhiên, đó chỉ là thời điểm xuất hiện, còn chưa thể xác định được tranh Hàng Trống có nguồn gốc từ đâu, ai là người khởi xướng việc làm tranh, bán tranh.
Nghệ nhân làm tranh Hàng Trống, ngoài những gia đình ở thôn Tự Tháp, còn có nhiều người từ các vùng miền khác đến làm thuê trong các cửa hiệu tranh lớn, hoặc lập nghiệp theo mô hình sản xuất gia đình, các thành viên cùng tham gia in, vẽ tranh và trực tiếp bán. tranh Hàng Trống ghi nhận vai trò của một số nghệ nhân làng Bình Vọng, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội, đã mang theo thẩm mỹ của vùng đất có nghề sơn mài, nghề thêu truyền thống đến đô thành, gặp gỡ, giao thoa với thị hiếu của thị dân và tầng lớp trung lưu, tạo thành phong cách tranh Hàng Trống.
Nhiều người nhận biết được sự khác biệt của tranh Hàng Trống so với các dòng tranh dân gian khác bởi kỹ thuật cản màu chỉ có ở tay nghề của các nghệ nhân Hàng Trống. Nghệ nhân vẽ bút bản to, sử dụng kỹ thuật điều tiết độ chuyển sắc giữa màu và nước giống như người thợ thêu dùng kỹ thuật tạo nên sự chuyển sắc của màu chỉ, làm cho bức tranh thêm tinh, thêm động, bớt sự đơn điệu, tẻ nhạt. Nghệ nhân dùng bút nhỏ tỉa vẽ những nét sắc mảnh, phóng bút theo cảm hứng làm cho bức tranh trở nên tinh kỹ, kỳ công, đạt đến sự hoàn hảo của một sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ khó tính của người dân thị thành.
Các nhà nghiên cứu đánh giá tranh Hàng Trống không chỉ ở sự tinh tế trong kỹ thuật khắc, in, tô, vẽ và cản màu mà hơn hết, tranh Hàng Trống phản ánh đời sống văn hoá tinh thần của người thị thành ở giai đoạn mà nó sinh ra.
Đề tài của tranh Hàng Trống đa dạng. Bên cạnh các chủ đề thể hiện ước vọng của tầng lớp thị dân hay những lời khánh chúc, các cảnh sinh hoạt hay điển tích văn học, dòng chủ lực của tranh Hàng Trống là tranh thờ, dùng trong sinh hoạt tín ngưỡng của người thị thành. Tranh thờ có mặt ở các không gian thờ tự tư gia hoặc được dán trang trọng trong không gian thiêng của đền, miếu, phủ, điện, nơi tập trung người dân thờ cúng và tham gia các sinh hoạt tín ngưỡng.
Tranh thờ Hàng Trống thể hiện thế giới thần linh của tín ngưỡng dân gian cổ sơ Việt Nam với các vị thần của Đạo giáo, đạo Mẫu, có bổ sung yếu tố Phật giáo để người dân thị thành tin theo và hành trì đảnh lễ, cầu mong được phù hộ để buôn may bán đắt. Thế giới thần linh trong tranh Hàng Trống chia thành nhiều lớp theo chiều ngang, hiện diện các vị thần cai quản cõi trời, đất, nước, rừng núi mà con người cầu xin sự che chở. Dù tranh có một vị thần chủ hay dày đặc các nhân vật thần linh thì vai trò của vị thần được xác định bằng kích thước lớn nhỏ của hình vẽ trong tranh. Quan điểm chính phụ trong cách thể hiện nhân vật cùng với cách phân lớp các vị thần theo hàng ngang trong khổ tranh dài, hẹp của tranh thờ Hàng Trống tương đồng với cách thể hiện tranh thờ Đạo giáo của các tộc người miền núi phía Bắc Việt Nam.
Ngoài tranh thờ, các bộ tranh Tứ bình, tranh Tam Đa của Hàng Trống mang ý tứ sâu xa, trầm lắng phù hợp với mong cầu và tính cách của người dân thành thị. tranh Hàng Trống khổ to, trục suốt dài, dán bo, bồi cầu kỳ với các chất liệu quý phù hợp với không gian sang trọng của các ngôi nhà lớn ở thành thị.
Là nghệ thuật dân gian, tranh Hàng Trống không mang thẩm mỹ mộc mạc chân quê mà đạt đến độ tinh kỹ và bề thế, thoả mãn thị hiếu thẩm mỹ của người dân thành thị. tranh Hàng Trống đã từng một thời phồn thịnh ở nơi kinh thành sầm uất, phản ánh thế giới tinh thần có sự hoà quyện của nhiều luồng tư tưởng. Sự thay đổi thẩm mỹ và thói quen tiêu dùng của người dân đã khiến cho dòng tranh đi vào suy thoái. Ngày nay phố Hàng Trống vẫn còn đó nhưng nghề tranh đã vắng bóng, chỉ còn gia đình hai cha con nghệ nhân Lê Đình Nghiên ở phố Cửa Đông vẫn nỗ lực gìn giữ nghề nghiệp của gia đình, dòng họ, giữ gìn di sản nghệ thuật của các thế hệ tiền nhân.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Chu Quang Trứ, “Tranh Hàng Trống”, Tạp chí Văn hoá dân gian, Hà Nội, 1983, số 3, 4, tr. 89.
- Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng, Mỹ thuật của người Việt, Nxb. Mỹ thuật, Hà Nội, 1989.
- Trần Mai Thanh, Tranh dân gian Hàng Trống, Luận văn Thạc sĩ Văn hoá học, Viện Nghiên cứu Văn hoá, Hà Nội, 2011