Trận chiến đấu phòng không (Trận Suối Hai, 24-27.7.1965), là trận phục kích của 2 tiểu đoàn tên lửa phòng không (63 và 64) thuộc Trung đoàn Tên lửa 236, Quân chủng Phòng không - Không quân, phối hợp với các đơn vị pháo phòng không và lực lượng vũ trang địa phương, bắn máy bay Mỹ tại khu vực Suối Hai (huyện Bất Bạt, tỉnh Hà Tây, nay thuộc huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội).
Đầu năm 1965, Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân; áp dụng thủ đoạn sử dụng máy bay bay trên độ cao trung bình để tránh các loại hoả lực pháo phòng không của ta; tăng cường máy bay tiêm kích hộ tống đánh chặn các loại máy bay MiG; đồng thời, sử dụng nhiễu ngoài đội hình và chế áp lực lượng phòng không miền Bắc trên các hướng, tạo thuận lợi cho các tốp máy bay cường kích của chúng vào đánh phá mục tiêu nằm sâu trong nội địa của ta. Ứng phó với tình hình trên, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam quyết định đưa lực lượng tên lửa phòng không SAM-2 vào chiến đấu, nhằm nâng cao sức mạnh của hệ thống hoả lực phòng không miền Bắc, ứng phó có hiệu quả với âm mưu và thủ đoạn hoạt động của không quân Mỹ.
Thực hiện mệnh lệnh chiến đấu, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân giao nhiệm vụ cho Trung đoàn Tên lửa 236 (thành lập ngày 7.1.1965) sử dụng hai tiểu đoàn tên lửa 63 và 64, tổ chức trận địa phục kích đánh máy bay Mỹ tại khu vực Suối Hai. Đồng thời để tạo thành cụm tác chiến phòng không nhiều tầng, nhiều lớp với nhiều loại hoả lực hỗ trợ nhau, 2 trung đoàn pháo phòng không (224, 234, 1 đại đội pháo phòng không 37 mm của Trung đoàn 250); Tiểu đoàn 3 pháo phòng không 57 mm của Quân chủng Phòng không - Không quân; tiểu đoàn súng máy phòng không 14,5 mm; 2 đại đội pháo phòng không 37 mm của Trường Sĩ quan phòng không; các đại đội rađa 26A, 37, 18, 21; 10 trận địa súng máy phòng không và các tổ bắn máy bay bay thấp các địa phương tỉnh Hà Tây và lực lượng dân quân tự vệ huyện Ba Vì, Tùng Thiện, Quảng Oai được điều động tham gia chiến đấu.
15 giờ 53 phút, ngày 24.7.1965, Tiểu đoàn tên lửa 63 và Tiểu đoàn tên lửa 64 xử lí phần tử chính xác, phóng 4 quả đạn tên lửa tiêu diệt một tốp 3 máy bay F-4C ở độ cao 7.000 m (1 chiếc rơi tại chỗ), bắt 1 phi công; sau đó, nhanh chóng di chuyển sang trận địa mới tại xã Kim Đái (Tùng Thiện) và Thượng Thụy (huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây, nay thuộc thành phố Hà Nội); đồng thời tại các trận địa cũ, bố trí 2 bộ khí tài tên lửa giả để nghi binh, thu hút máy bay địch, tạo điều kiện cho các cụm pháo phòng không tác chiến tiêu diệt máy bay địch.
Trưa ngày 26.7, địch cho một số máy bay không người lái tầm cao BQM-34A và máy bay RF-101 vào trinh sát, bị Tiểu đoàn Tên lửa 64 bắn rơi 2 chiếc. Ngày 27.7, địch tiếp tục huy động 50 lần chiếc máy bay các loại ( 36 máy bay cường kích F-105, một số máy bay tiếp dầu KC-135, máy bay trực thăng HH-53 và AD-6 hộ tống) tổ chức 3 đợt “đánh trả đũa” vào các trận địa tên lửa của ta. Do quân ta làm tốt công tác nghi binh, giữ được bí mật, nên máy bay Mỹ chủ yếu đánh phá các trận địa tên lửa giả ở đồi chùa Ghề và Vô Khuy (xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì). Các đơn vị pháo phòng không phối hợp nhịp nhàng với dân quân phục kích giáng trả quyết liệt, bắn rơi thêm 5 máy bay (2 chiếc rơi tại chỗ) bắt 3 phi công. Trung đoàn 234 bắn rơi 3 chiếc F-105, Trung đoàn 224 bắn rơi 1 chiếc AD-6 và 1 chiếc F-105.
Kết quả, bộ đội tên lửa và các đơn vị phòng không ta bắn rơi 10 máy bay Mỹ (tên lửa bắn rơi 5 chiếc, pháo phòng không bắn rơi 5 chiếc), trong đó có chiếc máy bay Mỹ thứ 400 bị bắn rơi trên miền Bắc. Ta hi sinh 2, bị thương 6 chiến sĩ. Đây là trận đầu ra quân thắng lợi của Bộ đội Tên lửa phòng không Nhân dân Việt Nam. Ngày 24.7.1965, trở thành Ngày truyền thống của Bộ đội Tên lửa phòng không nhân dân Việt Nam. Đồng thời, là trận đánh hiệp đồng tác chiến giữa các lực lượng phòng không đạt hiệu suất chiến đấu cao. Trận đánh để lại nhiều kinh nghiệm quý về tổ chức lực lượng, phối hợp thực hành tác chiến hiệp đồng binh chủng giữa các lực lượng tên lửa phòng không, pháo phòng không, súng bộ binh bắn máy bay trong chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ ở miền Bắc Việt Nam. (895 chữ)
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Lịch sử Quân chủng Phòng không, tập 2, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1993, tr.46-48.
- Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử chiến thuật phục kích (1945 - 1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1997, tr. 156-161.
- Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999.
- Trận đánh mở đầu của bộ đội tên lửa ngày 24/7/1965, Tạp chí Lịch sử quân sự, số tháng 4 năm 2000.
- Bộ Quốc phòng, Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự: Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 1072-1073.
- Bộ Quốc phòng: Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam, quyển 1: Lịch sử quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015, tr.958-959.