Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Trận chiến đấu không quân

Trận chiến đấu không quân (3.4.1965), là trận chiến đấu đầu tiên của Không quân nhân dân Việt Nam, do biên đội máy bay MiG-17 thuộc Trung đoàn Không quân tiêm kích 921 (nay thuộc Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không- Không quân) tiến hành trên bầu trời khu vực cầu Hàm Rồng, t. Thanh Hoá.

Ngày 1.4.1965, không quân Mỹ chuyển sang đánh phá hệ thống giao thông, trong đó cầu Hàm Rồng được xác định là một trong những mục tiêu trọng điểm cần tập trung phá hủy. Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân quyết định đưa Trung đoàn 921 phối hợp với các lực lượng phòng không (hai đại đội pháo phòng không 57 mm của Trung đoàn 234, một đại đội súng máy phòng không 14,5 mm của Sư đoàn Bộ binh 304, hai đại đội pháo phòng không 37 mm của Quân khu 3...) vào chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng. Thực hiện kế hoạch của trên, Ban chỉ huy Trung đoàn 921 sử dụng 6 chiếc MiG 17A, tổ chức thành hai biên đội: biên đội tấn công bốn chiếc do Phạm Ngọc Lan (số 1), Phan Văn Túc (số 2), Hồ Văn Quỳ (số 3) và Trần Minh Phương (số 4); biên đội nghi binh, thu hút tiêm kích địch và sẵn sàng yểm hộ cho biên đội tấn công gồm hai chiếc do Trần Hanh (số 1), Phạm Giấy (số 2).

7 giờ ngày 3.4.1965, rađa của ta phát hiện một tốp máy bay Mĩ vào trinh sát khí tượng và các mục tiêu trọng điểm, 9 giờ 40 phút, Sở chỉ huy và các trạm quan sát phát hiện các máy bay Mĩ vào không kích cầu Tào, cầu Đò Lèn và cầu Hàm Rồng. 9 giờ 47 phút, Sở chỉ huy tiền phương quân chủng ra lệnh cho các biên đội vào cấp 1: biên đội yểm trợ được lệnh cất cánh từ sân bay Nội Bài về hướng tây nam làm nhiệm vụ nghi binh; sau đó 1 phút, biên đội tiến công cất cánh, tiến về vùng trời Thanh Hoá. Được Sở chỉ huy và rađa dẫn đường, sau 20 phút biên đội Phạm Ngọc Lan đã nhanh chóng phát hiện mục tiêu và chuyển từ đội hình cảnh giới sang công kích. Bằng cách đánh cơ động, táo bạo, bất ngờ, kết hợp giữa yểm trợ và tiến công, biên đội tổ chức thành 2 tốp liên tục bám sát, đánh trả nhiều tốp máy bay địch. Chớp thời cơ nổ súng, Phạm Ngọc Lan và Phan Văn Túc bắn rơi 2 máy bay F-8, góp phần bẻ gãy các đợt đánh phá của địch, bảo vệ được cầu. 10 giờ 17 phút, các biên đội được lệnh thoát li chiến đấu, trở về căn cứ an toàn (máy bay của phi công Phạm Ngọc Lan hạ cánh bắt buộc xuống bãi cát ven sông Đuống do hết nhiên liệu).

Kế thừa truyền thống ra quân đánh thắng trận đầu của Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ đội không quân đã thể hiện ý chí và bản lĩnh quyết đánh và biết đánh thắng không quân Mỹ, lực lượng thiện chiến hàng đầu thế giới. Trận đánh để lại kinh nghiệm bước đầu về xây dựng cách đánh của bộ đội không quân Việt Nam phối hợp với các lực lượng phòng không đánh trả máy bay hiện đại của không quân Mỹ. Thắng lợi của trận đánh chứng tỏ lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam tuy còn non trẻ và đang trong quá trình xây dựng, nhưng bằng ý chí dũng cảm và khả năng sáng tạo, sẽ trưởng thành và lớn mạnh, đủ sức đánh thắng kẻ thù. Sau thắng lợi của trận đánh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen bộ đội không quân lập chiến công đầu; ngày 3.4.1965 trở thành ngày truyền thống của Không quân nhân dân Việt Nam. (668 chữ)

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Lịch sử quân chủng phòng không, tập 2, NxB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1993.
  2. Lịch sử KCCM cứu nước (1954-1975) tập 3, NxB CTQG, Hà Nội, 1997.
  3. Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, NxB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr 1032.
  4. 50 năm không quân nhân Việt Nam, tập 1, NxB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005.
  5. Lịch sử Trung đoàn không quân (1964-2009) NxB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2009.
  6. Báo Phòng không-Không quân (24.10.2018 và 28.3.2000)
  7. Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam. Quyển Lịch sử quân sự, NxB Quân đội nhân dân - 2015.