Trận Ung-Khâm-Liêm (10.1075-3.1076), là trận tiến công của quân Đại Việt vào các căn cứ quân sự xuất phát hành quân xâm lược của Nhà Tống (Trung Quốc) ở các châu Ung (Quảng Tây), Khâm, Liêm (Quảng Đông) và các đồn trại sát biên giới đông bắc Đại Việt, trong Kháng chiến chống Tống lần thứ Hai (1075-1077).
Năm 1068, Tống Thần Tông lên ngôi Hoàng đế Trung Hoa, phong Vương An Thạch làm Tể tướng, đẩy mạnh công cuộc xâm lược Đại Việt; xúi giục Vua Chămpa đánh phá biên giới phía nam Đại Việt nhằm phân tán lực lượng Nhà Lý khi quân Tống tiến công từ phía bắc; đồng thời, ráo riết xây dựng những căn cứ,quân sự và hậu cần giáp vùng bắc và đông bắc nước ta, làm địa bàn xuất phát cuộc xâm lược quy mô lớn vào Đại Việt. Thành Ung Châu (Nam Ninh, Quảng Tây) và hai cửa biển Khâm Châu, Liêm Châu (Quảng Đông), là nơi quân Tống thực hiện ý đồ trên. Tại đây, chúng tập trung hơn 50 nghìn dân cùng 2.800 quân chống giữ và tổ chức tiến công hướng đường bộ. Mặt nam Ung Châu, quân Tống đặt 5 trại quân là: Hoành Sơn, Thái Bình, Vĩnh Bình, Cổ Vạn và Thiên Long. Tô Giám được giao trọng trách chỉ huy đội quân này đã cho xây đắp thành Ung Châu rất kiên cố, tăng cường bắt lính, tổ chức tập trận, tích trữ quân lương, sẵn sàng chờ lệnh xuất quân. Hai cửa biển Khâm Châu, Liêm Châu cũng được Nhà Tống xây dựng thành những căn cứ quân sự lớn để cùng với đạo quân ở Ung Châu, đồng thời tiến đánh Đại Việt. Trần Vĩnh Thái làm Tổng quản thành Khâm, Lỗ Khánh Tồn làm Chủ tướng thành Liêm. Từ đây, Nhà Tống cho luyện binh, tập trận, đóng thuyền, sẵn sàng chờ lệnh tiến công Đại Việt từ hướng đông bắc.
Đối phó với âm mưu xâm lược của Nhà Tống, sau khi ngăn ngừa bất trắc phía nam, Thái uý Lý Thường Kiệt chủ trương: “ngồi đợi kẻ địch đến, sao bằng đánh trước để bẻ gẫy mũi nhọn của nó” và quyết định tiến công địch trước để tự vệ, đẩy địch vào thế bị động, giành thế chủ động cho cuộc kháng chiến. Vua Lý hoàn toàn tán thành chủ trương phòng ngự tích cực đó và giao cho Lý Thường Kiệt chỉ huy tiến quân sang đất Tống, tiêu diệt bằng được các căn cứ quân sự quan trọng này. Lý Thường Kiệt huy động hơn 100 nghìn quân thuỷ, bộ, chia làm hai đạo. Một đạo lính người dân tộc thiểu số, do các tù trưởng Lưu Kỷ, Vi Thủ An, Thân Cảnh Phúc, Hoàng Kim Mãn và Tông Đản chỉ huy; bố trí sẵn ở các châu Quảng Nguyên (Quảng An, Cao Bằng), Môn Châu (Đông Khê, Cao Bằng), Quang Lang (Ôn Châu, Lạng Sơn), Tô Mậu (Na Dương, Đình Lập, Lạng Sơn) đối diện với các trại quân Tống bên kia biên giới, do Tông Đản chỉ huy chung. Một đạo do Lý Thường Kiệt chỉ huy đóng ở châu Vĩnh An (Móng Cái, Quảng Ninh).
Ngày 27.10.1075, các đạo quân bộ của ta chia thành nhiều mũi, vượt biên giới, bất ngờ tiến đánh toàn bộ hệ thống đồn trại quân Tống dọc biên giới. Lưu Kỷ và Hoàng Kim Mãn dẫn quân đánh các trại Hoành Sơn và Thái Bình Thân Cảnh Phúc chỉ huy quân đánh thẳng vào trại Vĩnh Bình, còn Vi Thủ An đánh tràn vào các trại Cổ Vạn, Thiên Long. Quân Tống trấn thủ các trại bị bất ngờ, không kịp chống đỡ, hàng ngũ rối loạn, hầu hết bị tiêu diệt, số còn lại rút chạy về Ung Châu. Ngày 30.12.1075, đạo chủ lực hơn 60 nghìn quân do Lý Thường Kiệt chỉ huy, từ châu Vĩnh An vượt biển, bất ngờ tiến công đánh chiếm Khâm Châu. Quân Tống không kịp chống đỡ, buộc phải đầu hàng, toàn bộ quân và tướng cai quản là Trần Vĩnh Thái bị bắt. Tiếp đó, ngày 2.1.1076, ta làm chủ Liêm Châu; sau đó tiến về thành Ung Châu. Trên đường tiến quân, Lý Thường Kiệt cho phân phát “Phạt Tống lộ bố văn” nêu rõ hành động tự vệ chính đáng của cuộc tiến công. Do đó, quân Đại Việt tiến tới đâu, dân chúng các nơi đều kéo đến chào đón, khao mừng.
Ngày 18.1.1076, quân Đại Việt của Tông Đản cùng đại quân do Lý Thường Kiệt chỉ huy, phối hợp vây hãm Ung Châu. Quân Tống dựa lợi thế thành cao, hào sâu, ra sức chống giữ, chờ quân các châu và quân triều đình ứng cứu.Vua Tống lệnh cho Tô Giám cố thủ Ung Châu đến cùng, nhằm kéo dài cuộc chiến để kìm quân chủ lực của ta, hòng đưa đại quân của chúng đánh thẳng vào Đại Việt. Ngày 11.2.1076, sau khi diệt xong đạo viện binh của Trương Thủ Tiết ở Côn Lôn (cách Ung Châu 40 km), Lý Thường Kiệt tập trung lực lượng đánh chiếm thành Ung Châu. Cuộc giao chiến hết sức quyết liệt.Quân ta dùng thang mây (vân thê) xếp nối nhau trèo lên mặt thành, kết hợp đào đường hầm chui qua chân thành. Tô Giám cho đào hầm cắt ngang, chặn lại và phóng hoả các đường hầm của ta... Lý Thường Kiệt sử dụng máy bắn đá kết hợp cung tên, liên tiếp bắn tên thuốc độc và tên tẩm chất cháy vào thành, khiến quân Tống thiệt hại nặng. Tiếp đó, quân ta dùng bao đất lấp hào và đắp chồng lên nhau tạo bậc cao sát mặt tường thành, xông vào trong thành... Sau 42 ngày đêm chiến đấu, ngày 1.3.1076, quân ta hoàn toàn làm chủ thành Ung Châu; toàn bộ quan, lính địch đầu hàng, Tô Giám tự vẫn; các mục tiêu chiến lược của cuộc tiến công đã đạt được, Lý Thường Kiệt chỉ huy toàn bộ lực lượng chia làm hai đường thuỷ, bộ, chủ động rút quân về nước gấp rút chuẩn bị kháng chiến chống Tống.
Kết quả, ta phá huỷ toàn bộ căn cứ, kho tích trữ quân lương, diệt và bắt hàng trăm nghìn quân Tống; TUKL thắng lợi, góp phần đánh bại âm mưu xâm lược của Nhà Tống; tạo điều kiện cho quân dân Đại Việt có thêm thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến, đập tan hoàn toàn cuộc xâm lược lần thứ Hai của quân Tống, giữ vững nền độc lập, tự chủ của đất nước. Triều Lý là triều đại đầu tiên trong lịch sử dân tộc, dùng hành động tiến công táo bạo, vượt ra ngoài biên giới quốc gia để tự vệ chính đáng và đã giành được thắng lợi; thể hiện nghệ thuật giành quyền chủ động ở mức cao nhất cả về chiến lược và chiến thuật của quan Phụ quốc Thái uý Lý Thường Kiệt.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Lịch sử Việt Nam, Quyển1, Tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1970.
- Lịch sử Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội,1971.
- Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, 20 trận đánh trong lịch sử dân tộc, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002.
- Đại cương lịch sử Việt Nam, toàn tập, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2003.
- Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử quân sự Việt Nam, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003.
- Bộ Quốc phòng, Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam, tập 1, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2014.