Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Trận Somme

Trận Somme (1.7-18.11.1916), là trận tiến công của liên quân Anh - Pháp nhằm đập tan tuyến phòng ngự của quân Đức ở khu vực sông Somme, giải phóng một số khu vực miền Bắc nước Pháp quân bị Đức chiếm đóng trong Chiến tranh thế giới lần thứ Nhất.

Năm 1916, Chiến tranh thế giới lần thứ Nhất có những thay đổi bước ngoặt. Hai phe giao chiến đều huy động tối đa nhân lực, vật lực cho cuộc chiến và đều hi vọng giành thắng lợi, kết thúc chiến tranh. Sau khi giành một số thắng lợi tại mặt trận phía đông, Đức quyết định chuyển hướng tiến công chiến lược sang mặt trận phía tây, mục tiêu là nước Pháp, trọng tâm là Verdun. Nắm được ý đồ của Đức, tại hội nghị Chantilly tháng 12.1915, phe Đồng minh quyết định mở các cuộc phản công nhằm dồn ép, bao vây phe Liên minh trung tâm.

Đầu tháng 7.1916, liên quân Anh - Pháp mở trận tiến công chọc thủng phòng tuyến của quân Đức tại khu vực sông Somme. Lực lượng tham gia ban đầu gồm: Tập đoàn quân 4 (Anh) do tướng G. Rawlinson chỉ huy, đảm nhiệm hướng tiến công chủ yếu, có nhiệm vụ đập tan tuyến phòng thủ của Đức tại Bapoume và Valenciennes ở phía bắc Somme; Tập đoàn quân 6 (Pháp) do tướng M. Fayolle chỉ huy, đảm nhiệm hướng tiến công thứ yếu, tiến công tiêu diệt tuyến phòng thủ của Đức tại Péron và Lancourt ở phía nam. Ngoài ra, để hỗ trợ cho các mũi tiến công, liên quân Anh - Pháp còn sử dụng một bộ phận Tập đoàn quân 3 (Anh) và Quân đoàn kị binh 1 (Pháp). Tổng cộng, có 26 sư đoàn bộ binh, 2189 khẩu pháo, 1160 súng cối, 350 máy bay. toàn bộ lực lượng này do Thống chế Perdinand Foch và tướng D. Haig chỉ huy. Tập đoàn quân 2 của Đức tại Somme do tướng F. von Below chỉ huy có11 sư đoàn bộ binh, 672 khẩu pháo 300 súng cối và 114 máy bay, triển khai trên trên 3 dải phòng ngự dài hơn 40 km, chiều sâu của mỗi tuyến 7-8 km.

Hoàn tất công tác chuẩn bị, từ ngày 25-30.6.1916, pháo binh và không quân Anh, Pháp tập trung bắn phá vào trận địa, gây cho quân Đức nhiều tổn thất. Hơn 50% lực lượng pháo binh và nhiều đơn bị bộ binh ở dải phòng ngự 1 bị loại khỏi vòng chiến đấu. Kết thúc 5 ngày pháo kích chuẩn bị, ngày 1.7, liên quân mở các đợt tiến công trên hai hướng. Ở phía nam, quân Pháp làm chủ được một số vị trí trọng yếu ở dải phòng ngự 1 và 2, trong khi đó, ở phía bắc, quân Anh do trang bị nặng, đội hình tiến công không hợp lý, thông tin liên lạc thiếu, trình độ chỉ huy kém…nên chỉ đánh chiếm được một số vị trí ở dải phòng ngự 1; bị loại khỏi vòng chiến đấu hơn 57 nghìn quân (chết hơn 19 nghìn, bị thương hơn 35 nghìn, bị bắt gần 600, mất tích hơn 2 nghìn quân).

Để tạo sự cân bằng giữa hai hướng tiến công và không để các đơn vị quân Anh tụt hậu, ngày 5.7, Tập đoàn quân 6 ngừng tiến công và lui về phía sau. Lợi dụng cơ hội đó, Đức nhanh chóng khôi phục lại các vị trí đã bị mất ở Péron và Lancourt. Từ ngày 6.7, các mũi tiến công của liên quân không phát triển được do pháo binh Đức chống trả quyết liệt. Mặc dù vậy, ngày 11.7, tướng D. Haig vẫn quyết định mở các đợt tiến công, đến ngày 17.7, tiến sâu vào dải phòng ngự 2 của Đức từ 3-4 km. Từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 8.1916, chiến sự ở Somme tiếp tục diễn ra theo thế giằng co. Hai bên tiếp tục bổ sung lực lượng và thực hiện chiến lược chiến tranh tiêu hao. Liên quân Anh - Pháp có thêm Tập đoàn quân 10 và Tập đoàn quân 5 (gồm các sư đoàn Australia, New Zeland, Canada); Đức có thêm 3 tập đoàn quân 1A, 2A và 6A.

Được bổ sung lực lượng, từ đầu tháng 9.1916, liên quân nối lại các đợt tiến công: Tập đoàn quân 5 tiến công làm chủ Pozières và trang trại Mouquet; Tập đoàn quân 4 mở 90 cuộc tiến công cấp tiểu đoàn trở lên, 4 lần tiến sâu vào dải phòng ngự 2 của Đức tới 8 km. Sau thắng lợi đó, ngày 15.9, Tập đoàn quân 4 dùng 18 xe tăng hộ trợ cho lực lượng bộ binh tiến công vào Flers Courcelete, quân Đức hoảng loạn, nhiều binh sĩ bỏ vị trí chiến đấu, chấp nhận đầu hàng và bị bắt làm tù binh.Từ ngày 25.9 -13.11.1916, Tập đoàn quân 4 dùng 16 xe tăng yểm trợ cho lực lượng bộ binh tiến công đánh chiếm Gueudecourt, Ancre, Morval, Thiepval, nhưng không thành công. Các tập đoàn quân 3, 5 và 6 cũng phát tiển tiến công, đánh chiếm Martinpuich, Transloy, truy kích quân Đức đến Le Sars. Sau thất bại trong trận Warlencourt, từ 13-18.11,Tập đoàn quân 4 tổ chức các đợt tiến công dọc sông Ancre, chiếm pháo đài Beaumont Hamel. Sau đó, do thời tiết không thuận lợi, nhiều khu vực ở Somme trở thành đầm lầy nên các bên chấm dứt chiến sự.

Somme là một trong những trận đánh điển hình trong Chiến tranh thế giới lần thứ Nhất: lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh xe tăng được sử dụng; quân số tham gia đông và tổn thất rất lớn. Trong trận đánh, hai bên sử dụng tới gần 3 triệu người, 10 nghìn khẩu pháo, 1 nghìn máy bay và nhiều vũ khí trang bị khác. Kết thúc trận đánh, Anh tổn thất gần 420 nghìn quân, Pháp 204 nghìn, Đức gần 500 nghìn. Mặc dù không đạt được mục tiêu đề ra, nhưng kinh nghiệm từ trận Somme là cơ sở để liên quân hoàn thiện lý luận và thực tiễn tiến công dải phòng ngự có chiều sâu; là nền tảng cho sự ra đời và phát triển nhiều loại vũ khí mới, trong đó có xe tăng cũng như kỹ thuật xây dựng hệ thống phòng ngự chống tăng. Trận đánh còn chứng minh tính ưu việt của việc sử dụng pháo binh, bộ binh, không quân, xe tăng trong tiến công trận địa phòng ngự; là cơ sở để giải quyết nhiều vấn đề nghệ thuật quân sự trong chiến tranh hiện đại.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bộ Quốc phòng, Bách khoa quân sự Việt Nam. Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.2004.
  2. .G. Parker, Lịch sử chiến tranh, Nxb Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh 2006, tr.351-355.
  3. Bộ Quốc phòng, Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam. Quyển 1, Lịch sử quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.2015, tr. 1087-1089.
  4. Министерство обороны СCCP, Cоветская Bоенная Энциклопедия, ToM8 , Bоениздат, M. 1977, c.443-444
  5. Военная энциклопедия, ToM 7, Bоениздат, M. 1995, c.581-583