Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Trận Phai Khắt

Trận Phai Khắt (25.12.1944), là trận tiến công đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân vào đồn Phai Khắt (tổng Kim Mã, châu Nguyên Bình, nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng).

Chấp hành chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh “trong vòng một tháng phải có hoạt động” và “trận đầu nhất định phải đánh thắng”, ngay sau lễ thành lập (22.12.1944), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã tích cực chuẩn bị để đánh địch. Sau khi điều tra, nắm tình hình các đồn trại địch trong vùng Kim Mã, Cẩm Lí, để đảm bảo chắc chắn giành thắng lợi, Đội quyết định chọn đồn Phai Khắt đánh trận đầu. Phai Khắt là một bản nhỏ có khoảng 10 nóc nhà, nằm cạnh con suối, phía trước là cánh đồng rộng, phía sau là dãy đồi thấp; là vùng cơ sở cách mạng, tất cả nhân dân đều tham gia các hội cứu quốc. Để đàn áp phong trào cách mạng, Pháp đưa quân về Phai Khắt, chiếm ngôi nhà của ông Nông Văn Lạc, một cán bộ cơ sở của ta làm đồn đóng quân. Đây là ngôi nhà khá kiên cố, có tường xây to nhất Bản; xung quanh, địch rào hàng rào bằng cây vầu cao 2 m, chỉ để hai cửa, một ở sau, một vào thẳng đồn có vọng gác; địch bắt dân canh gác vòng ngoài còn vòng trong do lính đồn canh gác. Lực lượng trong đồn có 21 lính dõng do đồn trưởng Ximônô người Pháp làm chỉ huy. Đội lập kế hoạch đánh đồn bằng cách cải trang thành một toán lính dõng ở châu đi tuần để công khai tiến vào đồn địch; sau đó chiếm luôn kho súng, bắt địch phải đầu hàng. Sáng ngày 25.12, Đội vào bố trí vào sau bản Phai Khắt thì được cơ sở báo tin đồn trưởng người Pháp đã lên Châu Nguyên Bình dự lễ Giáng sinh. 17 giờ, chọn lúc địch đang ăn cơm chiều, Đội để 1 bộ phận cùng du kích canh gác vòng ngoài, 2 tiểu đội còn lại mặc giả lính dõng tiến thẳng đến cổng đồn, uy hiếp lính gác và nhanh chóng lọt vào bên trong, đến sát kho súng.

Tiểu đội trưởng Thu Sơn đóng giả đội sếp ra lệnh cho lính trong đồn tập hợp. Đồng chí Thu Sơn tuyên bố: chúng tôi là quân cách mạng, anh em đầu hàng sẽ không giết ai hết. Bị bất ngờ, toàn bộ địch phải đầu hàng. Vừa lúc đó, đồn trưởng cưỡi ngựa trở về. Ta dự định bắt sống, nhưng một chiến sĩ vì quá căm thù đã nổ súng bắn chết. Trong 30 phút, ta đã làm chủ đồn, diệt 1, bắt 16 tên địch, thu 17 súng cùng toàn bộ đạn dược, trang bị rồi rút lui an toàn.

Trận Phai Khắt là trận đánh quy mô không lớn nhưng có kế hoạch, tổ chức, chỉ huy chu đáo; công tác tham mưu trinh sát, tình báo nắm địch, nghi binh, lừa địch, kết hợp công tác dân vận và địch vận, công tác chính trị, hậu cần được tiến hành chặt chẽ; biết lựa chọn, tận dụng thời cơ khi địch sơ hở, thiếu cảnh giác để bất ngờ đột nhập, tiến công, buộc địch phải đầu hàng và tiêu diệt địch nhanh gọn. Trận đánh có tác động mạnh mẽ, gây hoang mang cho địch, cổ vũ phong trào cách mạng của Nhân dân; mở đầu truyền thống đánh thắng trận đầu của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Hồng Kỳ- Vài suy nghĩ về chiến thắng Phai Khắt- Nà Ngần, trong sách 2. Việt Nam giải phóng quân, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội,1995.
  2. Cách mạng Tháng 8 năm 1945, Những sự kiện lịch sử, Nxb Khoa học xã hội nhân văn, Hà Nội, 2000.
  3. Những chặng đường lịch sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001.
  4. Hoàng Văn Thái, Về hai chiến công đầu, Những chặng đường lịch sử, Nxb Chính trị Quốc gia , Hà Nội, 2001.
  5. Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử, Nxb Chính trị Quốc gia , Hà Nội, 2001.
  6. Viện lịch sử quân sự Việt Nam, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2003.
  7. Tiêu diệt hai đồn Phai Khắt- Nà Ngần- Trần Hùng, Tổ chức sự kiện và Nhân chứng, Số 128, tháng 8.2004.