Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Trận Leyte
Tướng Douglas MacArthur và ban chỉ huy tại bãi biển Palo, Leyte, 20 tháng 10 năm 1944.

Trận Leyte (24-25.10.1944), là trận hải chiến lớn nhất trên Thái Bình Dương giữa hải quân Nhật với Mỹ ở khu vực đảo Leyte (thuộc quần đảo Philippin) trong Chiến tranh thế giới lần thứ Hai.

Bước sang năm 1943, quân Mỹ nắm quyền chủ động trên chiến trường Thái Bình Dương và chuyển sang phản công, lần lượt đánh chiếm các đảo Ginbe (11.1943), Marshall (2.1944), New Guinea (4.1944), Mariana (6.1944), Monterel (9.1944). Sau những thắng lợi đó, tháng 7.1944, Mỹ quyết định mở chiến dịch đổ bộ vào Philippin làm bàn đạp tiến công nước Nhật. Kế hoạch ban đầu do Bộ chỉ huy quân Mỹ đề ra là tiến công đánh chiếm Mindanao, sau đó tiến công vào Leyte và mục tiêu tiếp theo là đảo Luzon. Trong quá trình tác chiến, do tình hình thay đổi nên Mỹ quyết định đánh thẳng vào Leyte vì đây là hòn đảo nằm giữa Mindanao và Luzon, nếu chiếm được hòn đảo này sẽ khống chế được toàn bộ Philippin.

Thực hiện kế hoạch đánh chiếm đảo Leyte, Mỹ sử dụng Hạm đội 7 và Hạm đội 3 do phó Đô đốc Thomas C. Kinkaid và phó Đô đốc William F. Halsey chỉ huy. Tổng cộng Mỹ có 30 tàu sân bay, 29 tàu tuần dương, 87 tàu khu trục và 10 hộ tống và khoảng 1.000 máy bay.

Về phía Nhật Bản, Bộ chỉ huy quân Nhật sử dụng Hạm đội liên hợp gồm: Hạm đội cơ động phía Bắc do Phó Đô đốc Ozawa Jisaburo chỉ huy; Lực lượng đột kích số 2 do Phó Đô đốc Shima Kiyohide chỉ huy; Lực lượng đột kích số 1 do Đô đốc Kurrita Takeo chỉ huy. Tổng cộng Nhật có 6 tàu sân bay, 21 tàu tuần dương, 9 tàu thiết giáp, 35 tàu khu trục và 116 máy bay.

Ngày 20.10, khi phát hiện quân Mỹ bắt đầu đổ bộ lên Leyte, Bộ chỉ huy quân Nhật lệnh cho Lực lượng đột kích số 1 rời vịnh Borneo (Indonesia), sau đó tách làm hai bộ phận: bộ phận đột kích Trung tâm do Phó Đô đốc Takeo Kurita chỉ huy tiến vào eo biển San Bernardio, bộ phận đột kích cánh Nam do Phó Đô đốc Nishimura Shoji chỉ huy, tiến vào eo biển Surigao. Hai bộ phận này tạo thành gọng kìm tiến công Hạm đội Mỹ ở vịnh Leyte từ phía sau. Ngày 23.10, bộ phận đột kích Trung tâm lọt vào ổ phục kích của tàu ngầm Mỹ, bị đánh chìm 2 tuần dương hạm, trong đó có cả kỳ hạm Atgo, Takeo Kurita chuyển soái kỳ sang tuần dương hạm Yamoto và quyết định tiếp tục tiến vào San Bernardio. Đêm 23.10, khi còn cách San Bernardo không xa, lực lượng này tiếp tục bị không quân và hải quân Mỹ đánh chìm thêm 1 thiết giáp hạm, 2 tàu khu trục và 2 tàu tuần dương. Trong khi đó, bộ phận đột kích cánh Nam vượt qua eo biển Surigao an toàn, nhưng khi chuẩn bị tiến vào vịnh Leyte tối 25.10 thì bị Hạm đội 7 Mỹ tập trung tiến công. Sau hơn 2 giờ giao chiến, đội tàu của Nishimura Shoji bị tiêu diệt gần hết, Phó Đô đốc Nishimura Shoji tử trận.

Ở phía bắc, Hạm đội cơ động do Phó Đô đốc Ozawa Jisaburo chỉ huy, khi còn cách đảo Luzon gần 500 km nhận được tín hiệu cứu trợ, lập tức tiến xuống phía nam yểm trợ cho bộ phận đột kích Trung tâm. Khi tới khu vực phía đông bắc đảo Luzon, lực lượng này bị Hạm đội 3 Mỹ ngăn chặn, đánh chìm 2 tàu tuần dương và 3 tàu sân bay. Trên hướng khác, Lực lượng đột kích số 2 đang làm nhiệm vụ yểm trợ cho các tàu đi ngang qua vùng biển Philippin nhận được tín hiệu khẩn cấp, Phó Đô đốc Shima Kiyohide chỉ huy toàn bộ lực lượng tiến vào vịnh Leyte cùng phối hợp với Hạm đội cơ động phía Bắc, nhưng khi lực lượng này tiến vào được trong vịnh thì chiến cuộc đã kết thúc (do lực lượng mỏng, lực lượng đột kích cánh Nam không tham chiến với quân Mỹ, mà chỉ hộ tống một số tàu bị thương ra khỏi vòng chiến). Mặc dù quân Nhật bị đánh thiệt hại nặng trên đường tiến vào Leyte, nhưng Phó Đô đốc Takeo Kurita vẫn chỉ huy lực lượng còn lại vượt qua được eo biển San Bernardio, sau đó đi xuống phía nam vào Leyte. 6.30 phút sáng 24.10, khi đến gần đảo Samar thì bị các máy bay Hạm đôi 3 Mỹ tiến công. Các hải pháo Nhật chóng trả quyết liệt. Tuy nhiên, sau đó các máy bay ném bom từ Hạm đội 3 của Mỹ đã kịp thời tăng viện, dồn dập tiến công vào các tàu chiến Nhật, làm bị thương 3 tàu tuần dương hạng nặng, buộc Phó Đô đốc Takeo Kurita phải cho lực lượng đột kích Trung tâm rút về phía nam vào vịnh Leyle, chuẩn bị tiêu diệt các tàu tiếp viện của Mỹ. Chiều 25.10, các chiến hạm Nhật được lệnh rời vịnh Leyte tiến về phía bắc để tìm diệt các tàu sân bay Mỹ, nhưng vừa rời vịnh được ít phút đã bị không quân Mỹ liên tục oanh kích, đánh chìm nhiều tàu. Đến 6 giờ tối, do không còn đủ nhiên liệu để tiếp tục truy lùng các tàu sân bay Mỹ, Phó Đô đốc Takeo Kurita buộc phải cho hạm đội tiến thẳng tới eo biển San Bernardio để trở về căn cứ; trên đường về liên tục bị không quân Mỹ truy kích, đánh đắm thêm 1 thiết giáp hạm và 2 tàu tuần dương ở gần biển Sibyan.

Kết quả, quân Nhật bị mất 29 tàu chiến gồm: 4 tàu sân bay, 3 tàu thiết giáp, 10 tàu tuần dương, 11 tàu khu trục và 1 tàu ngầm, hơn 500 máy bay, 10.500 thủy thủ và phi công; phía Mỹ mất 6 tàu chiến gồm: 3 tàu sân bay, 2 tàu khu trục và 1 tàu hộ tống khu trục, 200 máy bay, 2.800 người thiệt mạng và 1.000 người bị thương. Trận Leyte là trận hải chiến lớn nhất ở Thái Bình Dương trong chiến tranh thế giới lần thứ Hai. Đây cũng là trận đầu tiên Nhật Bản sử dụng máy bay Thần Phong (Kamikaze).Trận chiến diễn ra trên phạm vi gần 260.000 km2. Sau trận hải chiến này, hải quân Nhật mất gần hết tàu sân bay, phần lớn thiết giáp, tuần dương; không còn khả năng nắm quyền chủ động trên biển và trở thành lực lượng thứ yếu trong giai đoạn còn lại của cuộc chiến tranh.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bộ Quốc phòng, Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam. Quyển 1, Lịch sử quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 2015, tr.1015-1016
  2. Cuộc chiến Thái Bình Dương, Nxb Văn Nghệ Tp Hồ Chí Minh 2002, tr.247-261
  3. Bộ thông sử thế giới vạn năm, tập 2.B, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội 2004, tr.1607-1608
  4. Encyclopedia of Worl War II, Nxb A.B.C CLIO, 2005, p.884-886