Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Trận Làng Vây
Chiếc xe tăng PT-76 số hiệu 268 tại Tượng đài chiến thắng Làng Vây

Trận Làng Vây (6-7.2.1968), là trận tiến công của Quân giải phóng miền Nam đánh chiếm cứ điểm Làng Vây (huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị) trong đợt 1 Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh (20.1-15.7.1968).

Làng Vây là cứ điểm mạnh trên tuyến phòng thủ Đường 9 - Khe Sanh, có hệ thống công sự, hầm ngầm kiên cố và hỏa lực chống tăng M-72; là tiền đồn bảo vệ cụm cứ điểm Tà Cơn nằm về phía tây của quận Hướng Hoá do 4 đại đội biệt kích và thám báo quân đội Sài Gòn 101, 102, 103, 104 và một số cố vấn Mỹ (tổng số khoảng 700 quân) đóng giữ. Cứ điểm được xây dựng kiên cố trên 2 điểm cao 320 và 420, cách căn cứ Làng Vây cũ (bị Quân giải phóng tiêu diệt tháng 5.1967) 2 km. Điểm cao 420, vị trí tiền tiêu do 1 trung đội thám báo đảm nhiệm. Điểm cao 320 là cứ điểm chính được chia thành 6 khu vực với 21 lô cốt và nhiều hầm trú ẩn, hầm ngầm, nhà hộp liên kết với nhau bằng các đường hào và chiến hào; có hàng rào ngăn cách giữa các khu và 6 lớp rào kẽm gai xen lẫn các bãi mìn bảo vệ xung quanh. Cứ điểm Làng Vây được các trận địa pháo ở Tà Cơn, Điểm cao 241 và không quân địch chi viện.

Bộ Tư lệnh Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh quyết định tập trung lực lượng gồm: Trung đoàn 24 (thiếu 1 tiểu đoàn) thuộc Sư đoàn 304, được tăng cường Tiểu đoàn bộ binh 3 (Trung đoàn 101, Sư đoàn 325); Tiểu đoàn pháo binh 2 thuộc Trung đoàn 675; 2 tiểu đoàn công binh; Tiểu đoàn Xe tăng 198 (thiếu, có 16 xe PT-76); 2 đại đội đặc công; 1 đại đội súng máy phòng không; 1 trung đội súng phun lửa, tiến công cứ điểm Làng Vây, nhằm giải phóng đoạn Đường 9 từ quận lị Hướng Hoá đến biên giới Việt - Lào, bao vây cô lập quân đội Sài Gòn ở Tà Cơn, kéo lực lượng địch ra giải toả, tạo thời cơ diệt viện.

23 giờ 30 phút, ngày 6.2, sau khi pháo binh Chiến dịch và pháo binh Sư đoàn 304 đồng loạt bắn chế áp cứ điểm Làng Vây, quân ta thực hành tiến công, kết hợp bộ binh, đặc công và xe tăng đột phá từ ba hướng (nam, tây bắc và đông bắc). Hướng nam - hướng tiến công chủ yếu, Tiểu đoàn 3 được hỏa lực xe tăng chi viện đắc lực, sau 10 phút mở xong cửa mở; phát triển đánh chiếm các mục tiêu ở khu vực đầu cầu. Địch tập trung hoả lực ngăn chặn quyết liệt, bắn cháy 2 xe tăng đi đầu của ta. Các xe tăng còn lại nhanh chóng yểm trợ cho Tiểu đoàn phát triển vào trung tâm cứ điểm.

Trên hướng Tây, bộ đội ta đặt xong các lượng nổ, nhưng khi đánh thì bộc phá không nổ. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5 lệnh mở cửa mở bằng phương pháp bộc phá liên tục. Xe tăng bắn phá các lô cốt ở khu vực đầu cầu, chi viện cho bộ binh ta mở cửa. 23 giờ 50 phút, bộ đội ta vượt qua cửa mở, chiếm đầu cầu, tạo thuận lợi cho các lực lượng phía sau đột phá liên tục vào khu trung tâm. 1 giờ 5 phút, ngày 7. 2, ta chiếm được khu trung tâm. Hướng đông bắc, Tiểu đoàn 4 gặp khó khăn bởi cửa mở tại sườn dốc, kẹp giữa 2 lô cốt địch. Ta sử dụng súng B-41 diệt 2 lô cốt đầu cầu, tạo thuận lợi để mở cửa mở. Đến hàng rào cuối cùng thì hết bộc phá, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4 hạ lệnh cắt và chống rào lên để bộ đội vượt qua, phát triển vào bên trong cứ điểm. 3 giờ 30 phút, ngày 7.2, quân ta đánh chiếm xong các khu vực, tiến hành truy quét, gọi hàng.

10 giờ, ngày 7.2, quân ta làm chủ cứ điểm Làng Vây, diệt 400 tên, bắt 253 tên, thu toàn bộ vũ khí, trang bị; giải phóng khu vực Đường 9 từ Cà Lu đến biên giới Việt - Lào và phần lớn huyện Hướng Hoá, tạo thế vây hãm cụm cứ điểm Tà Cơn và đánh quân địch phản kích. TLV là trận then chốt chiến dịch, lần đầu ta sử dụng xe tăng tiến công địch phòng ngự trong công sự vững chắc, đánh dấu bước phát triển mới về tác chiến hiệp đồng binh chủng của Quân giải phóng miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Lịch sử Sư đoàn 304, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990, tr.79-84.
  2. Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Việt Nam thế kỷ XX - những sự kiện quân sự, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001, tr. 422.
  3. Bộ Quốc phòng, Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự: Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 1072-1073.
  4. Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử nghệ thuật đánh trận then chốt chiến dịch của Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 351-356.