Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Trận Ipơrơ II

Trận Ipơrơ II (22.4-25.5.1915), là trận đầu tiên quân Đức sử dụng khí độc quy mô lớn nhằm chọc thủng tuyến phòng thủ của quân Anh - Pháp ở mặt trận phía tây trong Chiến tranh thế giới lần thứ Nhất.

Bối cảnh[sửa]

Kết thúc giai đoạn 1 của Chiến tranh thế giới lần thứ Nhất (8-12.1914), phe Hiệp ước đã làm thất bại kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh (Schlieffen) của Đức, nhưng cả hai bên đều chưa giành được thắng lợi quyết định. Tại mặt trận phía tây, mặc dù giành một số thắng lợi ở Bỉ và miền Bắc nước Pháp, nhưng sau trận Marne (5-12.9.1914), Đức buộc phải chuyển từ chiến tranh vận động sang phòng ngự trận địa. Để thực hiện thành công chiến lược này, từ cuối năm 1914, Đức đã chuyển phần lớn binh lực từ Nancy, Reim, Lorraine (Pháp) và Mons, Aalst (Bỉ) về khu vực đông bắc nước Pháp và tây bắc nước Bỉ giáp với biển Bắc; liên quân Anh - Pháp cũng đưa nhiều binh đoàn chủ lực về khu vực này. Cuộc chuyển binh này thực chất là “cuộc chạy đua ra biển” nhằm giành quyền kiểm soát toàn bộ vùng duyên hải phía Bắc của Pháp và Bỉ. Đến cuối năm 1914, hai bên đã xây dựng tuyến phòng kiên cố kéo dài từ Lorraine (Pháp) đến bờ biển Flemish (Bỉ). Trong hệ thống phòng ngự này, đoạn chạy qua tỉnh Flanders, trong đó có thị trấn Ypres (Bỉ) có vị trí đặc biệt quan trọng. Vì vậy, từ ngày 20.10 - 15.11.1914, Đức đã dùng tập đoàn quân 4 và 6 tiến công nhằm chọc thủng đoạn phòng ngự này, nhưng không thành công. Đến đầu tháng 4.1915, Bộ chỉ huy quân Đức một lần nữa quyết định dùng Tập đoàn quân 4 mở trận tiến công lần II vào Ypres nhằm đè bẹp trận địa phòng ngự của Tập đoàn quân 2 Anh- Pháp (bao gồm cả quân Angeri và Canada, Maroc).

Diễn biến[sửa]

Trận Ypres diễn ra trong 4 đợt

Đợt 1 (22-23.4)[sửa]

Sáng 22.4, Đức sử dụng pháo binh bắn phá dữ dội khu vực Gravenstafel, nhưng phòng tuyến Anh - Pháp vẫn được giữ vững. Đến 17 giờ ngày 22.4, kết hợp với đạn pháo, Đức thả 5.730 thùng khí Clo (chlorine), mỗi thùng nặng 45 kg dọc tuyến phòng thủ dài 6,5 km do quân Pháp và lính thuộc địa người Angeri, Maroc phòng ngự. Chỉ trong vòng 10 phút, 6 trong tổng số 10 nghìn quân Pháp và lính thuộc địa bị chết, 2 nghìn bị bắt làm tù binh. Những người sống sót (kể cả tù binh) bị mù tạm thời, hoặc ngạt thở do hít phải khí độc. Nhiều binh lính Đức cũng chịu hậu quả tương tự vì không có phương tiện phòng hộ chuyên dụng. Sau đợt 1, quân Đức đột phá và chiếm được một đoạn trận địa phòng ngự dài khoảng 6.5 km, sâu 3 km, nhưng sau đó bị Tập đoàn quân 2 phản công giành lại.

Đợt 2 (24.4-5.5)[sửa]

Sáng 24.4, Đức rải khí độc vào tuyến phòng ngự của Sư đoàn 1 (Canada) ở phía tây làng St Julien. Binh lính sử dụng khăn tay tẩm nước tiểu che mũi, mồm nhưng không hiệu quả, Đức chiếm được làng. Ngày 25.4, quân Canada tổ chức phản công nhưng không thành công, chỉ lập được một tuyến phòng ngự ở rìa làng. Sau trận đánh, tướng Smith Dorrien, Tư lệnh Tập đoàn quân 2 quân Anh đề nghị rút lui về phía sau khoảng 4 km vì thấy chưa thể tổ chức ngay một cuộc phản công quy mô để đẩy quân Đức lui về vị trí cũ. Ý tưởng của Dorrien ngay lập tức gặp phải sự phản đối gay gắt của tướng John French, Tư lệnh Lực lượng viễn chinh Anh (BEF). Không những vậy, ông còn quyết định cách chức Smith Dorrien và thay thế bằng tướng Herbert Plumer. Tuy nhiên, cũng như người tiền nhiệm, Plumer cũng đề xuất thực hiện cuộc rút lui toàn diện. Sau đợt phản công của 2 sư đoàn quân Pháp do tướng Ferdinand Foch chỉ huy bị thất bại, ý kiến của Plumer được chấp nhận. Từ 1-3.5, Pháp rút quân, việc tổ chức phản công tại St Julien thất bại, Sư đoàn 1 Canada bị thương vong 5.975 người.

Đợt 3 (8-15.5)[sửa]

Tại dãy đồi Frezzenberg, Đức di chuyển pháo binh ra tuyến trước và bố trí Quân đoàn 3 đối diện với sư đoàn 27 và 28 của Pháp. Ngày 8.5, trên hướng phòng ngự của Lữ đoàn 83, sau trận pháo kích phá huỷ hệ thống giao thông hào của quân Pháp, Đức tổ chức 3 đợt tiến công nhưng đều bị đẩy lui. Trên hướng của Lữ đoàn 80, quân Đức phá được phòng tuyến dài hơn 3 km nhưng bị cuộc phản công của Lữ đoàn 10 quân Pháp chặn lại. Ngày 10.5, quân Đức lại sử dụng khí độc một lần nữa nhưng ít hiệu quả. Sau 6 ngày tiến công liên tục, Đức tiến thêm được 2 km trên khu vực phòng tuyến.

Đợt 4 (24-25.5)[sửa]

Ngày 24.5, Đức rải khí độc trên tuyến phòng ngự dài 7,5 km tại khu vực Bellewaarde, sau đó mở một cuộc đột kích mạnh vào quân Đồng minh đang triệt thoái. Quân Anh chống trả được đợt tiến công đầu tiên, nhưng sau đó thất bại buộc phải lui thêm 1 km về phía bắc. Do thiếu nguồn tiếp viện và lực lượng dự bị, đến 25.5, quân Đức phải dừng tiến công.

Kết thúc trận đánh, lực lượng Đồng minh bị chết, bị thương và bị bắt làm tù binh 69 nghìn quân (Anh 59 nghìn, Pháp 10 nghìn), Đức tổn thất 35 nghìn. Sau trận Ypres, Đức chọc thủng được tuyến phòng ngự của liên quân Anh - Pháp trên một đoạn dài 5 km, sâu 8 km. Loại khí độc được quân Đức sử dụng trong trận Ypres sau đó được đặt tên là Yprite (C2H4Cl) 2S hay còn gọi là Lưu huỳnh mù tạt. Việc Đức sử dụng khí độc trong chiến tranh đã tạo nên một tiền lệ cực kỳ nguy hiểm (chiến tranh hóa học). Sau Đức, nhiều nước, trong đó có cả Anh nhanh chóng phát triển vũ khí này và đưa vào sử dụng lần đầu tiên tại trận Lux (Loos, 9.1915). Đến giai đoạn cuối Chiến tranh thế giới lần thứ Nhất, nhiều loại khí độc đã được đưa vào sử dụng rộng rãi trên chiến trường châu Âu. (1.105 chữ)

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bộ Quốc phòng, Bách khoa quân sự Việt Nam. Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.2004.
  2. Bộ Quốc phòng, Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam. Quyển 1, Lịch sử quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.2015, tr. 1009-1010.
  3. AMANACH những nền văn minh thế giới, Nxb Văn hóa Thông tin. Hà Nội.1996
  4. Министерство обороны СCCP, Cоветская Bоенная Энциклопедия, ToM3 , Bоениздат, M. 1977, c.581.