Trận Ia Đrăng (14-17.11.1965), là trận vận động tiến công của 2 trung đoàn 66 và 33, chặn đánh các đơn vị của Lữ đoàn 3 (Sư đoàn Kỵ binh bay 1) Mỹ ở thung lũng Ia Đrăng (nay thuộc h. Chư Prông, t. Gia Lai), trận then chốt quyết định trong Chiến dịch Plei Me (19.10-26.11.1965).
Sau đợt 1 và 2, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định dừng vây lấn Plei Me, tập trung 2 trung đoàn 33, 66 ở khu trung tuyến chiến dịch (đông bắc và đông nam suối Ia Mơ) để đón đánh quân Mỹ đang sẵn sàng ra quân tìm diệt chủ lực Quân giải phóng. Thung lũng Ia Đrăng dưới chân núi Chư Pông (cách đồn Plei Me khoảng 26 km về phía tây, sát biên giới Việt Nam - Campuchia) được chọn làm điểm quyết chiến đầu tiên với quân Mỹ. Trung đoàn 66 vừa hành quân vào chiến trường, đặt sở chỉ huy ở bắc làng Tung 1, Tiểu đoàn 7 ở bắc làng Tung 2 (đông nam núi Chư Pông), Tiểu đoàn 8 đang làm nhiệm vụ ở khu vực Ba Bỉ, Tiểu đoàn 9 ở sườn đông bắc núi Chư Pông. Các đơn vị vừa xây dựng công sự vừa sử dụng 50% quân số nhận gạo, đạn cách vị trí đóng quân 1 đến 2 ngày đường. Trung đoàn 33 đóng quân ở phía đông thung lũng Ia Đrăng, bố trí Tiểu đoàn 1 (thiếu 1 đại đội) tại khu vực suối cạn gần Ba Bỉ để bảo vệ hậu cứ trung đoàn; 2 Tiểu đoàn còn lại chuẩn bị tập kích trận địa pháo “Falcon”.
Ngày 10.10, phát hiện hai trung đoàn 33 và 320 Quân Giải phóngở khu vực thung lũng Ia Đrăng, Mỹ đưa Lữ đoàn Kỵ binh bay 3 cùng một số chiến đoàn, trung đoàn mở hành quân “Lưỡi lê bạc 1” nhằm tiêu diệt chủ lực QGP. Gần 11 giờ ngày 14.11, Lữ đoàn 3 đổ 2 đại đội pháo xuống bãi đáp Falcon; Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 7, Lữ đoàn 3, Trung tá Tiểu đoàn trưởng Harôn Mo - Harold G. Moore) xuống bãi Tia X, cách Sở chỉ huy Tiểu đoàn 9 khoảng 1 km. Hai đại đội Anpha và Bravô chia làm 2 mũi tập kích bất ngờ vào Tiểu đoàn 9. Chính trị viên tiểu đoàn và trợ lý tác huấn chỉ huy cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn bộ dựa vào công sự dã chiến đánh chặn các mũi tiến công của địch. Các đại đội 11, 12, 13 (Tiểu đoàn 9) nghe tiếng súng nổ đã chủ động cơ động, tổ chức đội hình đánh vào bên sườn quân Mỹ. Bộ đội hình thành nhiều mũi xung phong, áp sát, chia cắt đội hình địch, thực hiện đánh gần xen kẽ, đánh thiệt hại nặng 1 đại đội Mỹ, buộc số còn lại phải co cụm về bãi Tia X. 5 giờ sáng 15.11, Tiểu đoàn 7 (Chính uỷ Trung đoàn 66 Lã Ngọc Châu trực tiếp tổ chức) tập kích cụm quân còn lại của Tiểu đoàn 1 Mỹ. Sau đợt hoả lực ngắn chuẩn bị, bộ đội xung phong, thực hiện bám sát đánh gần, thọc sâu, chia cắt diệt từng cụm quân Mỹ. Bị đánh bất ngờ, đội hình Tiểu đoàn 1 Mỹ rối loạn. Chiều ngày 15, Mỹ đổ thêm 2 đại đội và 1 lô cốt xuống trận địa. Đêm 16, Tiểu đoàn 7 tiếp tục tổ chức tập kích, tiêu diệt được 1 trong 3 vị trí co cụm của quân Mỹ, nhưng kết quả hạn chế nên chủ động rút khỏi trận địa. Qua hai trận chiến đấu liên tiếp, Tiểu đoàn 7 loại khỏi vòng chiến đấu trên 300 quân Mỹ, bắn rơi 6 máy bay lên thẳng, trong đó có chiếc chở Đại tá Brao, Tư lệnh Lữ đoàn 3.
Ngày 17.11, máy bay B52 ném bom xuống Chư Pông dọn đường cho Lữ đoàn Kỵ binh bay 3 đổ bộ 2 tiểu đoàn kỵ binh xuống bãi Vichto (cách bãi Tia X khoảng 2 km) nhằm ngăn chặn Quân giải phóng rút quân. Bộ Tư lệnh chiến dịch điều Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 66, Tiểu đoàn trưởng Lê Xuân Phôi) đang triển khai ở hướng Plây Ia Briêng cơ động về Chư Pông. Trên đường hành quân, Tiểu đoàn 8 tổ chức đội hình thành ba bộ phận, sẵn sàng đánh địch. Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 33, do Tiểu đoàn phó Luận chỉ huy) phát hiện Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn Kỵ binh 7) gần bãi Anbani nên triển khai 2 mũi đánh vào giữa và cuối đội hình hành quân của địch. Hai tiểu đoàn ta chủ động hiệp đồng tạo thế trận bốn mũi tiến công từ 2 bên đánh thẳng vào sườn đội hình Tiểu đoàn 2. Không dám đánh gần, quân Mỹ thu gọn đội hình từ chính diện 1 km chuyển sang phòng ngự hình vòng với bán kính khoảng 200 m, gọi không quân, pháo binh bắn vào đội hình tiến công của 2 tiểu đoàn. Bộ đội nắm chắc phương châm “bám thắt lưng địch mà đánh”, xông lên bám sát, chia cắt quân Mỹ. Trận đánh diễn ra ác liệt, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 hi sinh, Chính trị viên bị thương nặng; Tiểu đoàn phó Luận lên thay chỉ huy chung 2 tiểu đoàn cũng hi sinh. Đến 20 giờ ngày 17.11, Quân Giải phónglàm chủ trận địa, tiêu diệt Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn Kỵ binh 7) và 1 đại đội của Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn Kỵ binh 5) (quân Mỹ có 151 chết và 121 bị thương).
Kết quả, trong 4 ngày (14-17.11), bằng 4 trận đánh liên tiếp trong thung lũng Ia Đrăng, Trung đoàn 66 và Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 33) đã tiêu diệt Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn Kỵ binh 7) và đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn Kỵ binh 7). Phía Mỹ thừa nhận 824 lính Mỹ chết và bị thương (có 304 chết).
Trận Ia Đrăng là trận đánh then chốt quyết định của chiến dịch Plei Me, việc tiêu diệt số lượng lớn quân Mỹ có ý nghĩa quan trọng. Về chiến lược, đem lại niềm tin quyết tâm đánh Mỹ, thắng Mỹ cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Về chiến dịch và chiến thuật, tích lũy bài học kinh nghiệm tác chiến với quân Mỹ: xây dựng quyết tâm chiến đấu, liên tục nắm chắc địch, chuẩn bị nhanh, bí mật, bất ngờ, thọc sâu, chia cắt, đánh gần; là cơ sở và tiền đề phát triển chiến thuật, cách đánh và thủ đoạn tác chiến. (trận đánh ngày 14.11 của Tiểu đoàn 9 là tiền đề cho sự hình thành chiến thuật “vận động tiến công kết hợp chốt”; trận đánh của Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 66 ) và Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 33) lúc đầu là tao ngộ chiến, sau đó chuyển sang chủ động tiến công theo hình thái của một trận vận động tiến công.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Đại tướng Chu Huy Mân, Chiến thắng Plây Me, ba mươi năm sau nhìn lại, Tạp chí Lịch sử quân sự số 5-1995.
- Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử chiến thuật Quân đội nhân dân Việt Nam, tập 2, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2005, tr 206-211.
- Nguyễn Hữu An, Chiến Trường Mới, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2005.
- Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2007, tr 50-53.
- Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử đánh trận then chốt chiến dịch- Tiến công quân Mỹ ở thung lũng Ia Đrăng trận then chốt quyết định trong chiến dịch Plêi Me (từ 1 ngày 14 đến 17 tháng 11 năm 1965), tr 133-158.
- Moore, Harold G.; Galloway, Joseph L. . We Were Soldiers Once... and Young - Ia Drang: the battle that changed the war in Vietnam. New York, New York: Harper Perennial. 1992.