Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Trận Him Lam

Trận Him Lam (13.3.1954), là trận tiến công của Đại đoàn bộ binh 312 đánh quân Pháp phòng ngự cụm cứ điểm Him Lam, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ (13.3-7.5.1954).

Cụm cứ điểm Him Lam, một trong những trung tâm đề kháng ngoại vi kiên cố nhất của Pháp, nằm phía đông bắc tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, trên Đường 41 từ Tuần Giáo vào, cánh cửa lớn ngăn chặn ta tấn công Mường Thanh, cách trung tâm Mường Thanh 2,5 km, do Tiểu đoàn lê dương 1 thuộc Bán lữ đoàn Lê dương 13 (3/13DBLE) và 1 đại đội lính người Thái đóng giữ, gồm 3 cứ điểm: cứ điểm 102 phía tây có 2 điểm cao 515 và 507, là khu phòng ngự chủ yếu có Sở chỉ huy tiểu đoàn; cứ điểm 101A phía đông bắc có 2 điểm cao 517 và 505; cứ điểm 101B phía đông nam. Mỗi cứ điểm, địch xây dựng trận địa phòng ngự vững chắc có nhiều lô cốt, chiến hào, có từ 4-6 hàng rào dây thép gai, bãi mìn; giữa các cứ điểm có hàng rào và bãi mìn ngăn cách; ngoài hỏa lực biên chế, cụm cứ điểm được máy bay, trọng pháo của tập đoàn cứ điểm chi viện.

Lực lượng tiến công của ta gồm: Đại đoàn 312 (thiếu Trung đoàn 165) được tăng cường 2 đại đội sơn pháo 75 mm, 2 đại đội cối 120 mm, 2 đại đội cối 82 mm; quá trình chiến đấu được 2 đại đội lựu pháo 105 mm của Đại đoàn công pháo 351 bắn phá hoại công sự và kiềm chế pháo binh địch, Đại đoàn 316 nghi binh và xây dựng trận địa tiến công ở phía đông.

Đêm 11.3, các đơn vị xây dựng trận địa xuất phát xung phong, nhưng suốt ngày 12.3, địch cho máy bay, đại bác bắn phá cửa rừng, đưa bộ binh, xe ủi san lấp trận địa, chiến hào của ta. Đêm 12.3, ta tiếp tục xây dựng lại trận địa xuất phát xung phong, nhưng khoảng 12 giờ ngày 13.3, địch lại điều 1 đại đội bộ binh cùng 2 xe tăng từ Mường Thanh ra san lấp. Ta sử dụng lựu pháo 105 mm bắn vào Him Lam buộc lực lượng địch ra san lấp bỏ chạy về Mường Thanh.

17 giờ 5 phút ngày 13.3, pháo chiến dịch bắn cấp tập vào các trận địa pháo của địch ở điểm cao 307A, 307B, chân đồi A và D của tập đoàn cứ điểm, sau đó bắn phá sân bay và cứ điểm 1, 3 của Him Lam. Đòn hoả lực phủ đầu của ta đánh trúng vị trí chỉ huy, cắt đứt liên lạc, khống chế có hiệu quả sân bay Mường Thanh, các trận địa pháo địch.

Sau đợt bắn chế áp, 18 giờ 30 phút, các đơn vị mở cửa đánh vào Him Lam. Hướng đông nam, Tiểu đoàn 130 sau 40 phút mở được cửa mở xuyên qua trên 100 m rào kẽm gai và bãi mìn; xung phong tiêu diệt gọn Đại đội lê dương 11, làm chủ cứ điểm 101B. Ở cứ điểm 101A, đại đội chủ công Tiểu đoàn 428 mở xong hàng rào cuối cùng, bị hoả lực địch bắn chặn dữ dội, xung kích không vượt được cửa mở, Tiểu đội trưởng Phan Đình Giót lao mình lấp lỗ châu mai, cho đơn vị xung phong diệt địch. Đến 22 giờ 30 phút, làm chủ cứ điểm. Hướng chủ yếu, Tiểu đoàn 11 vượt quãng trống, tiếp cận khó khăn nên mở cửa chậm; địch dồn hoả lực ngăn chặn. Đại đội 243 mở được 7 hàng rào thì gặp hoả điểm địch bắn chéo cánh sẻ không lên được. Đại đoàn điều Tiểu đoàn 166 (lực lượng dự bị) vào chiến đấu, đồng thời cho Tiểu đoàn 428 đánh phối hợp với Tiểu đoàn 11, diệt cứ điểm 102. Được sự hỗ trợ của Tiểu đoàn 428 sau khi làm chủ cứ điểm 101A, đồng thời được pháo cấp trên chi viện, Tiểu đoàn 11 vượt cửa mở, chia cắt tiêu diệt quân địch trong cứ điểm 102; đến 23 giờ 30 phút, trận đánh kết thúc. Trung tâm đề kháng Him Lam hoàn toàn bị diệt, hơn 200 địch chết, 370 bị bắt; ta hi sinh 193, bị thương 137 người.

Trận Him Lam mở đầu Chiến dịch Điện Biên Phủ, là trận công kiên, hiệp đồng binh chủng đạt hiệu suất chiến đấu cao, phá vỡ tuyến phòng thủ ngoại vi của địch, tạo thế uy hiếp trung tâm Mường Thanh từ hướng bắc và đông bắc, tạo thế phát triển cho đợt hai chiến dịch giành thắng lợi.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bộ Tổng tham mưu, Ban Tổng kết biên soạn lịch sử, Lịch sử Bộ Tổng tham mưu trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954), Nhà in Bộ Tổng tham mưu, 1991.
  2. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), tập 2, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994.
  3. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử nghệ thuật chiến dịch Việt Nam trong 30 năm chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ (1945-1975), tập1, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994.
  4. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995
  5. Lịch sử Sư đoàn 312, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995.
  6. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Tóm tắt các chiến dịch trong Kháng chiến chống pháp, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000.