Trận Chương Dương-Thăng Long (5.6.1285), là trận tiến công của quân và dân Nhà Trần (Đại Việt) diệt quân Nguyên (Trung Quốc) ở Chương Dương (h. Thường Tín) và kinh thành Thăng Long, trong giai đoạn phản công của cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên lần thứ Hai (1285).
Sau khi đánh thắng quân Nguyên ở A Lỗ và Hàm Tử, Nhà Trần tập trung binh lực tiến đánh Chương Dương và Thăng Long, hai căn cứ quan trọng của quân Nguyên trên tuyến phòng thủ dọc sông Hồng. Tại đây, địch tập trung khoảng 100 nghìn quân, trong đó có những đạo bộ binh và kỵ binh tinh nhuệ nhất do Thoát Hoan trực tiếp chỉ huy. Các đạo quân Nguyên đóng xung quanh kinh thành, còn đại bản doanh của Thoát Hoan đóng tại Giang Khẩu (nay thuộc khu vực phố Hàng Buồm, Hà Nội), có đội thân binh bảo vệ chặt chẽ do tướng Mã Vinh chỉ huy. Phía ngoài các đạo quân còn có hệ thống đồn luỹ bảo vệ và ngăn chặn đối phương tiến công. Để dụ địch ra khỏi Thăng Long, Trần Quang Khải chọn Chương Dương làm mục tiêu tiến công, đồng thời tổ chức lực lượng mai phục từ Thăng Long đến Chương Dương. Căn cứ Chương Dương nằm trên hữu ngạn sông Hồng, cách Thăng Long 20 km về phía nam, được quân Nguyên xây dựng thành tấm lá chắn bảo vệ kinh thành. Thực hiện kế hoạch tiến công, từ đầu tháng 6.1285, quân ta đã mở hàng loạt trận đánh vào hệ thống đồn luỹ xung quanh kinh thành để tạo thế uy hiếp khối chủ lực địch ở đây. Trong khi quân Nguyên đang phải đối phó với những trận đánh xung quanh thành, một đạo quân cơ động do Trần Quang Khải và Trần Quốc Toản chỉ huy bất ngờ tấn công quyết liệt, đánh bại đạo quân Nguyên đóng ở Chương Dương. Được sự giúp đỡ của nhân dân, Trần Quang Khải tổ chức lập một hệ thống trận địa mai phục quanh làng. Trên các ngả đường nơi quân Nguyên có thể đi qua, quân dân ta đào hầm hố hình chữ “chi” vừa để đánh bẫy ngựa của địch vừa để giấu quân đánh phục kích. Trong khi đó, Thoát Hoan cũng nhận thấy nguy cơ bị tiến công, nên đã nhiều lần tổ chức các đội kỵ binh từ Thăng Long tiến ra Chương Dương nhằm tiêu diệt lực lượng cơ động và phá kế hoạch tiến công của ta.
Nắm được âm mưu của địch, ngày 5.6, dưới sự chỉ huy của Trần Quang Khải, dựa vào hệ thống trận địa đã bố trí sẵn, quân ta để địch đến gần Chương Dương mới tổ chức chặn hậu, sau đó lực lượng mai phục từ hai bên sườn bất ngờ mở các đợt tiến công liên tiếp vào đội hình địch, lần lượt đánh tan các đạo kỵ binh tinh nhuệ nhất của quân Nguyên. Đồng thời, một đạo quân do Phạm Ngũ Lão chỉ huy tiến đánh đồn Giang Khẩu, trung tâm đầu não của địch; kết hợp với đạo quân bộ, đội quân thuỷ cơ động từ Chương Dương tiến theo sông Hồng đổ bộ vào bến Giang Khẩu để hỗ trợ tiến công. Ngoài quân chủ lực của triều đình còn có các đạo dân binh ở các lộ do Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp và Nguyễn Truyền chỉ huy cùng phối hợp chiến đấu. Trong khi công thành, tướng Nhà Trần là Trung Thành Vương đã đánh tan quân Nguyên do Thiên hộ Mã Vinh chỉ huy ở Giang Khẩu; trước nguy cơ bị mất thành Thăng Long, Thoát Hoan phải lệnh cho quân lính cấp tốc quay về cứu nguy, nhưng với thế áp đảo, quân và dân ta vây chặt thành Thăng Long và tiến công quyết liệt gây cho quân Nguyên nhiều thiệt hại. Thấy không thể cứu vãn được tình thế, Thoát Hoan cùng tàn quân phải vượt sông Hồng rút chạy. Kinh thành Thăng Long được giải phóng.
TCDTL góp phần quyết định cho quân dân Nhà Trần giải phóng kinh thành Thăng Long, đánh bại quân Nguyên xâm lược lần thứ Hai. Trình độ Nghệ thuật quân sự đã có bước phát triển cao, nổi bật nhất là nghệ thuật nắm thời cơ, chọn đúng thời cơ khi quân Nguyên bị động, phân tán, thiếu lương thực, bệnh tật, tinh thần sa sút. Tổ chức trận phản công chiến lược bằng hình thức chọn Chương Dương là mục tiêu khêu ngòi dụ địch từ Thăng Long ra cứu viện để đánh phục kích theo ý định tác chiến của ta; khi Thăng Long còn ít quân địch phòng vệ thì tổ chức đánh vu hồi.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Lịch sử Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971.
- Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm, Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông thế kỉ XIII, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1972.
- Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998.
- Viện LSQSVN, 20 trận đánh trong lịch sử dân tộc, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002.
- Đại cương lịch sử Việt Nam, toàn tập, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2003.
- Viện LSQSVN, Lịch sử quân sự Việt Nam, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003.
- Lê Đình Sỹ, Về bến cổ Chương Dương và trận Chương Dương tháng Tư năm Ất Dậu (1285), Tạp chí Lịch sử quân sự số 4-2003.8.Bộ Quốc phòng, Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam, tập 1, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2014.
- Hoàng Xuân Nhiên, Điều, dụ địch-nét đặc sắc nghệ thuật quân sự trong trận Chương Dương - Thăng Long (năm 1285), Tạp chí Quốc phòng toàn dân, số tháng 11.2015.