Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Trận Canne

Trận Canne (2.8.216 TCN), là trận đánh kinh điển giữa quân La Mã và quân Carthage trong chiến tranh Punich lần 2 (218-201 TCN), tại làng Cannae (Đông Nam Italia ngày nay).

Thất bại trong cuộc chiến tranh Punic lần thứ nhất (264-241), năm 218 TCN, Carthage tiến hành cuộc chiến tranh Punic lần 2. Ngày 2.8.216 TCN, hơn 50 nghìn quân Carthage (32 nghìn bộ binh nặng, 8 nghìn bộ binh nhẹ và 10 nghìn kỵ binh) đã có mặt tại Cannae, cách Roma 700 km về phía đông nam. Đối phó với các đạo quân Haniban, Viện Nguyên lão Roma bầu Lucius Aemilius Paullus và Galius Terentius Varro làm quan chấp chính, chỉ huy 8 legion gồm: 72 nghìn bộ binh nặng, 8 nghìn bộ binh nhẹ, 6 nghìn kỵ binh tiến về Cannae nhằm chặn bước tiến quân của Haniban.

Tại Canne, quân đội La Mã bố trí theo đội hình phalanx, theo đó, đại bộ phận bộ binh nặng được bố trí ở 3 tuyến trung tâm, mỗi tuyến có 12 hàng ngang trên một chính diện chưa đầy 2 km, chiều sâu 36 m; 4 nghìn kỵ binh được bố trí ở sườn trái do Varro chỉ huy; 2 nghìn kỵ binh còn lại được bố trí ở sườn phải do Paullus chỉ huy. Phát hiện ra cách bố trí đội hình không phù hợp của đối phương, Hannibal bố trí đội hình theo hình móng ngựa, theo đó, tập trung ở chính diện trung tâm 20 nghìn bộ binh nặng, xếp thành một tuyến với chiều sâu là 10 hàng ngang; cánh phải bố trí 2 nghìn kỵ binh nhẹ, 6 nghìn bộ binh nặng do Hanno chỉ huy; cánh phải là 8 nghìn kỵ binh nặng, 6 nghìn bộ binh nặng do Gadrubal chỉ huy. Về tương quan lực lượng, quân La Mã đông gần gấp đôi quân Carthage. Tuy nhiên, Carthage có thế mạnh về kỵ binh. Cách bố trí đội hình của Hanniban là để phát huy tối đa sức manh kỵ binh; dùng kỵ binh ở hai cánh làm lực lượng cơ động vu hồi, đánh thọc sâu vào sau lưng đối phương.

Đúng như dự đoán của Hanniban, khi chiến sự vùng nổ, La Mã tập trung bộ binh ở tuyến giữa đánh vào đội hình trung tâm của Carthage. Chiến sự ở trung tâm diễn ra ác liệt. Haniban vừa đánh vừa lệnh cho trung quân rút dần về phía sau, đồng thời ra lệnh cho lực lượng hai cánh tiến về phía trước, tạo thành hình chữ V hoặc hình “vầng trăng khuyết” mà hai đầu nhọn nhô về phía quân La Mã. Nhận thấy quân La Mã đã lọt sâu vào đội hình trung tâm Carthage, Haniban ra lệnh cho lực lượng kỵ binh hai cánh đánh vu hồi, sau vài giờ giao chiến, với trình độ và số lượng vượt trội, tiêu diệt và đánh tan toàn bộ kỵ binh La Mã. Hai cánh quân kỵ binh Carthage do Gadruban và Hanno chỉ huy bất thần quay lại đánh tập hậu vào bộ binh La Mã, khép kín vòng vây. Lúc này, bộ binh và kỵ binh Carthage từ bốn phía mở những đợt tiến công quyết liệt vào quân La Mã. Do bị khóa chặt trong một khu vực hẹp, quân La Mã không còn khả năng cơ động, không phát huy được sở trường đánh gần, đội hình rối loạn, lần lượt bị tiêu diệt và đầu hàng.

Trận Canne kết thúc vào chiều 2.9. Quân La Mã thiệt hại khoảng 48 nghìn quân, bị bắt làm tù binh 10 nghìn, 8 nghìn quân ở 2 trại đầu hàng vào ngày hôm sau. Carthage thiệt hại 16.700 quân (chết 6 nghìn quân). Thắng lợi ở Cannae, Carthage lôi kéo phần lớn các thành bang ở miền nam Italia vốn là đồng minh của La Mã. Thất bại ở Cannae, La Mã buộc phải cải cách quân đội: chia Phalanx thành các đơn vị chiến đấu nhỏ, linh hoạt và có sức cơ động cao; chuyển đội hình Manipul thành đội hình Cohort; bãi bỏ mô hình dân quân, xây dựng quân đội chuyên nghiệp. Những cải cách này đã đưa La Mã tới chiến thắng cuối cùng trong chiến tranh Punic lần 2. Trận Canne có ý nghĩa lớn trong sự hình thành và phát triển nghệ thuật quân sự cổ đại: là trận điển hình của nghệ thuật lấy nhỏ đánh lớn; của nghệ thuật tiến công, hợp vây và tiêu diệt đối phương ở thời điểm quyết định.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. .AMANACH những nền văn minh thế giới, Nxb Văn hóa thông tin. Hà Nội.1996, tr.152-155.
  2. Bộ Quốc phòng, Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam. Quyển 1, Lịch sử quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015, tr. 941-942.
  3. Министерство обороны СCCP, Cоветская Bоенная Энциклопедия, ToM3 , Bоениздат, M. 1977, C.475-476.
  4. Военная энциклопедия, ToM 2, Bоениздат, M. 1995, C.581-583.