Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Trận Cửa Việt

Trận Cửa Việt (31.1.1973), là trận phản đột kích then chốt của Mặt trận cánh Đông (nòng cốt là Sư đoàn 320B) tiêu diệt Lữ đoàn đặc nhiệm Quân đội Sài Gòn lấn chiếm vùng giải phóng ở nam Cửa Việt (h. Triệu Phong, t. Quảng Trị), trong đợt 3 (26-31.1) Chiến dịch phòng ngự Quảng Trị (28.6.1972-31.1.1973).

Cảng Cửa Việt có ý nghĩa quan trọng về quân sự, chính trị nên trước khi Hiệp định Pari năm 1973 về Việt Nam được ký kết, ta và địch đều quyết chiếm giữ. Sau những thất bại liên tiếp trong các cuộc hành quân Sóng thần 36, 45, 18 và Tănggô Xiti với sự tham gia của 2 lữ đoàn thủy quân lục chiến 147, 258 và Lữ đoàn đặc nhiệm, ngày 29.1, Lữ đoàn đặc nhiệm tăng cường thêm xe tăng, bộ binh, phòng ngự thành 4 cụm kéo dài từ nam Cửa Việt đến Vĩnh Hòa: cụm 1 phía sau cảng cũ của Mĩ 600 m (2 đại đội bộ binh và 8 xe tăng, thiết giáp), cụm 2 đông thôn Hà Tây, cách cảng cũ của Mỹ khoảng 1500 m (3 đại đội bộ binh, 21 xe tăng, thiết giáp), cụm 3 bắc điểm cao 4 (1 đại đội bộ binh và 7 xe tăng), cụm 4 nam điểm cao 4 (1 đại đội bộ binh và 4 xe tăng), tổ chức lấn đất bằng hình thức cắm cờ. Đội hình địch bố trí phòng thủ theo kiểu "trâu đàn ngủ rừng", xe tăng, xe bọc thép ở vòng ngoài làm lá chắn cho bộ binh ở vòng trong, đồng thời tập trung hỏa lực ngăn chặn ta tiến công từ xa.

Chấp hành chỉ thị của trên, Bộ tư lệnh cánh Đông tăng được cường lực lượng, hỏa lực, tổ chức đội hình phản đột kích nhằm khôi phục lại vùng giải phóng, tiêu diệt Lữ đoàn đặc nhiệm địch. Bộ phận chặn đầu gồm 2 đại đội của các trung đoàn Bộ binh 101, 48, công binh Sư đoàn 320B, K5 hải quân, bố trí từ Phó Hội đến cảng cũ của Mỹ, ngăn chặn địch phát triển ra Cửa Việt. Bộ phận khóa đuôi gồm Trung đoàn Bộ binh 64 (thiếu Tiểu đoàn 8), Tiểu đoàn 6 (Trung đoàn Bộ binh 24), Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn Bộ binh 101) bố trí tại Vĩnh Hòa đánh địch tăng viện từ Thanh Hội lên và chặn địch từ Cửa Việt về. Bộ phận tiến công gồm Trung đoàn 24 (thiếu Tiểu đoàn 6), Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 64), Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 48), Tiểu đoàn 38 địa phương (thiếu) và lực lượng còn lại của Trung đoàn 101, bí mật cơ động hình thành thế bao vây, chia cắt, liên tục tiến công tiêu diệt địch từ Vĩnh Hòa lên cảng cũ của Mỹ.

6 giờ 30 phút ngày 31.1.1973, các trận địa pháo ở bờ bắc sông Thạch Hãn và pháo tầm xa ở Cồn Tiên, Dốc Miếu bắn cấp tập các cụm quân địch trong khu vực Cửa Việt, sau đó chuyển làn ngăn chặn địch từ phía sau lên. Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 48), Tiểu đoàn 38 địa phương, 2 đại đội của 2 trung đoàn 101 và 64 cùng một xe thiết giáp chở phân đội chống tăng của Trung đoàn 27 thọc sâu vào giữa đội hình 2 cụm quân địch ở nam cảng cũ của Mỹ, đánh tỏa ra kết hợp với các mũi tiến công từ ngoài vào. Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 64) và Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 101) tiến công vào cụm 3; Tiểu đoàn 6 (Trung đoàn 24) tiến công vào cụm 4. Bộ binh nhanh chóng xung phong áp sát đội hình địch, chia cắt bộ binh và xe tăng, cô lập và tiêu diệt từng bộ phận địch. Đến 8 giờ 30 phút, 3 cụm quân 1, 2, 3 của địch cơ bản bị tiêu diệt, số ít chạy thoát về cụm 4. Bộ đội bám sát truy kích, cùng lúc xe tăng T-54 tiếp cận, diệt 2 xe tăng địch. Hơn 200 địch cùng một số xe tăng, thiết giáp tháo chạy về Vĩnh Hòa bị Tiểu đoàn 9 và Đại đội 11 (Trung đoàn 64) đón lõng tiêu diệt gần hết (1 xe thiết giáp và khoảng 30 địch chạy thoát). 10 giờ 30 phút, tuyến phòng thủ của ta từ Cửa Việt đến Thanh Hội, Long Quang được khôi phục.

Kết quả, sau 4 giờ chiến đấu, ta tiêu diệt cơ bản Lữ đoàn đặc nhiệm, phá huỷ nhiều xe tăng, xe thiết giáp, thu 13 chiếc khác, bắn rơi 5 máy bay, bảo vệ vững chắc địa bàn có ý nghĩa chiến lược.

Trận Cửa Việt sử dụng lực lượng có quy mô sư đoàn tăng cường với sự tham gia của nhiều binh chủng, đánh bại thủ đoạn dùng bộ binh kết hợp xe tăng, thiết giáp thọc sâu, co cụm của quân đội Sài Gòn, khẳng định bước tiến mới về hiệp đồng binh chủng trong tác chiến phòng ngự. Đặc biệt, ta không sử dụng hình thức đấu xe tăng mà chỉ dùng vũ khí chống tăng thông thường tiêu diệt phần lớn xe tăng, thiết giáp địch.

Trận đánh có ý nghĩa quan trọng cả về chính trị, quân sự, ngoại giao, trực tiếp đánh bại việc lấn chiếm vùng giải phóng; góp phần đánh bại âm mưu "tràn ngập lãnh thổ" của Mỹ, quân đội Sài Gòn, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, làm suy giảm ý chí chiến đấu của chúng; giữ vững vùng giải phóng, tạo thế đứng chân ở địa bàn có ý nghĩa quan trọng.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bộ tư lệnh Quân đoàn 1, Lịch sử Sư đoàn bộ binh 320B, Nxb Quân đội nhân, Hà Nội, 1990.
  2. Một số trận đánh trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tập 3, Bộ tư lệnh Quân đoàn 1 xuất bản năm 1994, tr 181-192.
  3. Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị (1966 – 1973), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001, tr. 340.
  4. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001, tr 353-375.
  5. Một số trận đánh then chốt trong chiến tranh giải phóng (1945 – 1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2008, tr. 231.
  6. Bách khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử quân sự, NxB Quân đội nhân dân, Hà Nội 2015.