Trận Cầu Giấy (19.5.1883), là trận phục kích quân Pháp tại khu vực Cầu Giấy (Hà Nội), do một bộ phận quân triều Nguyễn dưới sự chỉ huy của Hoàng Tá Viêm phối hợp với quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc, tiến hành trong thời kỳ Pháp chiếm Bắc Kỳ lần thứ Hai (1882-84).
Sau khi thành Hà Nội thất thủ lần thứ hai cùng với sự tuẫn tiết của Tổng đốc Hoàng Diệu (25.4.1882), triều Nguyễn lúng túng, không có thái độ phản kháng, mà vẫn chủ trương thỏa hiệp, cầu hoà, hi vọng Pháp trả lại Hà Nội và các vùng chiếm đóng ở Bắc Kỳ như năm 1873.
Lúc này, Vua Tự Đức cử Trần Đình Túc và Nguyễn Hữu Độ dẫn đầu phái đoàn Triều đình ra Hà Nội, một mặt nắm tình hình, chuẩn bị đàm phán, nhờ cậy Nhà Thanh (Trung Quốc) giúp việc điều đình với Pháp, mặt khác buộc các tỉnh phải giải tán lực lượng binh dũng địa phương và lệnh các cánh quân đang bao vây thành Hà Nội phải rút lui theo yêu cầu của Pháp. Tuy nhiên, các cánh quân của Hoàng Tá Viêm, Trương Quang Đản cùng với quân Cờ Đen và dân các địa phương Pháp chiếm đóng bất tuân lệnh, tiếp tục chiến đấu gây cho Pháp nhiều thiệt hại. Đặc biệt những ngày đầu tháng 5.1883, các cánh quân nói trên liên tục bắn pháo và đột kích vào một số vị trí của quân Pháp trong thành. Lưu Vĩnh Phúc còn tổ chức đột nhập vào thành, dán yết thị thách đố quân Pháp giao chiến tại cánh đồng phủ Hoài Đức.
Trước tình hình đó, Đại tá Hăngri Rivie, chỉ huy quân Pháp ở Hà Nội cấp báo xin viện binh và quyết định tập trung lực lượng phản kích ra một số khu vực trọng yếu xung quanh Hà Nội, nhằm nới bớt vòng vây về phía Sơn Tây, tạo lợi thế trong đàm phán, buộc triều Nguyễn phải sớm ký hoà ước có lợi cho Pháp. Thực hiện quyết định trên, ngày 18.5.1883, Hăngri Rivie để 200 quân giữ thành, còn phần lớn binh lực có 3 khẩu pháo, bí mật theo đường Sơn Tây, tiến công phủ Hoài Đức. Nắm chắc tình hình địch do cơ sở ngầm mật báo và nghiên cứu cụ thể địa hình, Hoàng Tá Viêm chọn khu vực Cầu Giấy làm nơi bố trí trận địa phục kích chặn đánh quân Pháp. Với một nghìn quân, Hoàng Tá Viêm tổ chức thành 3 cánh do Dương Trí Ân, Ngô Phương Điền và Hoàng Trung Thư chỉ huy cùng đội quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc đóng ở trung quân đảm nhiệm.
4 giờ sáng ngày 19.5, quân Pháp triển khai tiến công. Sau khi cử trinh sát đi trước sục sạo, Hăngri Rivie lệnh cho đại quân tiến nhanh chiếm lĩnh khu vực Cầu Giấy. 5 giờ sáng, chờ khi quân Pháp vừa tiến qua cầu, lực lượng phục kích đồng loạt nổ súng. Bị đánh bất ngờ, nhưng quân Phápđã sớm ổn định chiếm lĩnh trận địa hai bên đường, sử dụng pháo bắn yểm trợ cho lực lượng đánh chiếm làng Hạ Yên Khê (Kẻ Cót), sau đó tiến vào làng Dịch Vọng Tiền, Dịch Vọng Trung. Trận đánh diễn ra quyết liệt, Dương Trí Ân và Ngô Phương Điền quân triều đình thương vong. Giữa lúc trận đánh ở thế giằng co, Lưu Vĩnh Phúc chỉ huy cánh quân ứng chiến bất ngờ đánh vào sườn trái đội hình, khiến quân Pháp hỗn loạn, không đủ sức chống đỡ buộc phải rút chạy. Các cánh quân ta phối hợp đánh mạnh từ nhiều phía, giết tại trận nhiều quân Pháp, buộc số còn lại bỏ súng pháo rút chạy qua Cầu Giấy về thành Hà Nội.
Sau 2 giờ giao tranh, cuộc hành binh của quân Pháp hoàn toàn thất bại, với 11 sĩ quan và 73 lính chết và bị thương, trong đó có Hăngri Rivie, Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Bắc Kỳ. Trận đánh tác động mạnh tới tinh thần binh lính Pháp ở Bắc Kỳ, đồng thời còn làm viên Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp thay Hăngri Rivie là Buê có ý định rút bỏ Hà Nội và Nam Định về cố thủ tại Hải Phòng. Sau chiến thắng trận Cầu Giấy, Lưu Vĩnh Phúc được thăng chức Đề đốc hàm chánh nhị phẩm, Hoàng Tá Viêm được khôi phục nguyên chức và được gia thưởng hai cấp quân công; đặc biệt, tinh thần chống Pháp của quân và dân cả nước được cổ vũ mạnh mẽ.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Lịch sử Thủ đô Hà Nội, Nxb Hà Nội, Hà Nội, 2000.
- 1000 năm Thăng Long Hà Nội, Những hoạt động quân sự tiêu biểu, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002.
- 20 trận đánh trong lịch sử dân tộc, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002.
- Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
- Lịch sử quân sự Việt Nam, tập 8, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2007.
- Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Từ điển Lịch sử quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2011.