Trận Buôn Ma Thuật (10-11.3.1975), là trận tiến công hiệp đồng binh chủng của Sư đoàn bộ binh 316, Trung đoàn bộ binh 95B (Sư đoàn 325), Trung đoàn bộ binh 24 (Sư đoàn 10), Trung đoàn đặc công 198, Trung đoàn xe tăng 273, 2 trung đoàn pháo binh (40, 675), 2 trung đoàn pháo phòng không (232, 234), 2 trung đoàn công binh (7, 575), Trung đoàn thông tin 29, đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắc Lắc), trong Chiến dịch Tây Nguyên.
Buôn Ma Thuột là thị xã lớn nhất các tỉnh Tây Nguyên, rộng 24 km2; là căn cứ quân sự có tầm chiến lược, trung tâm kinh tế, chính trị, đầu mối giao thông của toàn miền. Để giữ Buôn Ma Thuột, quân đội Sài Gòn tổ chức 3 khu vực phòng ngự: khu dân cư phía bắc, khu hành chính phía đông và khu quân sự phía tây và nam; các khu đều có lực lượng phòng ngự tại chỗ và lực lượng cơ động riêng; lực lượng phòng thủ và cơ động chính nằm trong khu quân sự.
Lực lượng địch ở Buôn Ma Thuột có Trung đoàn bộ binh 53 (thiếu), Sở chỉ huy Sư đoàn 23, các đơn vị trực thuộc, 3 tiểu đoàn, một số đại đội bảo an, Sở chỉ huy Liên đoàn biệt động 296, cơ quan hành chính, Ban chỉ huy tiểu khu Đắc Lắc, hậu cứ Thiết đoàn 8, các trung đoàn 44, 45, 1 tiểu đoàn thiết giáp 1 tiểu đoàn pháo binh cùng lực lượng dân vệ, cảnh sát với khoảng 8.400 quân; bố trí phòng ngự 3 tuyến (hướng chính là tây bắc); có 2 sân bay, mỗi sân bay thường xuyên có 5 - 7 máy bay trực thăng và vận tải; hệ thống hỏa lực mạnh, công sự, vật cản kiên cố, trong đó khu phòng thủ then chốt là căn cứ Sở chỉ huy Sư đoàn 23. Buôn Ma Thuột vừa là hậu cứ của Sư đoàn 23 vừa là hậu cứ của các liên đoàn, chiến đoàn và các binh chủng của Quân khu 2. Chỉ huy lực lượng phòng thủ thị xã do Chỉ huy tiểu khu Đắc Lắc đảm nhiệm, chủ yếu dựa vào lực lượng Sư đoàn 23.
Sau khi tiến hành các hoạt động nghi binh đánh lạc hướng đề phòng của địch, đêm 9.3, ta bí mật triển khai lực lượng tiến công Buôn Ma Thuột từ 5 hướng. 1giờ 30 phút ngày 10.3, trận đánh mở đầu bằng lực lượng đặc công Trung đoàn 198, luồn sâu, bất ngờ đánh chiếm một số vị trí ở kho Mai Hắc Đế, sân bay Hoà Bình, sân bay thị xã, hậu cứ Trung đoàn 53; tiếp đó, các cụm hoả lực pháo binh chiến dịch, pháo binh sư đoàn đồng loạt bắn chế áp sát thương địch, tạo điều kiện cho bộ binh và xe tăng các hướng phát triển tiến công.
Hướng tây bắc, Trung đoàn 148 xuất phát trên địa hình trống trải và trời sáng, nên địch dùng hoả lực bắn chế áp; hoả lực trung đoàn không đủ mạnh để kiềm chế, nên pháo cấp trên phải chi viện trực tiếp để mở cửa và 10 giờ 40 phút, trung đoàn mới mở đợt tiến công vào thị xã. Địch chống trả quyết liệt, Tiểu đoàn 6 đánh chiếm khu thiết giáp, hậu cứ Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 45 địch); theo đường Phan Bội Châu đánh sâu, chiếm khu Bồ Đề; 18 giờ ngày 10.3, trung đoàn chuyển sang chốt giữ các điểm trọng yếu khu vực đã chiếm.
Hướng tây nam, Trung đoàn 174 chiếm lĩnh vị trí xuất phát tiến công chậm, 17 giờ ngày 10.3, Tiểu đoàn 3 mới nổ súng đánh Chư Duê; đồng thời, trung đoàn diệt các mục tiêu tiền duyên, theo trục đường 14 vòng qua kho Mai Hắc Đế đánh thẳng vào trung tâm thị xã, chiếm ấp Ba Lê, khu Phạm Ngũ Lão và khu tham mưu địch... Hướng nam, Trung đoàn 149 sau khi diệt điểm cao 491 và Chư Lom đêm 9.3; sáng 10.3, tiến vào thị xã theo đường Thống Nhất, đánh khu nhà thờ Tin Lành và cổng chính căn cứ Sư đoàn 23. Địch chống trả quyết liệt; bộ đội chiến đấu kiên cường, nhưng cũng chỉ chiếm thêm khu cư xá sĩ quan, khu nhà thờ quân đội.
Hướng đông bắc, Trung đoàn 95B sau khi diệt 2 chốt ngoại vi 596, Chư Bua đêm 9.3, lúc 8 giờ ngày 10.3, chuyển sang đánh chiếm Ngã Sáu, theo phố Cao Thắng và Phan Chu Trinh, chiếm khu nhà thờ, Sở chỉ huy tiểu khu Đắc Lắc, đồn quân cảnh, khu hành chính, phối hợp với đặc công đánh và làm chủ sân bay thị xã. Hướng đông, 7 giờ 30 phút ngày 10.3, Trung đoàn 24 làm nhiệm vụ thọc sâu chiến dịch, đánh chiếm khu gia binh, khu truyền tin, khu quân y và đánh bại phản kích của địch, giữ vững khu vực đã chiếm...
Do ta đánh mạnh cả 5 hướng, địch co về phòng thủ tại Sở chỉ huy Sư đoàn 23, tăng cường máy bay ném bom, đánh phá, đưa Liên đoàn Biệt động quân 21 ứng cứu và tổ chức phản kích hòng chiếm lại các vị trí quan trọng, nhưng ta kịp thời đẩy lùi. 5 giờ 30 phút sáng 11.3, ta tập trung bao vây, pháo kích và tiếp tục đánh địch co cụm tại căn cứ Sở chỉ huy Sư đoàn 23. Trung đoàn 174 triển khai đội hình theo 3 mũi, tiến công các mục tiêu trong căn cứ Sư đoàn 23; đánh chiếm ấp Ba Lê 2, sau đó thọc sang khu tham mưu Sở chỉ huy; tăng cường 3 xe tăng đột phá khu đài phát thanh, chọc vào Sở chỉ huy Sư đoàn 23... Trung đoàn 149 chia làm 2 mũi: một mũi đánh vào khu tham mưu, đánh tan quân địch phản kích rồi tiến vào trung tâm Sở chỉ huy Sư đoàn 23; một mũi thọc sang Sở chỉ huy Sư đoàn 23, phối hợp với mũi tiến công của Trung đoàn 148 và Trung đoàn 95B, đánh chiếm mục tiêu then chốt của địch; đến 10 giờ 30 phút ngày 11.3, ta hoàn toàn làm chủ trận địa, tiến hành truy quét tàn quân địch.
Kết quả, ta tiêu diệt, làm tan rã toàn bộ lực lượng địch ở Buôn Ma Thuột, bắt Đại tá Sư đoàn phó Sư đoàn 23, Đại tá chỉ huy tiểu khu Đắc Lắc, thu nhiều vũ khí, phương tiện quân sự. Trận then chốt thứ nhất chiến dịch thắng lợi, giải phóng hoàn toàn Buôn Ma Thuột, cùng với việc đánh chiếm các quận lị Thuần Mẫn, Đức Lập là đòn điểm huyệt bất ngờ, làm đảo lộn thế phòng ngự của địch ở Tây Nguyên, buộc chúng phải rút bỏ Kon Tum và Pleiku, dẫn đến hàng loạt sai lầm khác, tạo điều kiện cho ta phát triển tiến công, giải phóng toàn bộ Tây Nguyên và các tỉnh Nam Trung Bộ.
Trận Buôn Ma Thuật là trận đột phá mang ý nghĩa chiến dịch, chiến lược. Trận đánh đã làm thay đổi cục diện chiến dịch, là động lực thúc đẩy tiến trình chiến dịch phát triển, góp phần quan trọng giải phóng toàn bộ Tây Nguyên, mở ra thời cơ lớn cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày 11.3, Bộ Chính trị nhận định: “Thắng lợi ở Buôn Ma Thuột- Đức Lập, trên đường 19 và các hướng khác chứng tỏ ta có khả năng giành thắng lợi to lớn với nhịp độ nhanh hơn dự kiến”. (1.303 chữ)
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Sư đoàn 316, tập 2, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1986.
- Bộ Quốc phòng, Cuộc kháng chiến chống Mỹ, Hà Nội, 1988.
- Bộ Quốc phòng, Chiến dịch tiến công Tây Nguyên Xuân 1975, Bộ quốc phòng, Hà Nội, 1991.
- Quân đoàn 2- Những trận đánh trong chiến tranh giải phóng, tập 4, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội,1995.
- Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Từ điển Lịch sử quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2011.
- Bộ Quốc phòng, Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam, Tập 1 Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2014.