Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Trận A Bia

Trận A Bia (Đồi thịt băm, 10-17.5.1969), là trận vận động tiến công kết hợp chốt của Trung đoàn bộ binh 3, Sư đoàn 324, phối hợp với Trung đoàn 6 và lực lượng du kích Thừa Thiên chặn đánh cuộc hành quân càn quét của quân Mỹ và quân đội Sài Gòn tại khu vực A Bia, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên (nay là tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Diễn biến[sửa]

Đầu tháng 5.1969, Mỹ và quân đội Sài Gòn tập trung 13 tiểu đoàn (có 8 tiểu đoàn Mỹ) được máy bay, pháo binh yểm trợ, mở cuộc hành quân “Tuyết trên núi Apat (Apache Snow)” tại vùng rừng núi A Sầu (A So) - A Lưới nhằm đánh bật các đơn vị Quân giải phóng qua bên kia biên giới Việt - Lào, ngăn chặn tuyến vận chuyển chi viện của ta từ Đường 14 vào nam Thừa Thiên.

Nắm chắc âm mưu, các thủ đoạn tác chiến của địch, từ đầu tháng 3.1969, Bộ Tư lệnh Quân khu Trị - Thiên điều Trung đoàn bộ binh 3, Sư đoàn 324 về khu vực A Lưới sẵn sàng đánh địch. Trung đoàn bộ binh 3 xây dựng cụm chốt trên điểm cao A Bia để thu hút quân Mỹ, tạo điều kiện cho các phân đội bố trí ở các khu vực lân cận cơ động đến tiêu diệt quân địch ngoài công sự. A Bia - điểm cao nằm trong dãy các điểm cao (Ấp Bia 937), 903, 916, A Lộc, A Hứa, A Phia bao bọc thung lũng A Sầu thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế, tây nam thành phố Huế 50 km, gần biên giới Việt - Lào. A Bia gồm 3 mỏm đồi thế chân kiềng, mỗi mỏm cách nhau khoảng 400 m. Tiểu đoàn 8 được tăng cường đại đội cối 82 mm xây dựng cụm chốt ở Ấp Bia (điểm cao 937); Tiểu đoàn 7 bố trí tại khu vực điểm cao 916 và 903 sẵn sàng cơ động đánh địch; Đại đội 16 cơ động đánh địch dọc đường 14 đoạn A So - A Lưới; Tiểu đoàn 9 là lực lượng dự bị, có sự phối thuộc của Trung đoàn 6 và lực lượng du kích Thừa Thiên.

Trong 2 ngày 10,11.5, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 3, Sư đoàn 101 quân dù Mỹ tổ chức càn quét các khu vực xung quanh núi A Bia. Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 3 Quân giải phóng tổ chức đánh địch ở khu vực yên ngựa phía bắc A Bia, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, buộc chúng phải quay trở lại vị trí trú quân. Ngày 12.5, không quân địch (có máy bay B-52) đánh phá huỷ diệt A Bia và các khu vực lân cận. Tiếp đó, trưa 13.5, Tiểu đoàn 1 quân Mỹ tiến công liên tục lên A Bia. 2 ngày 13,14 tháng 5, Trung đoàn bộ binh 3 vừa dựa vào các chốt phòng ngự ngăn chặn, đẩy lui quân địch, vừa chớp thời cơ quân địch co cụm, nhanh chóng cơ động đánh vào bên sườn phía sau, làm thiệt hại nặng 2 đại đội địch. Từ 15.5, Mỹ tiếp tục đổ thêm 1 đại đội xuống điểm cao 916 và 900; đồng thời, đưa 2 tiểu đoàn khác đánh về hướng điểm cao 903, phối hợp với Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 506 quân đội Sài Gòn lấn sang A Bia, chiếm được một số chốt. Tiểu đoàn 8 Quân giải phóng bị cắt rời khỏi đội hình trung đoàn, nhưng dựa chắc vào trận địa phòng ngự, kiên cường đánh bật các đợt tiến công của địch.

Quân ta kiên quyết trụ bám trận địa, đồng thời tổ chức đánh vào bên sườn đội hình tiến công của địch. Tiểu đoàn 8 được lệnh giữ vững Ấp Bia nhằm thu hút địch, tạo điều kiện cho Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 9 lật cánh sang phía nam A Bia, vận động tiến công vào bên sườn quân địch.

Ngày 16.5, Tiểu đoàn 8 đánh bại các đợt tiến công của địch lên khu vực điểm cao Ấp Bia (937), buộc chúng phải dừng lại, co cụm ở các khu vực yên ngựa. Chớp thời cơ, Trung đoàn Bộ binh 3 tập trung hoả lực tập kích vào 1 đại đội quân Mỹ ở khu vực Động Chuối. Sáng ngày 17.5, Đại đội 2, Tiểu đoàn 7 cắt rừng bất ngờ tiến công đánh bật 1 đại đội quân Mỹ ra khỏi khu vực Điểm cao 916. Quân địch bị dồn xuống chân Điểm cao 916 và bị lực lượng chốt thuộc Đại đội 5 diệt thêm một số; sau đó, địch dùng máy bay trực thăng đến ứng cứu, bị hoả lực của Đại đội 2 bắn rơi 2 chiếc. 14 giờ ngày 17.5, quân ta làm chủ khu vực điểm cao 916, khai thông đường tiếp tế từ Trung đoàn Bộ binh 3 sang Tiểu đoàn 8. 15 giờ, ngày 17.5, được hoả lực pháo binh chi viện, Lữ đoàn Dù 3 Mỹ và Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 506 quân đội Sài Gòn chia làm 4 mũi mở đợt tiến công mới, ồ ạt lên A Bia. Tiểu đoàn 8, Đại đội 2, Tiểu đoàn 7… Quân giải phóng kiên cường giáng trả các cuộc tiến công mới của địch, giữ vững trận địa, đánh bật chúng xuống chân điểm cao A Bia, buộc địch phải rút quân về Phú Bài, kết thúc cuộc hành quân.

Kết quả[sửa]

Kết quả, ta loại khỏi chiến đấu 1.300 tên địch (riêng Ấp Bia diệt gần 300 tên), phá huỷ nhiều phương tiện chiến tranh của chúng; góp phần bảo vệ vững chắc hành lang chiến lược của ta, hỗ trợ đắc lực cho phong trào đánh phá bình định ở đồng bằng Thừa Thiên; thúc đẩy phong trào đấu tranh của nhân dân Mỹ phản đối chính quyền Mỹ kéo dài chiến tranh ở Việt Nam. TAB là trận vận động tiến công kết hợp chốt điển hình, đạt hiệu suất chiến đấu cao; để lại nhiều bài học và kinh nghiệm quý trong quá trình chiến đấu cụm chốt trên các điểm cao của Quân giải phóng; làm binh lính địch thêm kinh hoàng, gây chấn động dư luận nước Mỹ và Ấp Bia được báo chí Mỹ mệnh danh là “đồi thịt băm” (A. Humburger Hill). (1.082 chữ)

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. James S.Oison: Dictionnary of the Vietnam War, Nxb Greenwood, 1988, page 186-187.
  2. Lịch sử Sư đoàn 304, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1992, tr.76-87.
  3. Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, tập 2, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994.
  4. Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 108-111
  5. “Đồi thịt băm”, Tạp chí Xưa nay, số 218, tháng 8 năm 2004.
  6. Bộ Quốc phòng, Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự: Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
  7. Bộ Quốc phòng: Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam, quyển 1: Lịch sử quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015, tr.911-912.