Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Trận đánh Đại sứ quán Mỹ

Trận đánh Đại sứ quán Mỹ (31.1.1968), là trận tập kích của Đội Biệt động 11 (Đoàn F100, lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định) vào Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn trong Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Đại sứ quán Mỹ được xây dựng lại kiên cố tại ngã tư đường Thống Nhất - Mạc Đĩnh Chi cao 7 tầng, dài 59 m, rộng 48 m, cao 30 m, cấu trúc dạng hình hộp, trên nóc có sân để máy bay trực thăng, phía trước và sau có các khoảng sân trống. Tòa nhà được bảo vệ bởi tường bê tông cao 2,5 m, có hai cổng ra và vào mở về phía đường Thống Nhất, Mạc Đĩnh Chi. Lực lượng bảo vệ có 1 trung đội lính thuỷ đánh bộ Mỹ bảo vệ bên trong, 1 tiểu đội cảnh sát Sài Gòn tuần tra, canh gác bên ngoài, nếu bị tấn công được sự ứng cứu tức thời từ các lực lượng xung quanh.

Phân khu 6 biệt động nội đô Sài Gòn - Gia Định được giao tổ chức lực lượng tập kích Đại sứ quán Mỹ vào thời điểm tổng tiến công trên toàn Miền. Ngày 28.1.1968, Phân khu 6 rút cán bộ, chiến sĩ từ các đơn vị trinh sát, bảo đảm nội thành và cơ quan về thành lập Đội Biệt động 11 gồm 17 người, do Ngô Thành Vân (Ba Đen) làm Đội trưởng, Nguyễn Thanh Tuyền làm Chính trị viên. Ngày 30.1, Đội di chuyển từ vùng căn cứ bắc Củ Chi về cơ sở cách mạng (nhà chị Hai Phê) số 59, đường Phan Thanh Giản. Tại đây, Đội hoàn tất công tác chuẩn bị và chốt phương án chiến đấu: được trang bị 2 súng B-40, 9 súng AK, 3 súng ngắn, 30 lựu đạn, thủ pháo và bộc phá, chiếm giữ Đại sứ quán Mỹ, trụ bám chờ lực lượng Tiểu đoàn 4 Thủ Đức và lực lượng sinh viên xung kích đến chi viện.

Khoảng 2 giờ ngày 31.1, Đội Biệt động 11 chia thành hai bộ phận di chuyển trên 2 xe ô tô vận tải đến khu vực cổng chính trên đường Mạc Đĩnh Chi, sau đó chia làm 3 tổ đánh từ tầng 1 lên tầng ba. Tổ thứ nhất do Ngô Thành Vân dẫn đầu nhanh chóng diệt lính gác, kiềm chế địch trong lô cốt góc ngã tư đường và dùng bộc phá đánh thủng một mảng tường cách cổng chính 15 m, luồn qua đánh thẳng vào toà nhà. Tổ thứ hai do Đội phó Út Nhỏ chỉ huy nhanh chóng vượt mảng tường vỡ đánh sang phía cổng phụ. Bị tập kích bất ngờ, quân Mỹ chạy dồn vào toà nhà. Đội phát triển chiếm được tầng một, khống chế hai cổng, tiếp tục đánh lên các tầng trên và một bộ phận đánh sang nhà nhân viên sứ quán ở phía sau. Sau 15 phút chiến đấu, quân ta chiếm đến tầng 3, bắt 2 tù binh, thu được một số súng, lựu đạn; chặn đánh quyết liệt nhiều toán quân cảnh Mỹ đến ứng cứu.

2 giờ 30 phút, Mỹ điều quân đến chi viện, đến 3 giờ, quân Mỹ lợi dụng các toà nhà xung quanh bắn chế áp các tổ giữ cổng, buộc quân ta phải rút lui vào trong cố thủ, chờ lực lượng bên ngoài. 8 giờ ngày 31.1, quân Mỹ đổ bộ trực thăng xuống tầng thượng, dùng chất độc CS từ trên đánh xuống, kết hợp với lực lượng bộ binh và xe thiết giáp vây kín Đại sứ quán. Cuộc chiến đấu không cân sức giữa Đội Biệt động 11 và quân Mỹ kéo dài đến 9 giờ. Các chiến sĩ kiên cường chiến đấu, hi sinh 16, bị bắt 1 người. Kết quả, quân ta chiếm và làm chủ một phần toà đại sứ, diệt và làm bị thương hơn 100 lính Mỹ, phá huỷ nhiều phương tiện kĩ thuật; làm choáng váng giới cầm quyền và chỉ huy quân sự Mỹ, đánh mạnh vào tâm lý của lính Mỹ, tạo áp lực dư luận nước Mỹ và toàn thế giới với chính phủ Mỹ về cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam. Trận đánh quy mô nhỏ nhưng đã góp phần tạo nên thắng lợi chính trị tinh thần to lớn của quân và dân miền Nam trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Về mặt quân sự, trận đánh cho thấy ý thức chấp hành mệnh lệnh và ý chí quyết tâm thực hiện nhiệm vụ của người chiến sĩ biệt động; để lại nhiều kinh nghiệm về cách đánh hóa trang tập kích bất ngờ của lực lượng đặc công biệt động.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Miền Đông Nam Bộ kháng chiến, tập 2, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1993, tr.328-329.
  2. Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1994, tr.485-486.
  3. Đảng ủy, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Hồ Chí Minh: Lịch sử lực lượng võ trang thành phố Hồ Chí Minh (1945 - 1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1998.
  4. Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999.
  5. Bộ Tư lệnh Quân khu 7: Những trận đánh Quân khu 7, tập 2, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002, tr. 428-433.
  6. Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 7: Lịch sử Bộ Chỉ huy Miền (1961-1976), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004.
  7. Bộ Quốc phòng, Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự: Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
  8. Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2008, tr. 272-277.