Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Trận Đồi A1

Trận Đồi A1 (30.3-7.5.1954), là trận tiến công kết hợp vây lấn của Trung đoàn bộ binh 174 (Đại đoàn 316), Trung đoàn bộ binh 102 (Đại đoàn 308) và lực lượng tăng cường đánh Đồi A1 (nay thuộc thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên), trong đợt 2 và 3 Chiến dịch Điện Biên Phủ (13.3-7.5.1954).

Đồi A1 là một trong những cứ điểm chiến lược của quân Pháp được xây dựng kiên cố trong hệ thống phòng ngự phía đông tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; do Tiểu đoàn 1 (thiếu) Trung đoàn 4 Marôc (4èRTM), 1 đại đội Tiểu đoàn dù 1 lê dương (1erBEP) chiếm giữ.

Thực hiện kế hoạch của Bộ Tổng chỉ huy, từ 18 giờ 30 phút ngày 30.3, Trung đoàn 174 được phối thuộc 1 đại đội cối 120 mm, 1 đại đội sơn pháo 75 mm, được 1 đại đội lựu pháo 105 mm chi viện tiến công Đồi A1. Sau hơn nửa giờ mở cửa mở, các tiểu đoàn 249, 251 đánh chiếm được một phần khu A. Địch dùng pháo, cối 120 mm từ Mường Thanh, Hồng Cúm bắn trùm lên cứ điểm và mở nhiều đợt phản kích giành lại các vị trí đã mất. Bộ đội bám giữ trận địa, giành giật với địch từng đoạn chiến hào, ụ súng. 24 giờ, Tiểu đoàn 255 tổ chức hai đợt xung phong không đạt kết quả. 4 giờ ngày 31.3, địch cho xe tăng cùng bộ binh phản kích chiếm lại phần lớn trận địa, ta phải lui về giữ cửa mở.

Bộ chỉ huy chiến dịch nhận thấy, Trung đoàn 174 đã sử dụng lực lượng dự bị, nhưng không dứt điểm được mục tiêu), nên quyết định đưa Trung đoàn 102 dự bị chiến dịch, do Đại đoàn trưởng 308 Vương Thừa Vũ trực tiếp chỉ huy vào tiến công A1. 17 giờ ngày 31.3, trận tiến công thứ hai vào Đồi A1 bắt đầu. Sau khi pháo bắn chế áp, các mũi bộ binh theo cửa mở của Trung đoàn 174 đêm trước xung phong lên đồi, sau 15 phút hoàn toàn làm chủ tầng phòng ngự phía dưới, diệt và bắt sống một số địch. Địch co lên tầng trên, dựa vào thế cao và hầm ngầm tổ chức chống cự quyết liệt, gọi pháo bắn trùm lên cứ điểm ngăn chặn, sát thương ta.

2 giờ ngày 1.4, địch cho 2 đại đội thuộc Bán lữ đoàn 13 Lê dương (13DBLE) ra phản kích; từ 5 giờ đến 9 giờ, liên tiếp điều bộ binh và xe tăng đến tăng viện nhằm phối hợp với lực lượng cố thủ đánh bật ta khỏi cứ điểm. Cuộc chiến đấu quyết liệt nhất diễn ra lúc 15 giờ, địch phản kích dữ dội, ta chỉ còn 17 chiến sĩ kiên cường bám trụ, chiến đấu đến cùng. Trung đoàn 102 phải tổ chức đội dự bị gồm cả một số cán bộ, chiến sĩ cơ quan trung đoàn bộ lên tiếp ứng; Trung đoàn trưởng Nguyễn Hùng Sinh vào cứ điểm trực tiếp chỉ huy chiến đấu.

Đêm 1 rạng sáng 2.4, trung đoàn đưa Tiểu đoàn 79 tiến công khu vực hầm ngầm, nhưng tìm cửa hầm không thấy. Đêm 2.4, trung đoàn lại mở đợt tiến công mới vẫn không thành công, buộc phải lui về tuyến phòng ngự. 4 giờ 30 phút ngày 3.4, Trung đoàn 102 được lệnh bàn giao trận địa cho Trung đoàn 174, lui về Mường Phăng củng cố. Trước tình hình trên, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định đào đường ngầm từ trận địa ta tới đáy hầm ngầm của địch trong lòng đồi A1, đưa khối lượng lớn thuốc nổ phá hầm ngầm. Tổ đào hầm gồm 20 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Công binh 151 do Lưu Viết Thoảng chỉ huy cùng công binh Đại đoàn 316 thực hiện kế hoạch và sau 16 ngày đêm, đã hoàn thành đường hầm dài 49 m, đặt ở cuối đường hầm gần 1 tấn thuốc nổ.

20 giờ 30 phút ngày 6.5, trận tiến công đồi A1 của Trung đoàn 174 tiếp tục, quả bộc phá nổ rung chuyển A1, đánh sập các ụ súng phòng ngự vòng ngoài, lô cốt phụ và nửa lô cốt chính, vô hiệu hóa hầm ngầm; từ ba hướng, Trung đoàn 174 tiến công vào các vị trí còn lại của địch, 4 giờ 30 phút ngày 7.5 chiếm toàn bộ cứ điểm A1.

Trận Đồi A1 diễn ra gay go, ác liệt suốt 38 ngày đêm, hơn 1000 cán bộ, chiến sĩ 2 trung đoàn 174 và 102 đã chiến đấu dũng cảm, hy sinh và bị thương để giành thắng lợi quyết định, góp phần cho chiến dịch chuyển nhanh sang tổng công kích giành toàn thắng. (809 chữ)

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bộ Tổng Tham mưu, Ban Tổng kết biên soạn lịch sử, Lịch sử Bộ Tổng tham mưu trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954), Nhà in Bộ Tổng tham mưu, 1991.
  2. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), tập 2, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994.
  3. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam , Lịch sử nghệ thuật chiến dịch Việt Nam trong 30 năm chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ (1945-1975), tập 1, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994.
  4. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995.
  5. Lịch sử Sư đoàn 316, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995.
  6. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Tóm tắt các chiến dịch trong Kháng chiến chống pháp, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000.