Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Trận Đông Khê

Trận Đông Khê (16-18.9.1950), trận then chốt mở màn Chiến dịch Biên giới (16.9-14.10.1950 của bộ đội chủ lực quân đội nhân dân Việt Nam do Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái trực tiếp chỉ huy, tiêu diệt cụm cứ điểm Đông Khê, cô lập quân Pháp ở Cao Bằng, tạo điều kiện đánh viện binh địch trên Đường 4.

Đông Khê là cụm cứ điểm quan trọng trên tuyến phòng thủ Đường 4 của Pháp, cách Thất Khê 25 km về phía nam, cách thị xã Cao Bằng 45 km về phía bắc (nay thuộc thị trấn Đông Khê, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng). Tại đây có 2 cứ điểm lớn, vững chắc nhất là đồn to, xung quanh là đồi, núi đá tạo nên một vành đai gồm 7 cứ điểm ngoại vi. Lực lượng địch gồm 2 đại đội thuộc Trung đoàn bộ binh Lê dương 3 (3ēREI), 1 trung đội ngụy, 2 pháo 105 mm và 57 mm, do Đại uý Aliuc (Allioux) chỉ huy. Lực lượng ta tham gia trận đánh gồm Trung đoàn 174, tăng cường 2 tiểu đoàn bộ binh (426, 11), Tiểu đoàn pháo binh 253; Trung đoàn 209; Trung đoàn 36 làm lực lượng dự bị; Tiểu đoàn pháo binh 40. Trận đánh diễn ra 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1, tiêu diệt các cứ điểm ngoại vi; 6 giờ ngày 16.9, chỉ huy trưởng mặt trận hạ lệnh nổ súng, pháo các cỡ của ta bắn dồn dập vào các đồn. Hướng chủ yếu, Trung đoàn 174 mở cửa tiến công các vị trí tiền tiêu, 9 giờ chiếm đồn Yên Ngựa, 10 giờ 30 phút chiếm đồn Thìa Khoá. Hướng thứ yếu, 18 giờ,Trung đoàn 209 mới nổ súng; 21 giờ, Tiểu đoàn 166 diệt đồn Pò Đình, đánh chiếm Phủ Thiện, nhà thông tin, phố cũ, trường học, tiến công Pò Hầu nhưng bị địch ngăn chặn, phải lui về Pò Đình. Địch mất một số cứ điểm ngoại vi phải lui về trung tâm, dùng pháo, máy bay đánh chặn, bị hoả lực phòng không ta bắn rơi 1 chiếc. Cuộc chiến đấu trên cả hai hướng kéo dài suốt đêm 16 rạng sáng ngày 17.9, ta chiếm được 5 đồn tiền tiêu, nhưng không phát triển được; trong khi địch tập trung hoả lực và xung lực phản kích chiếm lại 3 đồn, gây cho ta nhiều khó khăn. Trong ngày 17, ta quyết giữ Cạm Phầy, Pò Hầu, chuẩn bị cho đợt tiến công dứt điểm đêm 17.9.

Giai đoạn 2, đánh địch trong tung thâm; sau khi các trung đoàn củng cố lực lượng và rút kinh nghiệm, 17 giờ ngày 17.9, chỉ huy trưởng mặt trận để Trung đoàn 174 đột phá từ hướng đông bắc. 18 giờ, ta nổ súng, Tiểu đoàn 249 đánh chiếm Nhà thương, phát triển vào phố cũ, Tiểu đoàn 255 tiến công đồn trung tâm. Hướng thứ yếu, Tiểu đoàn 166, Đại đội 130 tiến công nhà Ký Sầu, Phủ Thiện. 0 giờ ngày 18.9, ta chiếm khu phía tây cứ điểm, địch cố thủ trong đồn trung tâm Đông Khê và 2 vị trí ngoại vi Khâu Áng và Nà Cúm; sáng ngày 18.9, chỉ huy mặt trận thay đổi hướng tiến công. Lúc 3 giờ, pháo binh ta bắt đầu bắn vào các mục tiêu địch; Tiểu đoàn 251 chiếm đầu cầu, Tiểu đoàn 249 chiếm đồn Nhà Thương, phát triển vào bên trong, cùng Trung đoàn 209 phối hợp chiến đấu. Trận chiến đấu ác liệt kéo dài suốt đêm, xuất hiện nhiều gương chiến đấu dũng cảm như Lý Văn Mưu, La Văn Cầu, Trần Cừ. Trước sức tiến công của ta, địch phải lui về khu nhà chỉ huy cố thủ; 4 giờ 30 phút, ta thọc sâu chiếm Sở chỉ huy, buộc số địch còn lại phải đầu hàng, bắt Đại uý Aliuc và ban tham mưu; 10 giờ, trận đánh kết thúc, ta làm chủ trận địa. Sau 54 giờ chiến đấu công kiên, ta chiếm được cứ điểm Đông Khê, đập vỡ mắt xích quan trọng trên tuyến phòng thủ Đường 4 của Pháp, loại khỏi chiến đấu 300 quân Âu - Phi, thu toàn bộ vũ khí.

Trận Đông Khê là trận tiến công địch trong công sự vững chắc lớn nhất với quy mô đại đoàn tới năm 1950; đánh dấu sự phát triển của quân đội, làm cơ sở cho sự hình thành chiến thuật sau này; trận đánh then chốt mở màn chiến dịch thắng lợi tạo điều kiện quyết định cho chiến dịch phát triển, buộc địch phải rút khỏi Cao Bằng, tạo cơ hội tiêu diệt viện binh địch trong giai đoạn tiếp sau.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Việt Bắc 30 năm chiến tranh cách mạng 1945-1975, tập 1, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990.
  2. Bộ Tổng tham mưu, Ban Tổng kết biên soạn lịch sử, Lịch sử Bộ Tổng tham mưu trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954), Nhà in Bộ Tổng tham mưu, 1991.
  3. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, tập 1, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994.
  4. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Tóm tắt các chiến dịch trong Kháng chiến chống pháp, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000.
  5. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Từ điển Lịch sử quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2011.
  6. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử chiến thuật Quân đội nhân dân Việt Nam (1944-1975), tập 1, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2003.