Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Trận Đông Bộ Đầu

Trận Đông Bộ Đầu (28-29.1.1258), trận phản công chiến lược của quân đội Nhà Trần (Đại Việt), do Vua Trần Thái Tông chỉ huy, đánh bại đạo quân xâm lược Mông Cổ do Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy, tại bến Đông Bộ Đầu (khu vực phố Hàng Than - Hòe Nhai, gần cầu Long Biên, Hà Nội ngày nay), kết thúc cuộc Kháng chiến chống Mông - Nguyên lần thứ Nhất (1258).

Sau gần một tháng tiến hành chiến tranh xâm lược Đại Việt, mặc dù chiếm được thành Thăng Long, nhưng là thành bị bỏ trống, quân Mông Cổ gặp rất nhiều khó khăn do binh lực bị tiêu hao, lương thực thiếu thốn, hơn nữa lại không nắm được tình hình và ý định, hành động của đối phương. Tình hình đó buộc tướng địch là Ngột Lương Hợp Thai phải điều chỉnh lại thế trận, không đóng quân trong Thành Thăng Long mà hạ trại ở bến Đông Bộ Đầu, củng cố lực lượng, nắm tình hình để sau đó tiếp tục tiến công... Đông Bộ Đầu vốn là một bến thuỷ quân lớn của quân Nhà Trần ở ven sông Hồng, liền sát kinh thành Thăng Long, trên bến có doanh trại thuỷ binh đóng. Khi quân Mông Cổ tới Đông Bộ Đầu, thuỷ quân Nhà Trần rút lui để bảo toàn lực lượng, chỉ để lại doanh trại trống không; nhưng khi quân Mông Cổ vào Thăng Long, quân Nhà Trần đã tổ chức vây chặt, không để địch lọt ra ngoài, đồng thời ráo riết chuẩn bị phản công. Với lực lượng khoảng 3 vạn quân gồm kỵ binh Mông Cổ và kỵ binh người Lô Lô hay Thoán Bặc (một tộc người ở Vân Nam - Trung Quốc), Ngột Lương Hợp Thai cho dựng hàng ngàn lều trại lớn nhỏ bằng da thú ở bến Đông Bộ Đầu. Đại bản doanh của Ngột Lương Hợp Thai ở vị trí trung tâm, giữa những lều trại của đội quân thân binh, vòng ngoài là trại của binh lính; cạnh các lều trại đều có tàu ngựa, yên cương đóng sẵn, quân lính luôn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu. Phía ngoài của khu đóng quân, quân Mông Cổ bố trí 3 tuyến canh gác thường trực; trên các ngả đường đến đại bản doanh, đặt trạm cảnh giới. Ngoài ra, Ngột Lương Hợp Thai còn tổ chức những đội kỵ binh nhỏ ngày đêm lùng sục quanh thành Thăng Long để nắm tình hình hoạt động của chủ lực đối phương và cướp bóc lương thực…

Về phía ta, sau khi rút khỏi Thăng Long, đại quân Nhà Trần theo sông Hồng về đóng ở bãi sông Thiên Mạc (Hà Nam) cách nơi quân Mông Cổ đóng khoảng 30-35 km về phía nam. Được nhân dân che chở, giữ bí mật, quân nhà Trần tranh thủ thời gian, tập trung bổ sung lực lượng, chỉnh đốn đội ngũ, sẵn sàng chờ lệnh phản công. Nắm chắc tình hình quân Mông Cổ đang khủng hoảng vì thiếu lương thực, mệt mỏi, tinh thần đang rệu rã, vua Trần quyết định đem thủy binh từ Thiên Mạc ngược sông Hồng, phối hợp với lực lượng đang vây hãm Thăng Long chia làm 3 mũi đánh thẳng vào Đông Bộ Đầu. Tham gia trận đánh, bên cạnh Vua Trần Thái Tông và Thái tử Hoảng còn có nhiều vương hầu, tướng lĩnh chủ chốt như Trần Quốc Tuấn, Trần Thủ Độ, Lê Tần cùng bàn bạc, tìm kế đánh địch và có khoảng 4 vạn quân, bộ binh, thủy binh và kỵ binh tham gia, dưới quyền chỉ huy của Trần Quốc Tuấn.

Sau khi thống nhất kế hoạch tác chiến, Trần Quốc Tuấn lệnh cho 2 cánh quân thủy bộ, xuất phát tiến về phía kinh thành Thăng Long. Cánh quân bộ do Trần Khánh Dư chỉ huy chia làm 2 mũi, từ phía nam và phía tây chọc thẳng vào khu quân Mông Cổ đóng quân; cánh quân thuỷ do Vua Trần Thái Tông cùng các tướng lĩnh chỉ huy đoàn binh thuyền từ Thiên Mạc theo sông Hồng đổ bộ lên Đông Bộ Đầu, triển khai đội hình tập kích vào doanh trại quân địch ở phía đông.

Đêm 28.1.1258, đạo quân tiên phong của quân Trần tiến sát Thăng Long, tổ chức 2 mũi tiến công: mũi trái khoảng 5 nghìn kỵ binh tiến công vào phía tây khu đóng quân của địch; mũi phải khoảng 3 nghìn bộ binh tiến sát khu đóng quân Mông Cổ từ phía nam. Đến nửa đêm, các mũi tiến quân của quân Trần đã tiếp cận tuyến canh gác của quân Mông Cổ, nhưng chúng không hề hay biết. Mặc dù lúc này, lực lượng thủy binh của ta vẫn còn ở xa chưa triển khai kịp theo kế hoạch, nhưng chớp thời cơ có lợi, Trần Khánh Dư lập tức hạ lệnh đánh úp. Theo đúng kế hoạch, bộ binh và kỵ binh quân Trần thần tốc đánh vào khu lều trại quân Mông Cổ, kỵ binh ta nhanh chóng tiêu diệt kỵ binh địch, đồng thời từng nhóm bộ binh tổ chức bao vây tiêu diệt bộ binh địch ngay trong lều trại của chúng. Bị tập kích bất ngờ, hàng ngũ địch rối loạn, lúng túng, bị động đối phó (người không kịp mặc giáp, ngựa không kịp đóng yên) chống lại một cách yếu ớt trong thế hoảng loạn. Tuy số lượng quân ít hơn địch (thuỷ quân ta gần sáng mới tới), nhưng do nắm quyền chủ động, tinh thần chiến đấu cao, cách đánh tài tình, chọn đúng thời cơ không cho quân Mông Cổ phát huy sở trường, quân Trần đã chiếm hoàn toàn ưu thế trên chiến trường. Trận đánh diễn ra đến rạng sáng 29.1, quân Mông Cổ tuy cố gắng chống đỡ nhưng bị thiệt hại nặng. Ngược lại, sức mạnh của quân Trần lại được tăng cường do có thêm lực lượng thuỷ quân kịp thời tiếp sức.Tuy nhiên, lợi dụng lúc quân Trần đang triển khai lại đội hình, Ngột Lương Hợp Thai ra lệnh cho các tướng mở đường máu, rút chạy khỏi Thăng Long về hướng Bạch Hạc. Trận đánh kết thúc thắng lợi, khoảng 2 vạn quân Mông Cổ bị tiêu diệt. Đây là trận quyết chiến chiến lược có ý nghĩa quyết định kết thúc cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên lần thứ Nhất (1258)

Trong Trận Đông Bộ Đầu, quân Trần đã chọn thời cơ tập kích chính xác, kiên quyết, đánh đúng mục tiêu, vận dụng phương pháp phản công sáng tạo, tận dụng được yếu tố bí mật, bất ngờ, hạn chế được sở trường của kỵ binh địch. Những kinh nghiệm quý báu được rút ra từ trận đánh lịch sử này, là nền móng và cơ sở hình thành tư tưởng chiến lược “lấy đoản binh phá trường trận” mà triều đình Nhà Trần áp dụng thành công trong các cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên lần thứ Hai và lần thứ Ba. (1.189 chữ)

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Lịch sử Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971.
  2. Hà Văn Tấn, Nguyễn Thị Tâm, Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông thế kỉ XIII, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1972.
  3. Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Nxb Giáo dục, HN, 1998.
  4. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, 20 trận đánh trong lịch sử dân tộc, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002.
  5. Đại cương lịch sử Việt Nam, toàn tập, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2003.
  6. Viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử quân sự Việt Nam, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003.
  7. Bộ Quốc phòng, Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam, tập 1, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2014.