Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Trần Nam Trung
Tập tin:Thượng tướng Trần Nam Trung (2012-2009).png
Thượng tướng Trần Nam Trung (2012-2009)

Trần Nam Trung (1912-2009), là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1969-1975).

Trần Nam Trung tên khai sinh là Trần Khuy, tên gọi khác Trần Lương; sinh ngày 6.1.1912 trong một gia đình nông dân, tại làng Thi Phổ, xã Đức Trung (nay là xã Đức Thạnh), huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Trần Khuy tham gia cách mạng từ năm 1927; năm 1930 hoạt động trong nhóm Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (một trong ba tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam); năm 1930 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 4. 1931 bị địch bắt, kết án một năm tù giam; năm 1932 ra tù, tham gia xây dựng cơ sở, được cử làm bí thư chi bộ, bí thư huyện ủy; sau đó bị bắt lại kết án 7 năm tù giam. Sau khi ra tù, Trần Khuy được cử làm Tỉnh ủy viên rồi Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, năm 1939 bị địch bắt, giam tại nhà đày Buôn Mê Thuột. Năm 1944 ra tù, Trần Khuy trở về Quảng Ngãi lấy tên là Trần Lương tham gia thành lập Ủy ban Vận động cứu quốc tỉnh Quảng Ngãi. Sau khi Nhật đảo chính Pháp (9.3.1945), nhạy bén với tình hình, ngày 11.3.1945, Trần Lương cùng Trương Quang Giao, Nguyễn Chánh, Trần Quý Hai, Nguyễn Đôn, Phạm Kiệt... phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền và thành lập Đội du kích Ba Tơ, sau đó phát triển lực lượng, xây dựng chiến khu, mở rộng địa bàn hoạt động xuống đồng bằng, bắt liên lạc với các tỉnh lân cận, tạo cơ sở cho khởi nghĩa ở Quảng Ngãi và các tỉnh Nam Trung Bộ giành thắng lợi trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

Sau khi lãnh đạo khởi nghĩa Ba Tơ thành công, Trần Lương được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi và Bình Định. Từ tháng 8.1945 đến tháng 3.1952, Ủy viên Khu ủy Trung Bộ phụ trách Quân sự; Chính ủy Khu 5, Chính ủy Mặt trận Buôn Hồ - An Khê; Thường vụ Liên Khu ủy 5; Ủy viên Liên Khu ủy Khu 5. Tháng 4.1952, được điều ra Bắc giữ chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), được phân công phụ trách chính trị, hậu cần, Trần Lương trực tiếp về các địa phương vận động nhân dân đóng góp, vận tải lương thực, thực phẩm, quân trang, quân dụng cung cấp cho chiến trường.

Từ năm 1955, sau khi phế truất Bảo Đại, với sự cố vấn của Mỹ, chính quyền Ngô Đình Diệm tiến hành chiến dịch “tố Cộng, diệt Cộng” khắp miền Nam, hàng vạn chiến sĩ cách mạng bị bắt, giết hại, tra tấn, tù đày. Riêng Nam Trung Bộ, cách mạng tổn thất với hơn 40% tỉnh ủy viên và 60% huyện ủy viên đương chức bị bắt và hi sinh. Trên cương vị Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trần Lương được điều vào làm Bí thư Khu ủy Khu 5. Dưới sự lãnh đạo của Trần Lương và Liên khu ủy Liên khu 5, phong trào cách mạng từng bước phục hồi, các lực lượng yêu nước được tập hợp, lực lượng vũ trang, phong trào du kích, phong trào đấu tranh chính trị phát triển, đưa Nam Trung Bộ vượt qua thời kỳ khó khăn. Năm 1959, Trần Lương được điều vào miền Đông Nam Bộ, tham gia tổ chức lại xứ ủy Nam Bộ thành Trung ương Cục miền Nam, sau đó ra Bắc báo cáo tình hình.

Tháng 5.1961, Trần Lương lấy bí danh là Trần Nam Trung tự Hai Hậu trở lại chiến trường Nam Bộ. Tháng 10.1961 được bầu làm Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam, giữ chức Chính ủy các lực lượng vũ trang Giải phóng miền Nam Việt Nam. Năm 1964 làm Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, phụ trách công tác dân vận, binh vận và mặt trận của Trung ương Cục. Tháng 6.1969 được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Tháng 9.1973, Trần Nam Trung thay mặt chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam tổ chức đón Chủ tịch nước Cuba Fidel Castro từ Hà Nội vào thăm vùng mới giải phóng tỉnh Quảng Trị an toàn, tạo được tiếng vang lớn trên thế giới.

Năm 1976, được phân công làm Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Chính phủ (nay là Thanh tra Chính phủ) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trần Nam Trung đã có nhiều đóng góp trong củng cố nâng cao hiệu lực, hiệu quả chính quyền các cấp, tạo động lực mới trong phát triển kinh tế, xây dựng đất nước. Trần Nam Trung là Ủy viên Ban Chấp hành Trung Đảng khoá III, IV, (dự khuyết 1955-1960); Đại biểu Quốc hội khoá VI, VII; được phong hàm Trung tướng (1961), Thượng tướng (1974). Năm 1982 nghỉ hưu; từ trần ngày 10.5.2009 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Là nhà lãnh đạo, nhà tổ chức và chỉ huy quân sự tài năng, Trần Nam Trung đã có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, góp phần cùng nhân dân miền Nam và cả nước hoàn thành thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác. Tên Trần Nam Trung được đặt cho đường phố ở nhiều địa phương của Việt Nam.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Phỏng vấn tướng lĩnh Việt Nam, Nxb Trẻ, Hà Nội, 1999.
  2. Bộ Quốc phòng, Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam; Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
  3. Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổng cục Chính trị, Lịch sử Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, tập 1 (1944-1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 2004.
  4. Báo quân đội nhân dân ngày 13.5.2009: Tiểu sử đồng chí Trần Nam Trung.
  5. Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tập III, Đánh thắng chiến tranh đặc biệt, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2013.
  6. 130 danh tướng, tướng lĩnh Việt Nam trong lịch sử dân tộc và trong thời đại Hồ Chí Minh, tập 1, Nxb Lao Động, Hà Nội, 2011.
  7. Bộ Quốc phòng, Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam, quyển 1- Lịch sử quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015.
  8. Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Từ điển Quân khu 7, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2016.