Mục từ này cần được bình duyệt
Trường phái văn học

(Tiếng Anh: school; tiếng Pháp: école)

thuật ngữ dùng để chỉ những người nghệ sỹ cùng theo đuổi một nguyên tắc sáng tạo, cùng khai thác những chất liệu thẩm mỹ và cùng sử dụng những biện pháp kỹ thuật giống nhau.

Trong trào lưu văn học thường có một tổ chức trung tâm giữ vai trò đề ra cương lĩnh nghệ thuật với những yêu cầu về mặt lý thuyết hay tổng kết những kinh nghiệm trong quá trình sáng tác. Tổ chức trung tâm này thường được hình thành xung quanh một tạp chí, một nhà xuất bản, một salon văn học… Khi đã có một tổ chức nòng cốt phát huy được sức mạnh chủ đạo của nó, thì trào lưu văn học có thể được gọi là trường phái văn học. Cũng có thể một trào lưu văn học bao gồm nhiều trường phái khác nhau.

Giữa trường phái với trào lưu và khuynh hướng còn khác nhau ở chỗ trong khái niệm trường phái thường có ý tưởng về vai trò của một bậc thầy, người gợi ra và truyền niềm cảm hứng sáng tạo cho các môn đệ, người tiêu biểu cho một nguyên tắc và một truyền thống trong sáng tạo.

Cũng có khi trường phái hình thành trên cơ sở một nền giáo dục nhất định, được đặc trưng bởi một phương pháp đào tạo tài năng nghệ thuật, ở đó những bậc thầy không chỉ đưa ra tác phẩm như mẫu mực của sáng tạo, mà còn gây ảnh hưởng đến các môn đệ thông qua những nhận xét, đánh giá và lời khuyên của mình. Tiêu biểu nhất là vai trò của Leconte de Lisle đối với trường phái Parnasse (Thi sơn) ở Pháp, Nhất Linh và Khái Hưng đối với Tự lực văn đoàn ở Việt Nam.

Một số trường phái được định danh về mặt địa lý do tính chất tương cận về nguồn gốc và phong cách hay sự tôn trọng đối với một lý tưởng, một truyền thống có tính chất địa phương. Đặc điểm này nhận thấy không chỉ nơi những trường phái sáng tác mà cả những trường phái lý luận – phê bình. Chẳng hạn trường phái Konstanz về mỹ học tiếp nhận ở Đức; trường phái Praha về ngôn ngữ học ở Tiệp Khắc.

Ngoài ra, không hiếm những trường phái được người đương thời hay người đời sau định danh bằng những nguyên tắc tư tưởng hay học thuật đã liên kết những thành viên với nhau: trường phái Hình thức Nga, trường phái “nghệ thuật vị nghệ thuật”… Thậm chí, có trường phái được định danh bởi tên của chính nhà văn bậc thầy: trường phái Zola, trường phái Pushkin, trường phái Gogol…

Mỗi trường phái văn học thường có những phát kiến và ưu thế, bên cạnh những hạn chế và cực đoan. Nhưng một nền văn học và nghệ thuật phát triển và trưởng thành trong đa dạng bao giờ cũng chấp nhận, tạo điều kiện và tôn trọng những sáng tạo đích thực của từng trường phái.

Trong văn học Việt Nam cổ điển, một số nhóm văn học có thành tựu sáng tác và có tham vọng trở thành trường phái, thậm chí thành trào lưu, nhưng không tồn tại lâu và cũng không gây ảnh hưởng rộng rãi. Có thể nêu dẫn chứng từ trường hợp Hội Tao Đàn do Lê Thánh Tông (1442-1497) sáng lập vào thế kỷ XV, hoạt động được ba năm, tập hợp 28 văn thần (nhị thập bát tú), trong đó có những thi gia như Nguyễn Trực, Nguyễn Bảo, Thái Thuận, Vương Sư Bá, Đàm Văn Lễ… Sáng tác của họ thể hiện tính chất quan phương được tập hợp trong Hồng Đức quốc âm thi tập, gồm 328 bài thơ với các đề tài: ngợi ca triều đại phong kiến, xiển dương đạo đức Nho giáo, đề cao lòng yêu nước và tinh thần dân tộc.

Một trường hợp khác là Tao đàn Chiêu Anh Các do Mạc Thiên Tứ (1718-1780) làm Tao đàn nguyên soái, hoạt động ở Hà Tiên, nay thuộc tỉnh Kiên Giang, từ 1736 đến 1770, chiêu tập các hiền tài người Hoa và người Việt, trong đó có những thi nhân ngâm vịnh phong cảnh thiên nhiên mà tác phẩm được tập hợp trong Hà Tiên thập vịnh, Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh, Thụ Đức Hiên tứ cảnh…

Văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX chứng kiến nhiều tổ chức văn học mang dáng dấp của những trường phái, với quy mô lớn nhỏ và tầm ảnh hưởng ở mức độ khác nhau, xuất hiện ở cả ba miền Bắc Trung Nam.

Ở miền Bắc, nổi bật nhất là Tự lực văn đoàn do Nhất Linh Nguyễn Tường Tam khởi xướng và vận động thành lập khi ông làm giám đốc tuần báo Phong Hóa từ số 14, ra ngày 22.9.1932. Sau đó, Phong Hóa chính thức công bố Tôn chỉ của Tự Lực văn đoàn trên số 87, ra ngày 02.3.1934. Ban đầu, Tự lực văn đoàn có sáu thành viên là Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thế Lữ, Thạch Lam, Tú Mỡ, sau kết nạp thêm Xuân Diệu. Đây là tổ chức văn học đầu tiên của nước ta mang đầy đủ tính chất của một hội đoàn sáng tác theo nghĩa hiện đại và do tư nhân chủ xướng, không liên quan đến vua quan, thân hào như các thi xã trước đây (Tao đàn Nhị thập bát tú, Tao đàn Chiêu Anh Các, Mặc Vân thi xã) và cũng không phát ngôn cho tiếng nói của quyền lực chính trị (như các nhóm Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí).

Ở miền Trung, trước Cách mạng tháng Tám, Bình Định là đất phát tích của nhiều nhóm văn học. Nơi đây đã hình thành nhóm thơ Bình Định, còn gọi là Bàn thành tứ hữu (Bốn người bạn ở thành Đồ Bàn), gồm Quách Tấn, Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Chế Lan Viên, hoạt động từ 1935 đến 1945. Gắn với nhóm thơ Bình Định là trường thơ Loạn hay trường thơ Điên (1936-1945) do Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Xuân Khai (bút danh ban đầu của Yến Lan) sáng lập, về sau có sự hưởng ứng của Bích Khê, Hoàng Diệp, Quỳnh Dao…

Trong khi đó, ở miền Nam, từ năm 1929 đã xuất hiện Nữ Lưu Thư quán Gò Công, với chủ trương duy tân và đề cao nữ quyền, do Phan Thị Bạch Vân sáng lập, có sự tham gia của Á Nam Trần Tuấn Khải và Đạm Phương Nữ sử. Trí Đức học xá do Đông Hồ sáng lập ở Hà Tiên những năm 1926-1934. Còn Tây Đô văn đoàn thì hoạt động ở Cần Thơ những năm 1941-1945, tập hợp những nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Kiết (tức Tây Đô Cát Sĩ), Lê Thọ Xuân, Lê Văn Ngôn, Tố Phang, Trúc Đình, Tùng Thành, Kiều Thanh Quế.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong hoàn cảnh đất nước bị phân chia, các trường phái văn học không có điều kiện thuận lợi để phát triển. Dưới chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Bắc, do chủ trương văn học đi theo con đường hiện thực xã hội chủ nghĩa, nhằm tập trung sức mạnh tinh thần cho cuộc kháng chiến, nên các nhóm phái, hội đoàn tư nhân không được phép tồn tại. Dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam, nhiều khuynh hướng văn học, nhiều thi văn đoàn, bút nhóm ra đời gắn liền với các tạp chí và nhà xuất bản, nhưng ít có trường phái ra tuyên ngôn, tôn chỉ cụ thể về sáng tác và lý luận – phê bình. Có lẽ Sáng tạo là tạp chí tập hợp được một số văn nghệ sỹ có chung một quan niệm văn học rõ ràng. Những tờ báo khác hình thành các khuynh hướng có tính chất xã hội và nghệ thuật nhưng không chặt chẽ về tổ chức.

Tài liệu tham khảo:

1. Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá chủ biên, Từ điển văn học (Bộ mới), Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2004.

2. Phương Lựu (chủ biên), Lý luận văn học (Tập 3) - Tiến trình văn học, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2005.

3. Từ điển bách khoa Britannica, 2 tập, Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2014.

4. Kojevnikova V., Nikolaeva P., Từ điển bách khoa văn học (tiếng Nga), Nxb. Sovjetskaya Entsiklopedia, Moskva, 1987.

5. Souriau, Étienne, Vocabulaire d’ esthétique, Presses universitaires de France, Paris, 1990.

6. Garde-Tamine, Joelle & Hubert, Marie-Claude, Dictionnaire de critique littéraire, Ed. Armand Colin, Paris, 1996.

7. Yuri Borev (chủ biên), Lý luận văn học, Tập IV. Tiến trình văn học (tiếng Nga), Nxb. IMLI RAN Nasledie, Moskva, 2001.