Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Trường đào tạo tâm lý chuyên nghiệp (Tên cũ: Các trường đào tạo tâm lý chuyên nghiệp)

Trường đào tạo tâm lý chuyên nghiệp (Tên cũ: Các trường đào tạo tâm lý chuyên nghiệp) là hệ thống nhà trường đào tạo các nhà tâm lý chuyên nghiệp của Mỹ.

Mô hình đầu tiên của loại trường này được xây dựng trên cơ sở trường Tâm lý học Tổ chức và Lâm sàng California. Cơ sở đầu tiên đào tạo ra các nhà tâm lý học thực hành ở Mỹ là Trường Tâm lý học sau đại học của Chủng viện Thần học Fuller, mở cửa vào năm 1965. Tuy nhiên, việc sử dụng rộng rãi khái niệm trường tâm lý học chuyên nghiệp chỉ bắt đầu sau năm 1969, khi trường đào tạo tâm lý chuyên nghiệp California được thành lập. Năm 1970, hai chi nhánh của trường đào tạo tâm lý chuyên nghiệp California, ở San Francisco và Los Angeles đã tiếp nhận những sinh viên đầu tiên vào đào tạo. Trong hai năm tiếp theo, các cơ sở tương tự cũng được mở ở San Diego và Fresno. Chương trình đào tạo các nhà tâm lý học chuyên nghiệp chính thức đầu tiên ở các trường này đã được Ủy ban Kiểm định Tâm lý Hoa Kỳ phê duyệt.

Năm 1973, một hội nghị về đào tạo các nhà tâm lý học chuyên nghiệp được tổ chức tại Vail, Colorado. Hội nghị khẳng định tâm lý học hiện tại đã phát triển đủ để có những chương trình đào tạo các nhà tâm lý học chuyên nghiệp, đồng hành cùng các chương trình đào tạo tâm lý học mang tính hàn lâm ở các khoa tâm lý học của trường đại học tổng hợp. Các trường đào tạo tâm lý học chuyên nghiệp được xem là nơi thích hợp để cho ra sản phẩm là các chuyên gia tâm lý học thực tiễn. Những học viên ở đây có thể làm nghiên cứu sinh và nhận bằng tiến sĩ tâm lý học. Trong những năm sau đó, nhiều trường đào tạo tâm lý học chuyên nghiệp đã được thành lập ở khắp nướcMỹ, cả ở hình thức nằm trong trường đại học tổng hợp và hình thức trường độc lập. Đến đầu những năm 1990 ở Mỹ đã có 35 trường đào tạo tâm lý chuyên nghiệp, trong đó một nửa nằm trong các trường đại học tổng hợp, phần còn lại là các trường độc lập.

Trường đào tạo tâm lý chuyên nghiệp có các đặc điểm sau:

  1. Nhiệm vụ chính của trường là đào tạo chuyên sâu về tâm lý học thực tiễn
  2. Cơ cấu tổ chức của trường giống một trường trung học hay cao đẳng hơn là một khoa tâm lý học ở đại học tổng hợp
  3. Chương trình dạy học của các trường tâm lý chuyên nghiệp chủ yếu nhằm vào việc đào tạo nghề nghiệp. Vì vậy, khi học khóa nghiên cứu sinh hay thực tập sinh, chương trình chú trọng vào thực hành, học viên làm việc dưới sự hướng dẫn của các nhà chuyên môn. Hầu hết các chương trình của trường tâm lý chuyên nghiệp đều phục vụ cho việc bảo vệ luận án, luận văn, nhưng việc viết luận án hay luận văn không phải lả mục đích cuối cùng, mà cũng chỉ là một hình thức thực hành
  4. Đội ngũ giảng viên bao gồm một số lượng lớn các nhà tâm lý học thực tiễn, đội ngũ các nhà khoa học khác của trường, nhưng họ đều tham gia vào hoạt động thực tiễn tâm lý học
  5. Các nghiên cứu sau đại học ở đây thường được cấp bằng Tiến sĩ Tâm lý học. Việc cấp bằng cho khóa đào tạo các nhà tâm lý học lâm sàng được bắt đầu từ năm 1957 tại Đại học Adelphi (Mỹ).

Trong quá trình phát triển của mình, những trường độc lập có các thay đổi quan trọng. Lần đầu tiên, tất cả hoặc gần như toàn bộ giảng viên được tuyển dụng bán thời gian. Các trường được mở những trung tâm tâm lý học giống như phòng mạch của trường đại học Y. Các trung tâm này vừa là nơi quản lý các hoạt động dịch vụ công của giáo viên và sinh viên, đồng thời là nơi dạy học, tiến hành các nghiên cứu khoa học. Năm 1976, tại Mỹ, Hội đồng Trường đào tạo tâm lý chuyên nghiệp được thành lập nhằm tạo ra các cơ hội trao đổi thông tin giữa các trường, xây dựng các tiêu chuẩn giáo dục, đào tạo các nhà tâm lý học chuyên nghiệp và cải tiến quá trình đào tạo theo mọi cách có thể, để sinh viên tốt nghiệp có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Vũ Dũng (Chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2008.
  2. Seymor D. T., Developing academic programmes//Ashe-Eric higher education, - № 3, 1988, pp. 130.
  3. Kazdin A.E. (Editor in chief), Encyclopedia of Psychology: 8 volume set, APA Publishing, Oxford University Press, Vol. 7, 2000, pp. 87 - 91.
  4. Strickland B. (Executive editor), The Gale Encyclopedia of Psychology, Gale Group, 2001, pp. 199.
  5. Freedheim D.K., Handbook of Psychology, Vol. 1, History of Psychology, John Wiley & Sons, 2003, pp. 124 - 125.
  6. W. Edward Craighead and Charles B. Nemeroff (Editors), The Concise Corsini Encyclopedia of Psychology and Behavioral Science, Published by John Wiley & Sons, Inc, Hoboken, New Jersey, Third edition, 2004, pp. 156 - 157.