Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Trò diễn dân gian

Trò diên dân gian là loại hình nghệ thuật dùng các vai diễn tái hiện lại một sự kiện, một tình huống, một công việc, hay một tích truyện theo kịch bản, tại một khoảng không gian nhất định.

Các sự kiện, sự tích, tín ngưỡng, tình huống, công việc, nghề nghiệp là những chất liệu cơ bản để xây dựng kịch bản trò diễn dân gian, được lựa chọn từ đời sống thường ngày trong dân gian hoặc từ những truyền thuyết, sự tích, những tác phẩm văn học mà cộng đồng trong dân gian yêu thích, ghi nhớ. Chẳng hạn, sự kiện lịch sử gắn với làng; sự tích về một địa danh nào đó; tín ngưỡng phồn thực; truyền thuyết người hóa hổ; tình huống người trèo cây bắt tắc kè; diễn các nghề (trò trình nghề)...

Kịch bản là một đề cương qui định những chi tiết mô phạm mà các vai diễn phải thực hiện theo một trình tự thời gian nhất định. Trong dân gian, đề cương được ghi nhớ trong đầu nghệ nhân, đó là thứ tự trước - sau, mở - kết của các chi tiết phải được diễn ra; diễn ra vào thời điểm nào; những vai nào cần phải thực hiện; có cần phối hợp với múa, hát, nhạc hay không, nếu có thì phối hợp thế nào v.v... Chi tiết mô phạm có thể nhiều hoặc ít, đơn giản hoặc phức tạp, chẳng hạn như làm động tác, di chuyển, nói (đối đáp, tương tác giữa các vai... theo đúng thời điểm dự định).

Vai diễn có thể do người trực tiếp thực hiện, có thể dùng con rối. Các tình huống và sự kiện trong cuộc sống đều từ con người hoặc liên quan con người nên sự tái hiện nhân vật trong trò diễn cần hóa trang (hoặc dùng mặt nạ), trang phục, đạo cụ. Việc hóa trang, trang phục, đạo cụ phải phù hợp với mọi chi tiết của sự kiện, tình huống tái hiện. Chẳng hạn tình huống đánh nhau thì phải có trang phục của hai phe khác biệt nhau, phải có đạo cụ vũ khí phải hóa trang đúng ngoại hình của nhân vật chính trong cuộc chiến được tái hiện... Trong trường hợp dùng con rối thể hiện vai diễn, nó phải được tạo hình sao cho người xem nhận ra vai mà nó diễn là nhân vật nào. Mọi động tác của rối do người điều khiển sao cho đúng với hoạt động đặc trưng nhân vật và lời thoại (nếu có) phải phù hợp với các động tác đó.

Cùng với các lễ hội phục dựng ở nhiều vùng quê Bắc Bộ, nhiều trò diễn dân gian đặc sắc còn được lưu giữ và thực hành. Trò diễn sự tích, sự kiện mang tính lịch sử như hệ thống trò Xuân Phả, Thanh Hóa tái hiện cảnh 5 nước tiến cống vua bằng 5 trò múa dùng mặt nạ (tương truyền từ thời nhà Đinh); trò ông Gióng đánh giặc trong Hội Gióng ở đến Sóc và đền Phù Đổng, Hà Nội (Hội Gióng được UNESCO vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2010). Trò diễn tín ngưỡng như trò Trám (trò Đụ Đị) ở Tứ Xã, Lâm Thao, Phú Thọ; trò Ma (trình diễn trong đám ma) của người Mường ở làng Cốc xã Cẩm Lương, Cẩm Thủy, Thanh Hóa; các trò diễn tình huống đời thường như trò rối “bắt tắc kè” của người Tày ở Ru Nghệ, Thẩm Rộc huyện Định Hóa Thái Nguyên, trò Mặt Mẻ của người Mường làng Đình Cổi, xã Phú Bình, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình; trò Trống Mõ ở Đông Anh, Đông Sơn, Thanh Hóa; trò rối nước diễn tả sinh hoạt nông nghiệp ở nhiều làng quê đồng bằng Bắc Bộ; trò trình nghề (trò sĩ, nông, công, thương) trong lễ hội trò Trám ở Tứ Xã (đã nêu trên).

Nhiều trò diễn dân gian trở thành những lựa chọn trình diễn bản sắc văn hóa vùng miền, văn hóa dân tộc và được quan tâm khai thác thành sản phẩm văn hóa phục vụ phát triển du lịch. Điển hình như nhiều trò rối nước dân gian nay đã trở thành nghệ thuật chuyên nghiệp được nhà nước đầu tư, phục vụ rất tốt nhu cầu nghệ thuật của đại chúng ở thành phố và để quảng bá văn hóa truyền thống Việt Nam cũng như khai thác sản phẩm du lịch.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Pierre Huard và Maurice Durand, Hiểu biết về Việt Nam (1954), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993.
  2. Nguyễn Huy Hồng, Nghệ thuật múa rối Tày Nùng, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2003
  3. Nguyễn Huy Hồng, Lịch sử nghệ thuật múa rối Việt Nam, Nxb Sân khấu, Hà Nội, 2005
  4. Trần Đình Ngôn chủ biên, Sơ thảo lịch sử sân khấu Việt Nam, Nxb Sân khấu, Hà Nội, 2006.
  5. Hà Diệu Thu, Trò Xuân Phả ở Thọ Xuân, Thanh Hóa trong đời sống xã hội hiện nay, Luận văn Thạc sĩ Văn hóa học, Học viện Khoa học xã hội, 2011
  6. Đỗ Thị Dung, Trò Trống mõ ở Đông Anh – Đông Sơn – Thanh Hóa, Luận văn Thạc sĩ Văn hóa học, Học viện Khoa học xã hội. 2012.