Toà án xét xử tội ác diệt chủng Khmer Đỏ còn gọi là Tòa án Đặc biệt Tư pháp Campuchia hay Tòa án Khmer Đỏ, được thành lập năm 2006 nhằm tiến hành xét xử những lãnh tụ chính còn sống của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Nhiệm vụ của Tòa án là xem xét những vi phạm nghiêm trọng Luật Hình sự, Bộ luật Nhân quyền quốc tế và phong tục tập quán của Campuchia cùng những vi phạm các công ước quốc tế diễn ra trong thời gian cầm quyền của Khmer Đỏ, bao gồm các tội ác chống lại nhân loại, tội ác chiến tranh và diệt chủng, từ đó cung cấp các căn cứ pháp lý cho các nạn nhân của những tội ác này đấu tranh giành lại quyền con người và các quyền công dân khác. Tuy là tòa án quốc gia nhưng được thành lặp trên cơ sở hiệp định giữa Liên hợp quốc và Campuchia, trong đó thẩm phán và nhân viên phục vụ được lựa chọn có cả người Campuchia và người nước ngoài, với sự giám sát của các nước để đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế và theo luật quốc tế.
Từ ngày 17.4.1975, Khmer Đỏ, hay còn gọi là Đảng Campuchia Dân chủ, đứng đầu là Pol Pot, nắm quyền tại Campuchia, thành lập quốc gia Campuchia Dân chủ. Trong gần 4 năm cầm quyền (17.4.1975 - 6.1.1979), Khmer Đỏ đã thực hiện chính sách diệt chủng, khiến khoảng gần 1,7 triệu dân Campuchia (tương đương với 21% dân số) thiệt mạng do bị hành quyết, lao động khổ sai, bệnh tật và chết đói,…
Sau Hiệp định Hòa bình Toàn diện Campuchia về vấn đề tái lập hòa bình tại Campuchia, được ký kết ngày 23.10.1991, Khmer Đỏ tiếp tục chống đối, tiến hành chiến tranh chống chính phủ. Năm 1998, Pol Pot chết, Khieu Samphan đầu hàng, các tổ chức chính trị và quân sự của Khmer Đỏ bị tan rã, Chính phủ Campuchia mới chính thức chấm dứt sự chống đối của lực lượng này.
Năm 1997, Campuchia đề nghị sự giúp đỡ của Liên hợp quốc để tiến hành xét xử những thủ lĩnh của Khmer Đỏ. Năm 2001, Quốc hội Campuchia thông qua một đạo luật về việc thành lập Tòa án đặc biệt để xét xử những tội ác dưới thời Cộng hòa Campuchia. Đến tháng 6.2003, tại Phnom Penh, đại diện của Chính phủ Campuchia và Liên hợp quốc đã ký kết một hiệp ước công nhận những truy tố pháp lý căn cứ theo luật Campuchia đã được sửa đổi để phù hợp với luật quốc tế. Ngày 3.7.2006, tòa án chính thức được thành lập sau khi các thẩm phán, bao gồm 17 người Campuchia và 12 thẩm phán quốc tế, tuyên thệ.
Tiến trình xét xử các tội phạm của Chế độ Khmer Đỏ diễn ra lâu dài và phức tạp, do việc thỏa thuận quy ước xét xử giữa thẩm phán người Campuchia và thẩm phán quốc tế, cũng như thời gian để dịch thuật hồ sơ liên quan đến phiên tòa. Ngày 12.6.2007, sau gần một năm tuyên thệ, các thẩm phán mới thông qua được quy tắc xét xử nội bộ. Ngày 18.7.2007, bản buộc tội mang tính giới thiệu đầu tiên của các biện lý mới được đưa ra, trong đó kết tội các bị cáo có trách nhiệm tối cao, bao gồm: Kang Kek Ieu,Ta Mok, Nuon Chea, Ieng Sary (cánh tay phải của Pol Pot), Ieng Thirith (vợ của Ieng Sary và chị dâu của Pol Pot) và Khieu Samphan.
Các phiên tòa của Tòa án Khmer Đỏ diễn ra trong hơn mười năm từ ngày 17.2.2009 đến ngày 16.11.2018, được chia làm 4 hồ sơ và ba đợt xét xử từng lãnh đạo của lực lượng Khmer Đỏ. Đợt xét xử thứ nhất diễn ra từ ngày 17.2.2009 đến ngày 3.2.2012, xét xử và tuyên án tù chung thân đối với Kaing Guek Eav, người đứng đầu ngành an ninh của Khmer Đỏ, chỉ huy Trung tâm an ninh S-21 tức nhà tù Tuol Sleng, có liên quan đến giám sát và chỉ đạo tra tấn có hệ thống khoảng 17.000 đến 20.000 tù nhân. Đợt xét xử thứ hai, diễn ra trong bốn ngày bắt đầu từ 27.6.2011, tiến hành xem xét tội ác của bốn bị can: Nuon Chea, 86 tuổi, cựu Phó Tổng Bí thư của Đảng nhân dân cách mạng Khmer; Khieu Samphan, 80 tuổi, cựu Chủ tịch nước; Ieng Sary, 86 tuổi, cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và vợ là Ieng Thirith, 79 tuổi, cựu Bộ trưởng Bộ Hoạt động xã hội. Tuy nhiên, phiên tòa này không thể khởi tố Ieng Thirith do chứng mất trí nhớ của ông này. Đợt xét xử thứ ba diễn ra từ ngày 17.10.2014 đến ngày 16.11.2018, nhưng chỉ kết tội được hai bị can (Noun Chea và Khieu Samphan); các bị cáo còn lại đã chết trước và trong thời gian đợt xét xử này diễn ra. Ngày 16.11.2018, hai lãnh tụ của Khmer Đỏ là Noun Chea (92 tuổi) và Khieu Samphan (87 tuổi) bị kết án chung thân do các tội ác chống lại loài người, vi phạm nghiêm trọng Công ước Geneva (1949),… Ngoài ra, hai ông này còn bị kết tội vì chính sách tra tấn, giết hại quân nhân và người dân Việt Nam, tội diệt chủng đối với khoảng 20.000 người Việt và từ 100.000 đến 500.000 người Chăm - bộ phận được coi là dân tộc ít người ở Campuchia.
Tuy nhiên, Tòa án này bị chỉ trích vì chi phí tốn kém (hơn 300 triệu USD Mỹ), những tham nhũng có liên quan trong quá trình xét xử và quá trình thụ lí quá lâu khiến các bị cáo chết khi tòa chưa tuyên án: Pol Pot (năm 1998) - trước khi tòa án được thành lập, Ta Mok (năm 2006), Ieng Sary (năm 2013) và Ieng Thirith (năm 2015).
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Lương Ninh (chủ biên), Đỗ Thanh Bình, Trần Thị Vinh (2015), Đông Nam Á - Lịch sử từ nguyên thủy đến ngày nay, Nxb. Chính trị quốc gia.
- Marcel Lemonde, Jean Reynaud, Un juge face aux khmers rouges, Seuil, Paris, 2013. (Marcel Lemonde, Jean Reynaud, Một tòa án đối mặt với những người Khmer Đỏ, Seuil, Paris, 2013)
- Website chính thức của Tòa án Đặc biệt Tư pháp Campuchia: Chambres Extraordinaires au sein des Tribunaux Cambodgiens (CETC): https:..www.eccc.gov.kh.fr.