Mục từ này cần được bình duyệt
Tiềm lực quốc phòng

khả năng về nhân lực, vật lực, tài chính, tinh thần ở trong nước và ngoài nước mà mỗi quốc gia, dân tộc có thể huy động để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.

TLQP được xây dựng và phát triển cùng với sự ra đời của giai cấp, nhà nước, nhằm phục vụ ý chí, mục đích của giai cấp, nhà nước. Để giữ vững địa vị chính trị của mình, khi ra đời, các giai cấp, nhà nước xây dựng và phát huy tiềm lực để bảo vệ đất nước, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, ngăn ngừa và chống lại âm mưu, hành động gây chiến tranh, giữ vững hoà bình, sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược ở mọi quy mô của các thế lực thù địch, của giai cấp, nhà nước khác.

TLQP của mỗi quốc gia, dân tộc dựa trên nền tảng của tiềm lực quân sự, tiềm lực kinh tế, tiềm lực chính trị - tinh thần, tiềm lực khoa học và công nghệ, tiềm lực xã hội…; được tổ chức, quản lý vì mục đích phòng thủ quốc gia. TLQP quan hệ mật thiết với các tiềm lực khác của đất nước. TLQP mạnh tạo điều kiện cho việc xây dựng, củng cố và phát huy các tiềm lực khác; tác động tới trạng thái tâm lý, tinh thần của bộ máy cầm quyền, các tầng lớp dân cư trong quá trình xây dựng đất nước, phát triển xã hội và bảo vệ tổ quốc; tác động tới việc huy động mọi tiềm lực của đất nước, cả ở trong nước và ngoài nước cho công cuộc bảo vệ đất nước, chống xâm lược… Ngược lại, các tiềm lực khác của đất nước, nhất là tiềm lực quân sự có tác động lớn tạo, nên sức mạnh tổng hợp của TLQP, cho phép huy động sức mạnh tổng thể của đất nước phục vụ nhiệm vụ bảo vệ đất nước, ngăn chặn và đập tan chiến tranh xâm lược của các nước khác dưới mọi quy mô. Mức độ huy động TLQP phụ thuộc trực tiếp vào mục đích, tính chất của công cuộc phòng thủ đất nước, bản chất chế độ chính trị - xã hội, đường lối quân sự, trình độ phát triển lực lượng sản xuất và khả năng kinh tế của đất nước. Các nước có chế độ chính trị cách mạng tiến bộ, có khả năng huy động mọi tiềm lực của đất nước tạo nên TLQP mạnh, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược (Kháng chiến chống Pháp, Kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam; Liên Xô trong Chiến tranh thế giới lần thứ Nhất và thứ Hai). Các nước có chế độ chính trị - xã hội đi ngược lại quyền lợi của nhân dân sẽ không huy động được tối đa mọi tiềm lực của đất nước để xây dựng được TLQP mạnh. Việc xây dựng và phát huy TLQP cũng có thể thay đổi trong quá trình chiến tranh và phụ thuộc vào việc định hướng dư luận, chuẩn bị động viên tinh thần cho chiến tranh. Các nước xã hội chủ nghĩa, các nước có chế độ chính trị tiến bộ định hướng xây dựng và phát triển đất nước theo hướng hoà bình, bình đẳng, không xâm lược, xây dựng và sử dụng TLQP vào mục đích bảo vệ đất nước, giữ vững nền hoà bình, phòng thủ quốc gia, ngăn ngừa và chống chiến tranh xâm lược. Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động quốc tế, ngoài việc phòng thủ quốc gia, chống xâm lược, còn sử dụng TLQP để bành trướng và xâm lược dưới danh nghĩa bảo vệ an ninh quốc gia “ngoài biên giới”, “diệt khủng bố từ gốc”, “thực hiện sứ mệnh hoà bình”, “gìn giữ trật tự thế giới”…

Xây dựng, phát triển, tổ chức, quản lý và sử dụng TLQP có vai trò quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. TLQP mạnh là điều kiện để quốc gia có khả năng phòng thủ, chống chiến tranh xâm lược, giữ vững nền hoà bình, đảm bảo sự ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, phát triển TLQP cũng là nguyên nhân dẫn đến chạy đua vũ trang, chiến tranh, xung đột, cắt giảm các chi phí cho phát triển đời sống dân sinh, đối phó với mối đe doạ khác do thiên tai, dịch bệnh, nạn đói nghèo, chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chủ nghĩa khủng bố…. Việc tăng cường phát triển TLQP đã làm cho nhiều quốc gia, dân tộc rơi vào tình trạng kém phát triển, đời sống nhân dân đói nghèo, bệnh tật… Sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô, Đông Âu sụp đổ, hệ thống xã hội chủ nghĩa tan rã, chủ nghĩa đế quốc và các thể lực phản động tiến hành chiến tranh, can thiệp, lật đổ ở nhiều nơi làm cho xu hướng củng cố, phát triển TLQP ngày gia tăng, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định và phát triển trên thế giới.

Xây dựng TLQP là chủ trương chiến lược của Đảng và Nhà nước Việt Nam, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc và cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng vũ trang là nòng cốt, được thể hiện trong các văn kiện Đại hội của Đảng, Luật Quốc phòng và Chiến lược quốc phòng Việt Nam. Củng cố, tăng cường TLQP để bảo vệ vững trắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Quốc hội, Luật Quốc phòng, Luật số 22/2018/QH14.

2. Quan điểm của Đảng về xây dựng tiềm lực quốc phòng trong tình hình mới, Tạp chí quốc phòng toàn dân, số 3/2017.

3. Bộ Quốc phòng, Từ điển thuật ngữ Tình báo quốc phòng, Hà Nội 2016, tr.550.

4. Bộ Quốc phòng, Từ điển thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội nhân dân , Hà Nội, 2007, tr. 716.

5. Việt Nam gia nhập tổ chức Thương mại thế giới và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, Nxb Quân đội nhân dân , Hà Nội, 2007.

6. Phan Xuân Việt, Cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước và tác động của nó tới củng cố tiềm lực quốc phòng ở Việt Nam hiện nay, Luận văn thạc sĩ kinh tế, Học viện Chính trị, 2005.

7. Bộ Quốc phòng, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân , Hà Nội, 2004, tr. 954.