Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Thuốc chống viêm Corticoid

Thuốc chống viêm Corticoid (tên đầy đủ là glucocorticoid) là nhóm thuốc kháng viêm có nguồn gốc từ các hormon tuyến thượng thận. Tất cả các corticoid tự nhiên và tổng hợp đều có cấu trúc hóa học tương đồng dựa trên cấu trúc cholesterol.

Mục đích[sửa]

Mục đích chính của corticoid là sử dụng thay thế khi thiếu hụt các hormon tự nhiên.

Ngoài ra, các corticoid được sử dụng để ức chế một phần phản ứng miễn dịch, ví dụ như điều trị các trường hợp dị ứng cấp tính, nghiêm trọng, viêm khớp, viêm khớp dạng thấp, suy vỏ thượng thận, viêm mũi dị ứng, viêm cột sống, hen suyễn, bệnh bạch cầu, viêm loét đại tràng, vv.

Dexamethasone được sử dụng rộng rãi để ngăn ngừa buồn nôn và nôn trong các liệu pháp điều trị ung thư.

Lưu ý là corticoid không phải là thuốc điều trị bệnh, nhưng nó có thể sử dụng để hỗ trợ trong các liệu pháp trị bệnh.

Mô tả[sửa]

Thuốc chống viêm corticoid thông thường được chia làm hai loại: tự nhiên và tổng hợp. Corticoid tổng hợp thường có tác dụng chống viêm, ức chế miễn dịch mạnh hơn, đồng thời tác dụng giữ muối nước thấp hơn so với corticoid tự nhiên. Trên thị trường, hiện có nhiều loại thuốc corticoid được phân loại dựa vào hiệu quả của thuốc, tác dụng giữ muối nước và thời gian kéo dài tác dụng của thuốc. Dựa vào thời gian kéo dài tác dụng, corticoid được chia thành 3 loại:

Tác dụng ngắn[sửa]

Điển hình nhóm thuốc này bao gồm cortisone và hydrocortisone, thời gian tác dụng chống viêm ngắn, tuy nhiên tác dụng giữ muối nước cao. Nhóm này thường được sử dụng bổ sung ở bệnh nhân suy thượng thận.

Tác dụng trung bình[sửa]

Nhóm này bao gồm prednisone và triamicinolone, đều là những thuốc có tác dụng chống viêm mạnh, tác dụng giữ muối nước trung bình. Prednisolone được bào chế dạng uống, tiêm dưới da, tiêm bắp và tiêm tĩnh mạch. Triamincinolone tác dụng mạnh hơn prednisolone, và không gây giữ muối nước. Triamincinolone được bào chế dạng xông hít, thuốc mỡ, tiêm và các loại kem bôi ngoài da.

Tác dụng kéo dài[sửa]

Dexamethasone là một glucocorticoid rất mạnh, và không có tác dụng giữ muối nước. Nó thường được sử dụng dưới dạng viên nén, thuốc tiêm, thuốc mỡ, thuốc nhỏ mắt và dạng xông hít.

Liều khuyến cáo[sửa]

Liều lượng corticoid phải được cá nhân hóa dựa trên từng loại thuốc, tình trạng điều trị và tình trạng của bệnh nhân.

Liều tương đương với 25mg cortisone hoặc 20mg hydrocortisone đối với trường hợp bổ sung thiếu hụt cho tuyến thượng thận.

Các trường hợp khác, liều lượng tương đương của các corticoid được quy đổi liều tương đương như sau: cortisone 25mg, hydrocortisone 20mg, prednisolone 5mg, triamcinolone 4mg, dexamethasone 0,75mg, betamethasone 0,6mg x 2-3 lần/ngày. Sau khi đáp ứng thuốc, liều lượng nên được cân nhắc để thay đổi, giảm hoặc tăng liều cho phù hợp với tình hình của bệnh nhân. Đối với trường hợp phải sử dụng thuốc trong một thời gian dài, corticoid nên được sử dụng vào buổi sáng hàng ngày hoặc cách ngày để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất.

Khi dừng điều trị bằng corticoid, tốt nhất là nên giảm liều dần dần trong vài ngày trước khi dừng hẳn.Ví dụ liều 2,5-5mg prednisolone (tương đương 0,75mg dexamethasone hoặc 20mg hydrocortisone) được giảm từ 3-7 ngày. Liều dùng có thể được điều chỉnh tăng lên nếu tình trạng bệnh nhân trở nên nặng hơn trong thời gian giảm liều.

Thận trọng[sửa]

Tất cả các thuốc corticoid đều gây suy giảm hệ thống đáp ứng miễn dịch, thận trọng khi tiêm vắc xin hoặc tránh nơi có nguy cơ lây nhiễm cao trong thời gian sử dụng thuốc, và nhiễm trùng mới có thể xuất hiện trong quá trình sử dụng chúng. Bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng nào cũng cần được điều trị kịp thời với liệu pháp phù hợp.

Corticosteroid có thể kích hoạt nhiễm trùng tiềm ẩn. Do đó, cần chắc chắn rằng nhiễm trùng tiềm ẩn hoặc nhiễm trùng máu, tiêu chảy bất thường không rõ nguyên nhân được loại trừ trước khi bắt đầu điều trị.

Cân nhắc thật kỹ khi sử dụng các loại thuốc này trong thời kỳ mang thai hoặc ở phụ nữ cho con bú, và đối tượng trẻ em.

Corticosteroid có liên quan đến tăng nguy cơ loét dạ dày, và bệnh nhân thường được khuyên dùng những loại thuốc này cùng với thức ăn hoặc thuốc ức chế axit dịch vị. Những người sử dụng steroid liều cao hoặc điều trị duy trì nên dùng thuốc trong bữa ăn hoặc thuốc chẹn axit dạ dày để giảm nguy cơ viêm loét dạ dày.

Tác dụng không mong muốn[sửa]

Corticoid thường là những thuốc an toàn nếu sử dụng trong thời gian ngắn với liều thích hợp. Khi sử dụng thuốc trong thời gian dài, thường xuyên, các tác dụng không mong muốn thường gặp là:

Rối loạn cân bằng nước và các chất điện giải: giữ natri, nước, sung huyết, suy tim, mất kali, canxi, tăng huyết áp.

Cơ và xương: Yếu cơ, nhược cơ, loãng xương, gãy xương, hoại tử đầu xương đùi và xương đùi, gãy xương dài, hoặc đứt gân.

Hệ thống tiêu hóa: Loét dạ dày, có thể gây thủng hoặc xuất huyết ở ruột già và ruột non, đặc biệt ở bệnh nhân bị viêm ruột, viêm tụy, chướng bụng và loét viêm thực quản.

Phản ứng da: khả năng chữa liền vết thương kém, da mỏng đỏ, tăng tiết mồ hôi, giảm phản ứng trên da, phát ban, ngứa và sưng tấy trên da.

Hệ thần kinh: co giật, tăng áp lực nôi sọ, chóng mặt, mất thăng bằng, nhức đầu, rối loạn cảm xúc.

Hệ nội tiết: kinh nguyệt không đều, ức chế tăng trưởng ở trẻ em, tăng đường huyết, giảm dung nạp carbonhydrat.

Mắt: đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, lồi mắt.

Các vấn đề khác: phản ứng quá mẫn, rối loạn đông máu, cân nặng, tăng cảm giác thèm ăn, buồn nôn, và nấc cụt.

Mức độ nghiêm trọng và khả năng xảy ra các tác dụng không mong muốn tăng theo liều lượng và thời gian điều trị.

Tương tác thuốc[sửa]

Các thuốc tương tác với procloperazin bao gồm:

- Các loại thuốc kích thích men gan như phenobarbital, phenytoin và rifampin có thể làm tăng tốc độ đào thải corticosteroid và có thể yêu cầu tăng liều corticosteroid để đạt được kết quả mong muốn.

- Thuốc như troleandomycin và ketoconazole có thể làm giảm tốc độ chuyển hóa của corticosteroid và giảm tốc độ đào thải. Do đó, liều lượng corticosteroid nên được giảm xuống để tránh độc tính của steroid.

- Corticosteroid có thể làm tăng tốc độ thải trừ aspirin liều cao mãn tính. Hiệu ứng này có thể dẫn đến giảm nồng độ salicylate trong huyết thanh hoặc tăng nguy cơ ngộ độc salicylate khi ngừng sử dụng corticosteroid.

- Tăng tác dụng của điều trị corticosteroid đối với thuốc chống đông máu

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. ICON Health Publications. Corticosteroids. San Diego:

ICON Health Publications, 2004.

  1. Katzung, Bertram G. Basic & Clinical Pharmacology. NewYork: McGraw–Hill Medical, 2006.
  2. Al-Dhalimi, M.A., and N. Aljawahiry. ‘‘Misuses of Topical Corticosteroids: A Clinical Study in An Iraqi Hospital.’’Eastern Mediterranean Health Journal (November 2006): 847–852.
  3. Kirn, Timothy F. ‘‘Corticosteroids Are Not For All Asthma Patients: Physicians Need to Be Careful About Greatly Raising the Dose When a Patient Fails to Achieve Control.’’Pediatric News (February 2007): 52.
  4. Martinez, Fernando D. ‘‘Inhaled Corticosteroids and Asthma Prevention.’’The Lancet (August 26, 2006): 708–710.
  5. Miller, Karl E. ‘‘Inhaled Corticosteroids Effective in Acute Asthma Attacks.’’American Family Physician (May 1, 2007): 1383.
  6. Saunders, Cathy. ‘‘Reduced Lung Cancer Risk With Inhaled Corticosteroids.’’Australian Doctor (April 13, 2007): 1.
  7. Bộ môn dược lý- Đại học y Hà Nội. Dược lý lâm sàng, Nhà xuất bản Y học.