Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Thuốc bắc

Thuốc bắc thuốc Đông y nhập từ Trung Quốc (gọi thông tục là “Bắc quốc” hay “phương Bắc”), thường đã được bào chế thành dạng hàng hóa tiện cho bảo quản. Nghĩa của thuốc bắc thì thiên về nguồn gốc thực vật (như nhân sâm, nhục quế, thảo quả, xuyên tâm liên), nhưng trong một số bài thuốc còn thêm các vị thuốc bắc có nguồn gốc động vật (như thiềm thừ là cóc; khâu dẫn là giun; lộc giác là gạc hươu) hay khoảng vật (như tỉnh để nê là đất đáy giếng). Có nhiều cây thuốc bắc đặc chủng không có ở Việt Nam. Cũng có nhiều cây thuốc bắc đã được di thực thành công vào Việt Nam từ lâu đời. Lại cũng có những cây vốn trồng ở Việt Nam rồi được xuất sang Trung Quốc, qua khâu bào chế ở Trung Quốc thì được nhập trở lại Việt Nam.

Sở dĩ gọi là thuốc bắc là để phân biệt với thuốc Nam. Dược học hiện đại Việt Nam được phân thành hai mảng lớn, là tân dược (thuốc mới, thuốc hóa dược hiện đại, thuốc tây) và đông dược (thuốc đông, thuốc đông y, thuốc y học truyền thống). Đông dược thì bao gồm cả Thuốc Nam và thuốc bắc, được gọi chung là thuốc đông y.

Thuốc bắc được sử dụng rộng rãi trong vùng văn hóa chữ Hán (Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam) và trong cộng đồng Hoa kiều. Ở Trung Quốc, hiện nay thuốc bắc được gọi là trung dược中藥, nhưng cách gọi từ xa xưa là bản thảo本草bởi gắn với bộ sách kinh điển về dược học của Trung Quốc là Thần nông bản thảo kinh (được xem biên soạn trong các thể kỉ I và II) và sách Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân đời Minh. Ở Nhật Bản thì gọi là Hán phương dược漢方薬 (thuốc của người Hán), còn ở Hàn Quốc thì gọi là Hàn dược韓薬 (thuốc của người Hàn Quốc). Bản thân chữ Nam dược (thuốc của người Nam) trong tác phẩm của các danh y Việt Nam, như Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông, thì chỉ cả Thuốc Nam và thuốc bắc. Dù được gọi khác nhau, nhưng các thuốc này đều được phân loại, bào chế và sử dụng theo lí luận của y học truyền thống Trung Quốc mà hạt nhân là thuyết âm dương ngũ hành.

Thuốc bắc có đặc điểm đáng chú ý là thường có sự kết hợp của nhiều vị thuốc trong một bài thuốc (thuốc Nam thì thường sử dụng một loại cây thuốc). Sự kết hợp của các vị thuốc là dựa trên nguyên tắc “quân - thần - tá - sử”, có nghĩa là có vị thuốc chính và vị thuốc phối hợp. Liều lượng của mỗi vị thuốc lại được gia giảm để thích hợp với từng thể tạng của người bệnh đã được thầy thuốc đông y khám và chẩn đoán theo nguyên tắc tứ chẩn (vọng là nhìn; văn là nghe và ngửi; vấn là hỏi; thiết là bắt mạch và sờ nắn) và bát cương (biểu lí, hàn nhiệt, hư thực, âm dương). thuốc bắc thường được bào chế thành các dạng đặc biệt như cao, đan, hoàn, tán, thang, nên trong dân gian còn gọi thuốc bắc là “cao đan hoàn tán”.

Theo quan niệm chung của người Việt Nam, đông dược (gồm cả thuốc bắc và thuốc Nam) có tác dụng điều trị toàn diện, không chỉ chữa triệu chứng mà còn trị nguyên nhân chính, đồng thời còn tăng sức đề kháng. Bởi vậy, nếu nói so sánh thì, thuốc Tây tác dụng nhanh nhưng không bền, còn đông dược chậm nhưng ngấm lâu. Nhờ ưu điểm này mà đông dược được sử dụng nhiều trong việc điều trị các bệnh mãn tính như thấp khớp, cao huyết áp, suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể, bồi bổ sức khỏe.

Vào đầu thế kỉ XX, trước sự phát triển mạnh mẽ của y học phương Tây, ở toàn vùng Đông Á, thuốc bắc và đông y từng bị suy thoái và chịu lép vế. Ví dụ, ở Nhật Bản thì đã hủy bỏ tư cách “bác sĩ đông y” (chỉ các bác sĩ đã học xong Tây y rồi thì mới học thêm đông y), còn ở Trung Quốc thì xuất hiện các nhân sĩ quyết tâm gìn giữ cho bằng được nền đông y có bề dày lịch sử hàng ngàn năm (họ nỗ lực mở trường đông y, biên soạn từ điển đông y). Từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, các nước Đông Á đều nhìn nhận lại giá trị của đông y, từng bước mở rộng việc đào tạo và ứng dụng đông y. Thuốc bắc vì thế mà được sử dụng ở các bệnh viện, cơ sở y tế.

Nền y học đương đại của Việt Nam được xây dựng và phát triển trên tư tưởng kết hợp tân dược và đông dược, kết hợp tây y và đông y. Tính đến năm 2018, cả nước có 63 bệnh viện y học cổ truyền, hơn 92% bệnh viện đa khoa tỉnh thành có khoa y học cổ truyền, khoảng 85% trạm y tế xã phường tổ chức khám chữa bệnh y học cổ truyền, gần 7000 cơ sở hành nghề y học cổ truyền tư nhân sử dụng dược liệu trong khám chữa bệnh.

Kết hợp y học hiện đại và y học truyền thống, cũng đang trở thành xu hướng tất yếu trên toàn cầu. Theo WHO (Tổ chức Y tế Thế giới), vào đầu thế kỉ XXI, vẫn có khoảng 80% dân số tại các nước đang phát triển có sử dụng y học truyền thống trong trị bệnh và chăm sóc sức khỏe. Có nhiều thuốc đặc trị sử dụng toàn cầu ngày nay đã được tìm thấy từ y học truyền thống, tiêu biểu là thuốc chống sốt rét được chiết xuất từ cây thanh hao chính là dựa theo y văn cổ của Trung Quốc – học giả Đồ U U nhờ thành công này mà được trao giải Nobel Y học năm 2015. Trong đại dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020, một số nước (Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam,…) đã mạnh dạn sử dụng thảo dược truyền thống để điều trị có hiệu quả đối các trường hợp có triệu chứng nhẹ.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Đỗ Tất Lợi, Dược liệu và vị thuốc Việt Nam, Nxb Y học, Hà Nội, 1957.
  2. Tuệ Tĩnh, Nam dược thần hiệu, Nxb Y học, Hà Nội, 1960.
  3. Lê Trần Đức, Thân thế và sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông, Nxb Y học và Thể dục Thể thao, Hà Nội, 1970.
  4. Lê Trần Đức, Tuệ Tĩnh và nền y dược cổ truyền Việt Nam, Nxb Y học, Hà Nội, 1971.
  5. Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nxb Khoa học và Kĩ thuật, Hà Nội ,1977.
  6. Chu Xuân Giao, Bước đầu tìm hiểu làng Đại Yên và nghề thuốc Nam cổ truyền. Báo cáo thực tập, 1996. Bản thảo đánh máy gồm189 trang khổ A4. Hiện lưu tại Thư viện Viện Nghiên cứu Văn hóa (kí hiệu 27 KH00000065).
  7. Hải Thượng Lãn Ông, Sách thuốc Việt Nam (Lĩnh Nam bản thảo, Bách gia trân tang, Hành giản trân nhu) – Bản dịch của Hoàng Văn Hòe năm 1970 tại Sài Gòn,, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 1997.
  8. Hoàng Bảo Châu, Lý luận cơ bản Y học cổ truyền, Nxb Y học, Hà Nội, 1997.
  9. Chu Xuân Giao, Sơ bộ khảo sát thư tịch và tìm hiểu một số tác giả Hán Nôm tiêu biểu trong sưu tầm – phổ biến – truyền dạy tri thức dân gian, Báo cáo tổng hợp đề tài nghiên cứu cấp cơ sở, 1999. Bản thảo đánh máy gồm 237 trang khổ A4. Hiện lưu tại Thư viện Viện Nghiên cứu Văn hóa (kí hiêu 27 KH00000091) và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (kí hiệu 01B000000164).
  10. Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nxb Y học, Hà Nội, 2004.
  11. Nguyễn Bá Tĩnh, Tuệ Tĩnh toàn tập, Nxb Y học, Hà Nội, 2004.
  12. Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo Biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, Từ điển Bách khoa Việt Nam - Tập 4 (T-Z), Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2005.
  13. Itagaki Akemi 板垣明美編 『ヴェトナム――変化する医療と儀礼』 春風社2008.