Thuốc Nam là thuốc có ở Việt Nam (gọi thông tục là “nước Nam”), được nuôi trồng hay thu lượm, chế biến, sử dụng để trị bệnh theo kinh nghiệm dân gian. Còn gọi là thuốc ta, nam dược, thuốc dân gian, thuốc dân tộc, thuốc vườn, thuốc truyền thống, thuốc đông y có nguồn gốc Việt Nam (hay đông dược có nguồn gốc Việt Nam).
Dược học hiện đại Việt Nam được phân thành hai mảng lớn, là tân dược (thuốc mới, thuốc hóa dược hiện đại, thuốc tây) và đông dược (thuốc đông, thuốc đông y, thuốc y học cổ truyền). Đông dược, bao gồm cả thuốc Nam và thuốc Bắc, là những vị thuốc kinh nghiệm của các tộc người phương Đông, có tác dụng chữa bệnh tốt, dễ kiếm, lại rẻ tiền, việc sử dụng tương đối dễ dàng; tuy nhiên, vốn chỉ dựa vào kinh nghiệm và học thuyết âm dương ngũ hành của triết học phương Đông, phần lớn chưa được giải thích tường tận bằng cơ sở khoa học hiện đại.
Thuốc chữa bệnh bao gồm nhiều nguyên liệu có nguồn gốc khác nhau, như từ thực vật, động vật, khoáng vật, kim loại và một số hóa chất khác. Theo quan niệm chung của người Việt Nam, thuốc Nam là những cây trồng hay mọc tự nhiên, rất dễ kiếm, nhưng có công hiệu đối với những bệnh thường gặp. Có nghĩa là, ý nghĩa của từ thuốc Nam thiên về phía nguồn gốc thực vật. Bài thuốc Nam phổ biến nhất là “nồi lá xông” (có cả ở người Kinh và một số tộc người thiểu số) có tác dụng rất tốt cho bệnh cảm cúm, nhức đầu, sổ mũi, các bệnh nhiễm trùng mới phát. Nguyên liệu của “nồi lá xông” chỉ là những thứ lá dễ kiếm, như: tre, duối, bưởi bung, chanh, hương nhu, tía tô, kinh giới, sả, gừng, cúc tần, bạc hà, ngải cứu,… Trong sử dụng thuốc Nam, thường có quan niệm về số 7 (dành cho nam) và số 9 (dành cho nữ). Ví dụ, nếu là “nồi lá xông”, với bệnh nhân nam thì nên dùng đủ 7 loại lá, còn với bệnh nhân nữ thì nên dùng đủ 9 loại lá. Có những bài thuốc Nam chỉ dùng một loại thực vật như: đi tả thì ăn lộc táo hoặc uống nước lá ổi; sốt rét thì uống nước lá ngâu,…
Trước đây, Bộ Y tế có ban hành bộ 35 cây thuốc (gồm 25 cây qui định và 10 cây bổ túc) để chữa 7 bệnh thường gặp. Đến năm 2014, Bộ Y tế đã cập nhật các kết quả nghiên cứu mới và ban hành quyết định về bộ 70 cây thuốc sử dụng trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền. 70 cây này được phân làm 8 nhóm, tức là chữa 8 bệnh thường gặp như sau: 1). Chữa cảm sốt (cam thảo đất, cỏ mần trầu, cỏ nhọ nồi, cối xay, cúc tần, hương nhu, kinh giới, tía tô, xuyên tâm liên, cúc hoa); 2). Chữa bệnh xương khớp (cỏ xước, cốt khí củ, địa liền, hy thêm, lá lốt, náng, ngũ gia bì chân chim, dâu); 3). Điều trị mụn nhọn mẩn ngứa (bạch hoa xà thiệt thảo, ké đầu ngựa, đinh lăng, dừa cạn, hạ khô thảo nam, kim ngân, mỏ quạm sài đất, sắn dây, đơn lá đỏ); 4). Chữa ho (bạc hà, bách bộ, bán hạ nam, bồ công anh, xạ can, húng chanh, mạch môn, quýt, thiên môn); 5). Chữa rối loạn tiêu hóa (cỏ sữa lá nhỏ, khổ sâm, mơ tam thể, nhót, ổi, gừng, hoắc hương, sả, sim, ý dĩ, rau sam); 6). Chữa bệnh gan (cà gai leo, dành dành, diệp hạ châu, nghệ, nhân trần, phèn đen, rau má); 7). Chữa rối loạn kinh nguyệt (bạch đồng nữ, bồ chính sâm, địa hoàng, gai, huyết dụ, ích mẫu, ngải cứu, xích đồng nam, trinh nữ hoàng cung, trắc bách diệp); 8). Lợi tiểu (cỏ tranh, kim tiền thảo, mã đề, mần tưới, râu mèo). Danh sách cây thuốc trên đã bao gồm cả những cây có ở vùng đồng bằng, những cây ở vùng miền núi gắn với các tộc người thiểu số (Dao, Tày, Nùng, Thái,…). Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn rất nhiều cây thuốc Nam có thể chữa bệnh nhưng chưa có trong danh sách trên.
Không chỉ được lưu giữ bằng các trước tác của các danh y như Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông, kiến thức về thuốc Nam còn được bảo lưu sống động tại các làng thuốc ở Việt Nam. Có nhiều “làng thuốc Nam” với lịch sử lâu đời vẫn còn hoạt động nghề cho đến hiện nay, tiêu biểu nhất là Đại Yên và Ninh Hiệp (Hà Nội), Nghĩa Trai (Hưng Yên), một số làng bản miền núi. Kiến thức về thuốc Nam ở các làng này tồn tại ở dạng kinh nghiệm, với ba mảng lớn là: 1). Kinh nghiệm về cây thuốc (đặc điểm cây, công dụng, thành phần hóa học đại khái, cách thức trồng - thu hái - chế biến); 2). Kinh nghiệm về chẩn bệnh (triệu chứng, đoán bệnh); 3). Kinh nghiệm về chữa bệnh (cách bào chế thuốc, liều dùng và lượng dùng, chú ý an toàn). Ba mảng kinh nghiệm này lại tồn tại ở ba cấp độ. Cấp độ thứ nhất là hiểu biết phổ thông toàn làng, cao hơn là cấp độ nghề ở những gia đình theo nghề thuốc, sâu kín và khó tiếp cận nhất là kinh nghiệm bí truyền. Kinh nghiệm phổ thông toàn làng có khi được lưu truyền thành dạng thơ lục bát rất dễ thuộc dễ nhớ, ví dụ: “Ới cô Ích Mẫu đi đâu/Để cho gái đẻ xanh xao gầy mòn” (ý nói cây Ích Mẫu là thuốc tốt cho phụ nữ sau sinh).
Cho đến những năm cuối thế kỉ XX, tại làng thuốc Đại Yên có mặt trên 200 cây thuốc, khoảng 60% trong đó được trồng tại các vườn thuốc tư nhân, khoảng 40% còn lại là thu mua từ các nơi khác về. Thuốc mua từ nơi khác về với mục đích tích trữ rồi buôn (bán sỉ và bán lẻ), chủ yếu là thuốc lá khô, dù ít hơn chủng loại, nhưng trữ lượng lượng thường lớn. Khi đó, người Đại Yên vừa trồng vừa buôn thuốc Nam, nên làng trở thành một kho cung cấp thuốc Nam tươi và khô cho cả thành phố Hà Nội (thông qua một mạng lưới các gian hàng lá thường trực tại các chợ trong khắp thành phố, và tại chợ ở cổng làng mỗi chiều tối), đồng thời còn là một đại lí thuốc Nam khô lớn ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Hiện nay, do đô thị hóa tự phát, đất trồng cây thuốc đã bị bán dần cho người bên ngoài nhập cư xây nhà cửa, nên nghề thuốc Nam ở các làng chỉ còn ở trạng thái cầm chừng hoặc đang đứng trước nguy cơ bị tiêu vong.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Đỗ Tất Lợi, Dược liệu và vị thuốc Việt Nam, Nxb Y học, Hà Nội, 1957.
- Tuệ Tĩnh, Nam dược thần hiệu, Nxb Y học, Hà Nội, 1960.
- Lê Trần Đức, Thân thế và sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông, Nxb Y học và Thể dục Thể thao, Hà Nội, 1970.
- Lê Trần Đức, Tuệ Tĩnh và nền y dược cổ truyền Việt Nam, Nxb Y học, Hà Nội, 1971.
- Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nxb Khoa học và Kĩ thuật, Hà Nội ,1977.
- Lê Bá - Lê Minh - Hoàng Thư, Thuốc Nam dùng trong gia đình, Nxb Y học (Chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh). Tp.Hồ Chí Minh, 1987.
- Nguyễn Tuyết Mai, Nghề thuốc Nam ở làng Đại Yên, Luận văn tốt nghiệp đại học chuyên ngành Dân tộc học, 1991. Lưu tại Thư viện Khoa Lịch sử - Đại học Tổng hợp Hà Nội, kí hiệu LV 1232.
- Lê Viết Hoa (Chủ biên), Thuốc Nam chữa bệnh tại nhà, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1994.
- Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Nghề nông cổ truyền Việt Nam qua thư tịch Hán Nôm, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1994.
- Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh, 1995.
- Chu Xuân Giao, Bước đầu tìm hiểu làng Đại Yên và nghề thuốc Nam cổ truyền. Báo cáo thực tập, 1996. Bản thảo đánh máy gồm189 trang khổ A4. Hiện lưu tại Thư viện Viện Nghiên cứu Văn hóa (kí hiệu 27KH00000065).
- Lê Đình Phái, Những vấn đề dược học dân tộc, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng, 1996.
- Hải Thượng Lãn Ông, Sách thuốc Việt Nam (Lĩnh Nam bản thảo, Bách gia trân tang, Hành giản trân nhu) – Bản dịch của Hoàng Văn Hòe năm 1970 tại Sài Gòn, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 1997.
- Hoàng Bảo Châu, Lý luận cơ bản Y học cổ truyền, Nxb Y học, Hà Nội, 1997.
- Chu Xuân Giao, Sơ bộ khảo sát thư tịch và tìm hiểu một số tác giả Hán Nôm tiêu biểu trong sưu tầm – phổ biến – truyền dạy tri thức dân gian, Báo cáo tổng hợp đề tài nghiên cứu cấp cơ sở, 1999. Bản thảo đánh máy gồm 237 trang khổ A4. Hiện lưu tại Thư viện Viện Nghiên cứu Văn hóa (kí hiêu 27KH00000091) và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (kí hiệu 01B000000164).
- Phạm Hoàng Hộ, Cây cỏ Việt Nam - Quyển 1, Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 1999.
- Itagaki Akemi板垣明美「ベトナムのハノイ地域にみられる「「戦いと癒し」」――伝統医療の文化社会的フィードバック機能に関する一考察」ベトナム社会文化研究会編 『ベトナムの社会と文化 1』風響社1999.
- Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nxb Y học, Hà Nội, 2004.
- Nguyễn Bá Tĩnh, Tuệ Tĩnh toàn tập, Nxb Y học, Hà Nội, 2004.
- Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo Biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, Từ điển Bách khoa Việt Nam - Tập 4 (T-Z), Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2005.
- Võ Thị Thường, “Từ việc giới thiệu một làng thuốc Nam đến việc bảo tồn tri thức y học dân gian”, In trong Các công trình nghiên cứu của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam – V (Bảo tang Dân tộc học Việt Nam; Hà Nội : Nxb Khoa học Xã hội), 2005, tr.139-149.
- Vũ Thị Hà, “Phụ nữ Đại Yên với nghề thuốc Nam”, In trong Các công trình nghiên cứu của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam – V (Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam; Hà Nội : Nxb Khoa học Xã hội), 2005, tr.150-165.
- Itagaki Akemi 板垣明美編 『ヴェトナム-変化する医療と儀礼』 春風社2008.
- Võ Thị Thường - Vũ Thị Hà, “Làng thuốc Nam Đại Yên : thực hành và bảo tồn y học dân gian của một làng nội thành Hà Nội”, In trong Bảo tàng và Nhân học đô thị - Ky yếu Hội thảo Quốc tế (Bảo tàng Dân tộc học ấn hành), 2009, tr. 216-.226.
- Trần Thị Ngọc Nam, Nghề thuốc Nam ở làng Đại Yên, Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn hóa học – Học viện Khoa học Xã hội – Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, 2012.
- Bộ Y tế, “Quyết định về việc ban hành bộ tranh cây thuốc mẫu sử dụng trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền” (Số: 4664/QĐ-BYT). Văn bản do Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên kí ngày 7 tháng 11 năm 2014.
- Võ Thị Thường - Vũ Thị Hà, “Chapter 15 - Dai Yen, village des herboristes traditionnels au coeur de Ha Noi (Vietnam)”, In trong Traditoanal Medicine – Sharing Experiences from the Field (Living Heritage Series; Editor in Chief : Eivind Falk), 2017, tr.141-152.
- Eivind Falk (Editor in Chief), Traditoanal Medicine – Sharing Experiences from the Field (Living Heritage Series), ICHAP, Printed in the Republic of Korea, 2017.