Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Thuế carbon

Thuế carbon là một loại thuế áp dụng đối với lượng phát thải carbon từ quá trình đốt cháy nhiên liệu tạo ra khí CO2 - một trong những khí nhà kính gây ra hiện tượng nóng lên của Trái đất và biến đổi khí hậu toàn cầu. Thuế carbon là một khoản phí áp dụng đối với việc đốt các nhiên liệu có chứa carbon (than, dầu, khí đốt), là chính sách cốt lõi để giảm và cuối cùng loại bỏ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Thuế carbon thực sự là cách duy nhất để người sử dụng nhiên liệu có chứa carbon phải trả cho những thiệt hại môi trường do khí hậu gây ra bởi phát thải CO2 vào khí quyển. Sử dụng thuế carbon có tác động tích cực trong giảm lượng phát thải khí CO2 đồng thời góp phần tạo ra nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, nếu áp dụng thành công trong việc giảm phát thải carbon và giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch sẽ đóng góp vào việc giảm phát thải khí độc hại như NOx, SOx, đem lại các lợi ích có liên quan tới cải thiện sức khỏe, giảm tỷ lệ tử vong.

Mục đích của thuế carbon là khuyến khích các cá nhân và doanh nghiệp đưa ra những lựa chọn có trách nhiệm hơn với môi trường, giảm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và phát thải có liên quan. Thuế carbon có lợi thế là khuyến khích mà không đưa ra lựa chọn giải pháp ưa thích hơn các giải pháp khác. Doanh nghiệp và cá nhân có thể chọn cách tránh loại thuế này bằng cách giảm mức sử dụng, tăng hiệu suất, thay đổi nhiên liệu, áp dụng công nghệ mới hoặc kết hợp các cách tiếp cận này. Mức thuế đủ cao sẽ là một biện pháp khuyến khích dòng tiền mạnh mẽ, thúc đẩy việc chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch trên toàn nền kinh tế, đơn giản bằng cách chuyển sang sử dụng nhiên liệu không carbon và hiệu quả năng lượng sẽ có lợi hơn về mặt kinh tế. Cơ sở khoa học của thuế carbon là thuế Pigou. Thuế carbon được hiểu là một loại thuế do Chính phủ áp đặt lên đối tượng phát thải khí nhà kính do đốt nhiên liệu hóa thạch.

Thuế carbon đánh vào đối tượng gây ô nhiễm môi trường (theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền) thông qua nhiên liệu động cơ (xăng, dầu, methanol, naphtha, butan); khí hóa lỏng; nhiên liệu đốt như than bùn, than đá (tương ứng với lượng carbon thải ra). Nguyên tắc đánh thuế do Pigou nêu ra là: “Mức thuế ô nhiễm tính cho mỗi đơn vị sản phẩm gây ô nhiễm có giá trị bằng chi phí ngoại ứng do đơn vị sản phẩm gây ô nhiễm gây ra tại mức sản xuất tối ưu của xã hội”. Loại thuế này nhằm mục đích buộc nhà sản xuất phải "nội hóa các ngoại ứng" và điều chỉnh mức hoạt động của mình về mức sản xuất tối ưu xã hội, vì thế được gọi là "thuế ô nhiễm tối ưu" hay thuế Pigou. Mức thuế carbon phải đóng cao hay thấp tùy thuộc vào loại nhiên liệu sử dụng. Lượng CO2 sinh ra từ nhiên liệu trên một đơn vị khối lượng hay thể tích được nhân với chi phí xã hội (phí tổn xã hội) sẽ ra tính được mức thuế. Chi phí xã hội của carbon là giá trị hiện tại của những tác động có hại trong tương lai do phát thải thêm một tấn khí CO2 gây ra.

Tác động của thuế carbon sẽ khác nhau giữa các nhóm kinh tế tùy thuộc vào mức độ thay đổi giá năng lượng, mô hình sản xuất và tiêu thụ năng lượng khu vực. Thuế carbon chỉ hoạt động tốt nhất trong điều kiện nền kinh tế theo định hướng thị trường. Bản chất của thuế carbon là hoạt động dựa trên các tín hiệu của giá. Các cơ sở phát thải phải đối mặt với giá phát thải carbon cao hơn sẽ được khuyến khích để giảm phát thải khí nhà kính. Chính sách thuế carbon được xem là một phần của chính sách tổng hợp về khí hậu và năng lượng. Theo công bố của Ngân hàng Thế giới tính đến 2018, ít nhất đã có 27 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng thuế carbon.

Các nước thuộc liên minh châu Âu như Đan Mạch, Pháp, Ai-Len, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Anh đánh thuế carbon cho tất cả các nhiên liệu sử dụng trong các ngành kinh tế, ngoại trừ một số ngành đặc biệt như Hàng không quốc tế. Tại châu Á, một số nước đã áp dụng thuế carbon như Singapo, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Nhật Bản đã áp dụng thuế carbon cho tất cả các nhiên liệu, trừ nhiên liệu thuộc các ngành nông - lâm nghiệp, vận tải hàng không, đường sắt và hàng hải. Các nước thuộc châu Mỹ và Mỹ La tinh như Canada, Chi Lê, Arghentina đã áp dụng TCB cho các ngành công nghiệp.

Ở Việt Nam, thuế carbon là công cụ chính sách mới được đề cập trong những năm gần đây. Hệ thống các công cụ kinh tế, cơ chế tài chính liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính bao gồm thuế, phí, lệ phí trong các lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản, nước, rừng và đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường đã được sử dụng theo hướng ngày càng phù hợp với thực tế. Áp dụng được thuế carbon sẽ mang lại nhiều lợi ích và nâng cao uy tín của Việt Nam song cũng sẽ gặp không ít thách thức và khó khăn. Do đó, việc đề xuất áp dụng và xây dựng lộ trình áp dụng TCB cần được nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng nhằm hạn chế tối đa các tác động tiêu cực.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Helm D., Economic Instruments and Environmental Policy, Econom. Soc. Rev., 36(3), 2005.
  2. Tạ Đức Bình, Lại Văn Mạnh, Nguyễn Thị Thanh Huyền, Cơ sở khoa học, xu hướng thế giới và bối cảnh của Việt Nam về thuế cacbon, Tạp chí môi trường, 15, 2020.
  3. Wu Y. C., Huang, W. L., Hsu, Y. F., Wang S. C., Lin, J. Y., Chen M. J., Computational framework for optimal carbon taxes based on electric supply chain considering transmission constraints and losses. Math. Prob. Engin., 2015.