Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Thomas Stamfird Raffles
StamfordRaffles(1781 - 1826)

Thomas Stamfird Raffles (1781 - 1826) là nhà quản trị thuộc địa người Anh, nhà sử học và người sáng lập Singapore, có những đóng góp to lớn trong việc tìm hiểu quần đảo Mã Lai của đế quốc Anh.

Sinh ngày 6.7.1781, trên một con tàu ở bên ngoài bờ biển Jamaica. Năm 14 tuổi, Thomas Stamfird Raffles bắt đầu làm việc cho Công ty Đông Ấn Anh. Năm 1805, ông được cử đến Penang với chức vụ Trợ lý Thư ký cho Thống đốc. Tại đây, ông học tiếng Mã Lai và sử dụng thông thạo ngôn ngữ này. Tuy nhiên, sau ba năm ở đây, do sức khỏe không tốt nên Thomas Stamfird Raffles đã được đưa đến Malacca để chữa bệnh. Lúc này Công ty Đông Ấn Anh đang có ý định từ bỏ cảng này, nhưng ông đã gửi một báo cáo lập luận về tiềm năng vượt trội của Malacca so với Penang và đã thuyết phục được Công ty giữ lại Malacca. Báo cáo của Thomas Stamfird Raffles đã gây ấn tượng mạnh mẽ với Toàn quyền Ấn Độ - Lord Minto, đến nỗi ông đề nghị Thomas Stamfird Raffles nghỉ phép hai tháng để tới Calcutta. Khi gặp gỡ trực tiếp, Thomas Stamfird Raffles đã thuyết phục Minto về sự cần thiết của việc sáp nhập Java, lúc đó đang nằm trong tay người Pháp. Và Minto đã quyết định bổ nhiệm Thomas Stamfird Raffles làm đại diện toàn quyền ở các bang Mã Lai. Sau đó, Thomas Stamfird Raffles quay trở lại Malacca và chuẩn bị cho cuộc tấn công vào Java.

Tháng 8.1811, hạm đội Anh gồm khoảng 100 tàu với 12.000 quân đã đến ngoài khơi Batavia, quân Pháp phải rút về Semarang trên bờ biển bắc trung tâm Java và đầu hàng vào tháng 9. Với chiến thắng nhanh chóng này, Thomas Stamfird Raffles được Toàn quyền Minto bổ nhiệm làm Thống đốc của Java. Tại đây, ông đã thực hiện nhiều chính sách mới, đó là chia Java thành 16 khu dân cư, áp dụng chế độ ruộng đất mới, cải tiến hệ thống luật pháp, tư pháp và xóa bỏ chế độ nô lệ. Trong đó, Thomas Stamfird Raffles coi chính sách ruộng đất mới là biện pháp nền tảng, quan trọng nhất để củng cố chính quyền của mình và hạn chế quyền lực của lãnh chúa phong kiến người bản xứ. Theo chế độ ruộng đất mới, những vùng đất bị chính quyền thực dân thu hồi, không thuộc quyền cai quản của các lãnh chúa phong kiến, được cho thuê ngắn hạn với giá thuê vừa phải, bằng giá trị của hai phần năm vụ lúa, phần còn lại người thuê đất trồng được thụ hưởng và không phải nộp thuế.

Mặc dù có ý tưởng xuất sắc và kiến thức tuyệt vời về con người, ngôn ngữ và phong tục của người Java, song Thomas Stamfird Raffles không thể trong một thời gian ngắn biến Java trở thành vùng đất thu được nhiều lợi nhuận. Thực tế, hy vọng biến Batavia thành trung tâm thuộc địa mới của Anh đã thất bại. Sau khi Hà Lan giành lại độc lập, đã tìm mọi cách đòi Anh trao trả Java. Thomas Stamfird Raffles đã cố gắng giải thích tầm quan trọng to lớn của Java đối với nước Anh, nhưng thực tế, nguồn thu từ Java không mấy hấp dẫn, hơn nữa Anh đang muốn liên minh với Hà Lan nên ông bị cách chức vào tháng 3.1816. Mặc dù thất bại ở Java, nhưng những cải cách mà Thomas Stamfird Raffles đã thực hiện ở đây vẫn có giá trị và người Hà Lan sau khi tiếp quản đã áp dụng nhiều chính sách của ông.

Tháng 11.1817, sau một thời gian trở về Anh, Thomas Stamfird Raffles được cử đến Marlborough, miền nam Sumatra làm Thống đốc. Tại đây, ông tìm cách hạn chế ảnh hưởng của Hà Lan và mở rộng quyền kiểm soát của Anh đối với eo biển Malacca. Lo sợ sự trỗi dậy của Hà Lan, Toàn quyền mới ở Ấn Độ, Lord Hastings, đã chấp thuận kế hoạch của Thomas Stamfird Raffles về việc tìm kiếm một vị trí chiến lược trên quần đảo Mã Lai để xây dựng hải cảng mới thay thế Malacca đã thuộc về Hà Lan theo Hiệp ước Vienna. Ngày 28.1.1819, Thomas Stamfird Raffles cùng cộng sự đặt chân đến cực nam của bán đảo Mã Lai – tức là Singapore hiện đại và nhận ra ngay vị trí đắc địa của nó. Sau đó, Thomas Stamfird Raffles tìm cách thỏa thuận với Sultan của Johore để ký Hiệp ước Anh - Johore ngày 6.2.1819, đánh dấu việc thành lập Singapore như một khu định cư của Anh. Ông cũng là người đưa ra kế hoạch xây dựng Singapore trở thành một thương cảng hiện đại và giám sát quá trình thực hiện kế hoạch đó. Trước khi trở về Anh vì lý do sức khỏe của bản thân và gia đình, năm 1823 Thomas Stamfird Raffles đã đến và ở lại Singapore chín tháng. Trong thời gian này, ông đã nghiên cứu, xúc tiến hình thành, đặt nền móng cho sự ra đời của trường đại học đầu tiên ở Singapore, đó chính là Học viện Singapore ngày nay.

Khi trở về Anh năm 1824, Thomas Stamfird Raffles phải đối mặt với các cáo buộc của Công ty Đông Ấn về việc ông phải hoàn trả cho Công ty một khoản tiền đáng kể liên quan đến lương và chi phí khác mà ông đã được nhận. Trong lúc đang cố gắng thu xếp số tiền để hoàn trả, Thomas Stamfird Raffles bị ốm nặng và qua đời vì đột quỵ ngày 5.7.1826. Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, dù trải qua nhiều biến cố, Thomas Stamfird Raffles đã rất nỗ lực trong việc mở rộng đế quốc Anh ở Đông Nam Á. Ông đã phát hiện và thiết lập được hải cảng Singapore, có vị trí chiến lược trên tuyến đường thương mại chính giữa Ấn Độ Dương và Biển Đông mà ngày nay là một trong những thương cảng lớn nhất thế giới. Điều đó tạo nên ưu thế cho người Anh trong việc cạnh tranh với Hà Lan và Pháp ở khu vực. Chính nỗ lực thiết lập thuộc địa mới ở Java, Mã Lai đã trở thành động lực, khơi gợi niềm say mê, hứng thú nghiên cứu, tìm hiểu về ngôn ngữ, lịch sử và văn hóa bản địa của Thomas Stamfird Raffles. Nhờ đó, ông còn có những đóng góp trong lĩnh vực sử học với tác phẩm Lịch sử Java gồm hai tập, xuất bản năm 1817. Ông cũng là Chủ tịch của Hiệp hội Khoa học và Nghệ thuật Batavia và là người sáng lập Hiệp hội Động vật học London. Với những cống hiến đó, Thomas Stamfird Raffles đã được phong tước hiệp sĩ năm 1817.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Nigel Barley, The Golden Sword: Sir Stamford Raffles and the East (Thanh kiếm vàng: Sir Stamford Raffles và phương Đông), Nxb. Bảo tàng Anh, London, 1999.
  2. Victoria Glendinning, Raffles and the Golden Opportunity 1781–1826 (Raffles và cơ hội vàng), Profile Books Ltd, London, 2012.
  3. H.F. Pearson, Sir Stamford Raffles, https://www.britannica.com/biography/Stamford-Raffles, truy cập ngày 12.8.2021.