Mục từ này cần được bình duyệt
Thi ngôn chí

Thi ngôn chí là một định nghĩa về chức năng, đặc trưng của thơTrung QuốcViệt Nam thời cổ - trung đại. Quan niệm này xuất hiện sớm ở sách Trang tử (thiên Thiên hạ), Tuân tử (thiên Nho hiệu), Thượng thư (thiên Nghiêu điển) và trong Lễ ký (thiên Nhạc ký)… Sách Trang tử viết: “thi dĩ đạo chí” (thơ dùng để nói cái chí). Sách Tuân tử cũng định nghĩa: “thi ngôn thị, kỳ chí dã” (Thơ là để bày tỏ cái chí vậy). Sách Tả truyện cũng khẳng định: “thi dĩ ngôn chí” (thơ để bày tỏ cái chí). Sách Thượng thư viết: “Thi ngôn chí, ca vĩnh ngôn, thanh y vĩnh, luật hòa thành” (Thơ để bày tỏ chí hướng/lý tưởng, được hát lên để ngâm vịnh tiếng lòng, thanh điệu nhờ vào ngâm vịnh mà bổng trầm đứt nối, vần luật khiến cho thanh điệu thống nhất hài hòa). Mao Trành, một người đời Hán, trong tựa Mao thi diễn giải: “thi giả, chí chi sở chi dã, tại tâm vi chí, phát ngôn vi thi” (thơ là cái chỗ đi tới của chí. Ở trong lòng là chí, phát ra lời là thơ). Quan niệm “thi ngôn chí” hình thành từ thời Tiên Tần, được giải thích ngắn gọn trong nhiều sách kinh điển nho gia. Chí là nội dung tư tưởng, thậm chí đến đời Hán, chí còn được coi là gốc của thơ. Mệnh đề “thi ngôn chí” đề cao nội dung tư tưởng của thơ, xem việc sáng tác thơ gắn với sự biểu đạt thế giới nội tâm của chủ thể sáng tạo. Theo đó, bài thơ, tập thơ nào cũng thường nói cái chí của người sáng tác (nhà nho).

Chí[sửa]

Ở Trung Quốc, Trịnh Huyền khi chú thích Thượng thư khẳng định, "chí" là hoài bão, tình cảm… Ở Việt Nam, công thức “thi ngôn chí” cũng sớm được nhắc đến trong nhiều ý kiến bàn về thơ ca thời cổ - trung đại. Từ thế kỷ XV, trong tựa Việt âm thi tập tân san (thế kỷ XV), Phan Phu Tiên “trong lòng có điều gì, tất hình thành ở lời, cho nên thơ để nói chí vậy”. Nguyễn Trãi trong Thu dạ dữ Hoài Giang nhược thủy đồng phú cũng cho biết thơ dùng để nói lên cái chí của ông. Sang thế kỷ XVI, trong tựa Bạch Vân am thi tập, Nguyễn Bỉnh Khiêm giải thích: “nói tâm là nói về cái chỗ mà chí đạt tới, mà thơ lại là để nói chí. Có kẻ chí để ở đạo đức, có kẻ chí để ở công danh, có kẻ chí để ở sự nhàn dật”, trường hợp sáng tác tập thơ Bạch Vân của Nguyễn Bỉnh Khiêm là một ví dụ về thơ nói chí, và chí để ở sự nhàn dật. Thế kỷ XVII, Phùng Khắc Khoan trong tựa Ngôn chí tập, quan niệm thơ là để ngâm vịnh tính tình, “cảm động mà phát ra chí ý”, chí có khi đặt ở “sự nghiệp, rừng suối gò hang, gió mây trăng tuyết, nỗi uất ức, niềm cảm thương”, chí quy định giọng điệu, ngôn ngữ của thơ “chí mà đặt ở đạo đức tất phát ra lời lẽ hồn hậu, chí mà ở sự nghiệp thì tất nhả ra khí phách hào hùng, chí ở rừng suối gò hang thì thích giọng thơ liêu tịch, chỉ ở gió mây trăng tuyết thì thích vẻ thơ thanh cao, chí ở nỗi uất ức thì làm ra lời thơ ưu tư, chí ở niềm cảm thương thì làm ra điệu thơ ai oán”. Tới thế kỷ XVIII, Nguyễn Cư Trinh trong bài tiểu dẫn thơ Đáp Hiệp trấn Hà Tiên Tống Đức hầu cũng viết: “để trong lòng là chí, ngụ ra ý là thơ”. Lê Hữu Kiều khi viết tựa cho tập thơ Tàng thuyết cũng nhấn mạnh: “thơ để nói chí hướng của mình”, Lê Quý Đôn trong Nói về thể lệ biên soạn tập Toàn Việt thi lục, nêu yêu cầu “thơ nói chí hướng thì phải trang trọng”. Ở thế kỷ XIX Bùi Văn Dị, Phan Huy Ích, Tự Đức, Lê Đình Diên, Miên Trinh… cũng đều chủ trương “thơ để nói chí”. Như vậy có thể hiểu, chí trong “thi ngôn chí” là chí hướng, chí nguyện, lý tưởng, hoài bão, tư tưởng, tình cảm; đạo đức lễ nghĩa; là quan niệm, cách nhìn và thái độ đối với chính trị - xã hội. Chữ chí gắn với phạm trù tâm, tình, đạo… Khái niệm chí vừa có nội dung xã hội vừa có nội dung cá nhân, cá thể. Chí của mỗi người viết cần được xét trong từng hoàn cảnh cụ thể, vì nó được đặt vào những sự việc, sự vật hiện tượng khác nhau, có màu sắc khác nhau.

Về sau, chịu ảnh hưởng của quan niệm duy vật chủ nghĩa, nhiều nhà lý luận văn học hiện đại của Trung Quốc và Việt Nam, giải thích rộng hơn, họ cho rằng, hoài bão, tư tưởng tình cảm... của nhà thơ bắt nguồn từ hiện thực khách quan. Tư tưởng, tình cảm, chí hướng của nhà thơ thay đổi theo thời thế, hoàn cảnh, sự vật, sự việc… thậm chí có thể xem “chí” trong “thi ngôn chí” gắn với hệ tư tưởng, giai cấp, cái chí nào cũng có dấu ấn của giai cấp, không có cái chí ở bên ngoài giai cấp.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Nguyễn Minh Tấn (chủ biên): Từ trong di sản… (Những ý kiến về văn học từ thế kỷ X đến đầu thế kỷ XX ở nước ta), Nxb. Tác phẩm mới, Hội Nhà văn Việt Nam, 1981.
  2. Khâu Chấn Thanh (Mai Xuân Hải dịch), Lý luận văn học nghệ thuật cổ điển Trung Quốc, Nxb. Giáo dục, 1994.
  3. Trần Đình Hượu, Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại, Nxb. Văn hóa thông tin, 1995.
  4. Trần Đình Sử, Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam, Nxb. Giáo dục, 1999.
  5. Phương Lựu, Góp phần xác lập hệ thống quan niệm văn học trung đại Việt Nam, Nxb. Văn hóa thông tin, 2002.
  6. Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Ngữ văn Hán Nôm (Tập 2: Ngũ kinh), Nxb. Khoa học xã hội, 2002.
  7. Nguyễn Thanh Tùng biên soạn, Tuyển tập thi luận Việt Nam thời trung đại (thế kỷ X- XIX), Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2015.
  8. Chung Vinh (Nguyễn Văn Thiệu dịch và chú thích), Thi phẩm, Nxb. Hồng Đức, 2014.