Thiếu hụt iodine là lượng iodine trong cơ thể con người thấp hơn mức cần thiết tối thiểu. Iodine là một vi chất dinh dưỡng rất cần thiết cho cơ thể con người. Mặc dù lượng iodine rất nhỏ (không quá 20-30 mg(µg), iodine là một thành phần không thể thiếu trong hình thành hormon tuyến giáp, một hormon đặc biệt cần thiết đối với tất cả các cơ thể sống, nó bảo đảm cho hoạt động một các khỏe mạnh đối với các chức năng sinh tồn của cơ thể như trao đổi chất, phát triển trí não, các quá trình chuyển hóa của cơ thể, đặc biệt quan trọng trong hình thành và phát triển hệ thần kinh trung ương từ giai đoạn bào thai đến trẻ nhỏ.
Tác hại của việc thiếu hụt iodine[sửa]
Thiếu hụt iodine ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của tuyến giáp, các rối loạn và biến chứng do thiếu iodine có thể gây ra các bệnh về tuyến giáp như bướu cổ, suy giáp; các bệnh về tim và các rối loạn liên quan, chẳng hạn như tim to và suy tim; các vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm và suy giảm nhận thức; tổn thương các dây thần kinh ngoại vi của cơ thể. Thiếu iodine ở phụ nữ có thể làm giảm khả năng sinh sản thậm chí vô sinh, ở phụ nữ mang thai dễ gây ra sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non. Nếu thiếu iodine nặng trong giai đoạn mang thai sẽ làm thai nhi chậm phát triển, trẻ sinh ra dễ bị khiếm khuyết trí tuệ, đần độn, câm, điếc và các dị tật bẩm sinh khác. Tuy nhiên, nếu lượng iodine được cung cấp quá nhiều lại sẽ gây nên hội chứng cường giáp hay gặp nhất là bệnh Basedow, u tuyến giáp, viêm tuyến giáp,...
Hàm lượng iodine trong tự nhiên[sửa]
Trong tự nhiên, hàm lượng iodine trong đá thường thấp. Iodine tạo một số khoáng vật độc lập và hầu như ít đi vào thành phần của các khoáng vật tạo đá. Trong các đá magma hàm lượng của iodine tương đối đồng đều, trung bình khoảng 0,24 mg/kg. Đá trầm tích có hàm lượng cao hơn, trung bình trong trầm tích hiện đại 5-200 mg/kg, carbonat 2,7 mg/kg, đá phiến sét 2,3 mg/kh và cát kết 0,8 mg/kg. Trầm tích giàu vật chất hữu cơ đặc biệt giàu iodine. Đất, nhìn chung, giàu iodine hơn nhiều so với đá mẹ, tuy nhiên hàm lượng iodine lại phụ thuộc vào kiểu đất và vị trí của nó. Trong đất, ít iodine ở dạng hòa tan, phần nhiều chúng liên quan với vật chất hữu cơ, sét, nhôm và oxyt sắt. Phần lớn iodine trong đất có nguồn gốc từ khí quyển, nhưng iodine trong khí quyển lại có nguồn gốc từ đại dương. Nước biển có hàm lượng iodine trong bình 58 μg/l với tổng lượng khoảng 7.1010 tấn, tồn tại chủ yếu ở dạng iodat (IO31-) (73 - 80%), ít hơn ở dạng iodua (I1-). Một phần iodine trên bề mặt nước biển ở dạng I2 tự do đi vào khí quyển do ảnh hưởng của tia cực tím, phần còn lại trong nước biển được tích lũy trong sinh vật biển. Hàm lượng của iodine trong tầng đối lưu khí quyển khoảng 1 μg/m3 với tổng lượng ước tính 12.106 tấn. Lượng iodine bổ sung vào khí quyển khoảng 511,3.103 tấn/năm bởi các nguồn từ đại dương, ít hơn là từ mặt đất rồi theo mưa, tuyết trở về với mặt đất. Nước mặt không nhiễm mặn có hàm lượng iodine thấp và thay đổi. Nước mặn dưới đất gần bề mặt và nước khoáng nhìn chung được làm giàu iodine mạnh. Thực vật biển thường giàu iodine trong khi đó thực vật trên cạn nhìn chung có hàm lượng iodine thấp. Mặc dù iodine từ lâu đã được ghi nhận là một nguyên tố quan trọng, nhưng vẫn còn nhiều khoảng trống trong hiểu biết về địa hóa học của nó. Nghiên cứu chu trình địa hóa iodine cho thấy quá trình chuyển từ đại dương vào khí quyển của iodine có lẽ là quá trình quan trọng hơn cả trong địa hóa học của nó.
Nguồn iodine cung cấp cho cơ thể con người[sửa]
Nguồn iodine cung cấp cho cơ thể con người, chủ yếu qua chuỗi thức ăn. Nếu ăn các thức ăn không chứa hoặc quá nghèo iodine sẽ dẫn đến thiếu hụt iodine. Hàm lượng iodine cao nhất trong cá biển, các loại hải sản, rong biển và mỡ cá (khoảng 800-1000 mg/kg). Những người sống xa biển và ở các độ cao lớn hơn so với mực nước biển có nguy cơ bị thiếu iodine.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thiết lập các định mức sinh lý, phụ thuộc vào độ tuổi, định mức hàng này dao động từ 120 đến 150 µg/ngày. Nhu cầu đề nghị cho người trưởng thành là 0,14 mg/ngày, nhu cầu cao hơn đối với phụ nữ mang thai (0,220 mg/ngày) và phụ nữ cho con bú (0,290 mg/ngày).
Biện pháp phòng chống thếu iodine[sửa]
Có nhiều biện pháp phòng chống thiếu iodine, một trong những biện pháp đó là bổ sung iodine vào muối ăn, đây là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất, đơn giản nhất và chi phí thấp nhất. Việc bổ sung iodine phải diễn ra thường xuyên đều đặn hàng ngày, trong suốt cả đời người. Tiêu chuẩn quy định nồng độ iodine trong muối phòng bệnh ≥200µg/10 gr muối. Ngoài bổ sung iodine vào muối ăn còn có các thực phẩm gia vị mặn khác được iodine hoá như: bột canh, nước mắm, các sản phẩm từ sữa, hải sản, thịt, bánh mì, trứng và uống vitamin tổng hợp có chứa iodine.
Nhằm loại bỏ bền vững tình trạng thiếu iodine trên thế giới, năm 1986, một mạng lưới iodine toàn cầu thuộc UNICEF đã được xây dựng, mùa hè năm 1990 WHO đặt ra cho thế giới nhiệm vụ thanh toán các bệnh liên quan đến thiếu iodine trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, ngay từ những năm 1970 đã xây dựng chương trình phòng chống rối loạn do thiếu iodine. Năm 1993, Chương trình phòng chống rối loạn do thiếu iodine (PC CRLTI) đã trở thành chương trình mục tiêu quốc gia.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Fuge C., Johnson C.C., The geochemistry of iodine - a review, Environ Geochem Health, 8(2): 31-54, 1986.
- Network for Sustained Elimination of Iodine Deficiency Country Review Guidelines. New York, United Nations Children’s Fund, 2006.
- Thái Hồng Quang, Bệnh bướu cổ địa phương và bệnh bướu cổ tán phát, Nxb. Y học, Hà Nội, 2001.
- UNICEF Viet Nam, Chương trình phòng chống các rối loạn thiếu i-ốt ở Việt Nam: Bài học quá khứ và khởi động lại chương trình tốt hơn, https://www.unicef.org/vietnam/media/1141/file.
- Иванов В.В., Экологическая геохимия элементов, Недра, Москва, 1997.