Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường

Thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường, thanh tra về bảo vệ môi trường là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, quy định về chuyên môn - kỹ thuật về bảo vệ môi trường. Kiểm tra về bảo vệ môi trường là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý đối với hoạt động bảo vệ môi trường. Mục đích của thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường là để phòng ngừa, phát hiện và xử lý các vi phạm, giúp tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định pháp luật, qua đó bảo vệ, nâng cao chất lượng môi trường. Đồng thời, kết quả thanh tra, kiểm tra cũng góp phần hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Nguyên tắc của hoạt động thanh tra về bảo vệ môi trường là tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, có trọng tâm và đạt hiệu quả cao; bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời; không làm cản trở đến hoạt động của đối tượng thanh tra và thực hiện nghiêm túc chế độ bảo mật và chế độ thông tin, báo cáo. Tổ chức bộ máy thanh tra về bảo vệ môi trường ở Việt Nam gồm có thanh tra cấp trung ương và thanh tra cấp địa phương. Ở Trung ương, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Thanh tra Bộ và Tổng cục Môi trường là cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về môi trường. Ở địa phương, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường trên địa bàn. Công tác thanh tra về bảo vệ môi trường được thực hiện theo ba hình thức gồm thanh tra theo kế hoạch; thanh tra thường xuyên và thanh tra đột xuất.

Quá trình thực thanh tra về bảo vệ môi trường gồm ba bước: chuẩn bị thanh tra, tiến hành thanh tra và kết thúc thanh tra. Việc chuẩn bị thanh tra gồm các hoạt động khảo sát, nắm bắt tình hình, xác định những vấn đề nổi cộm của đối tượng thanh tra; ban hành quyết định thanh tra; xây dựng, phê duyệt và phổ biến kế hoạch tiến hành thanh tra, phân công nhiệm vụ cho các thành viên của đoàn thanh tra; xây dựng đề cương báo cáo và gửi cho đối tượng thanh tra; thông báo về việc công bố quyết định thanh tra. Khi tiến hành thanh tra, đoàn thanh tra thực hiện các hoạt động công bố quyết định thanh tra đến đối tượng thanh tra và các bên liên quan; thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra, ghi chép vào nhật ký thanh tra; kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu thông qua yêu cầu giải trình, đối thoại với đối tượng thanh tra, làm việc với các bên liên quan; báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện nhiệm vụ và những sửa đổi, bổ sung trong quá trình thanh tra và kết thúc việc thanh tra tại nơi được thanh tra. Khi kết thúc thanh tra, đoàn thanh tra thực hiện các hoạt động xây dựng báo cáo kết quả thanh tra, nêu rõ các loại và mức độ vi phạm, kiến nghị hình thức xử lý; xây dựng dự thảo kết luận thanh tra, lấy ý kiến của đối tượng thanh tra; công bố kết luận thanh tra cho đối tượng thanh tra và các bên liên quan; tổng kết hoạt động của đoàn thanh tra.

Kết luận thanh tra phải được công khai theo các hình thức công bố tại cuộc họp với sự tham gia của các bên liên quan; thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng; đưa lên trang thông tin điện tử của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra về bảo vệ môi trường; niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra; cung cấp theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Đối tượng thanh tra có nghĩa vụ chấp hành quyết định thanh tra; cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu; thực hiện yêu cầu, kiến nghị, kết luận thanh tra, quyết định xử lý của đoàn thanh tra. Bên cạnh đó, đối tượng thanh tra cũng có quyền giải trình về vấn đề có liên quan đến nội dung thanh tra; khiếu nại về quyết định, hành vi của người thanh tra, về kết luận thanh tra; yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật; tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật của đoàn thanh tra. Sau khi có kết luận thanh tra, đối tượng thanh tra và các tổ chức, cơ quan liên quan có trách nhiệm thực thi. Nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. Công tác thanh tra về bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay được Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh. Kế hoạch thanh tra được lập và triển khai hàng năm. Các địa phương cũng tổ chức hàng trăm cuộc thanh, kiểm tra môi trường mỗi năm, điển hình như tỉnh Bình Dương năm 2018 phát hiện và xử lý 351 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Tỷ lệ cơ sở vi phạm pháp luật về môi trường trên cả nước có xu hướng giảm, từ 77,4% năm 2014 xuống 36,2% năm 2018.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Chính phủ Việt Nam, Nghị định 35/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thanh tra tài nguyên và môi trường, 2009.
  2. Quốc hội Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường, 2020.
  3. Quốc hội Việt Nam, Luật Thanh tra, 2010.