Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Thanh giáo

Thanh giáo là một giáo phái xuất hiện trong phong trào cải cách tôn giáo ở Anh vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII nhằm tìm cách gạt bỏ những tàn dư của Công giáo còn tồn tại trong Giáo hội Anh để có một tôn giáo cải cách triệt để hơn theo giáo phái của Calvin, cg. Tôn giáo trong sạch (Puritanism)

Vào đầu thập niên 30 của thế kỷ XVI, dưới triều đại vua Henry VIII (1509 – 1547), Giáo hội Anh đã li khai với Giáo hội Công giáo do Giáo hoàng La Mã đứng đầu. Nhà vua trở thành người đứng đầu tối cao duy nhất của Giáo hội ở Anh. Mặc dù vậy, vua Henry VIII vẫn duy trì những nghi thức của Công giáo. Sau khi vua Henry VIII qua đời, con trai Edward VI (1537 – 1553) lên ngôi vua. Dưới triều đại vua Edward VI, những nghi thức truyền thống của Công giáo trong Giáo hội Anh đã dần bị loại bỏ và thay vào đó là các nghi thức của đạo Tin lành. Tuy nhiên, những cải cách này đã bị xóa bỏ khi nữ hoàng Mary lên cầm quyền (1553-1558), nhiều người theo đạo Tin lành đã buộc phải rời bỏ quê hương, phiêu tán và nhiều người đã đến Thụy Sĩ nơi giáo phái Calvin đang phát triển. Tháng 11.1558, nữ hoàng Mary qua đời cùng ngày với Tổng giám mục Cardinal Reginald Pole.

Ngày 17.11.1558, con gái của vua Henry VIII và Anne Boleyn, Elizabeth lên ngôi nữ hoàng (1558 – 1603). Ngay sau đó, bà đã cho khôi phục lại những cải cách tôn giáo trước đây. Năm 1559, cuốn sách Kinh nguyện chung được sửa đổi lần thứ ba thành Đạo luật Thống nhất (Act of Uniformity). Năm 1563, “Bốn mươi hai điều tín cương” được sửa thành “Ba mươi chín điều tín cương”. Matthew Parker, một người theo đạo Tin lành được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Canterbury. Mặc dù vậy, những Định chế tôn giáo được thiết lập dưới thời Elizabeth vẫn chưa làm cho những người theo phong trào cải cách tôn giáo của Calvin thỏa mãn. Họ muốn xóa bỏ mọi tàn dư của Công giáo còn tồn tại trong Giáo hội Anh và tạo ra một Giáo hội riêng đứng đầu là các Trưởng lão do các tín đồ bầu ra. Đó chính là Thanh giáo.

Sau khi nữ hoàng Elizabeth qua đời, một người cháu họ của nữ hoàng là Calvin James VI của Scotland kế vị trở thành James I của Anh vào năm 1603. Dưới triều đại Jame I (1603-1625) và Charlers I (1625-1649), những tín đồ Thanh giáo đã bị đàn áp, nhiều người phải lưu vong sang Hà Lan và Bắc Mỹ. Tuy nhiên, tinh thần Thanh giáo vẫn tiếp tục lan rộng. Những tín đồ Thanh giáo đã tham gia vào hàng ngũ quân đội của phe Nghị viện trong cuộc nội chiến ở Anh, góp phần đưa đến thắng lợi của Cách mạng tư sản Anh. Thế lực môn đồ Thanh giáo đạt được cực thịnh vào thời kỳ của Oliver Cromwell. Năm 1658, Cromwell qua đời, vương triều Stuart được phục hồi. Vua Charles II (1658-1685) đã thi hành các chính sách chống lại Thanh giáo, bắt các giáo sĩ phải theo Anh giáo, nhiều tín đồ Thanh giáo đã phải chạy trốn đến các thuộc địa ở Bắc Mỹ.

Phong trào cải cách của những người Thanh giáo tập trung vào bốn vấn đề chính là: Giáo lý, thực hành nghi lễ, các giáo sĩ và sự phản đối quyền lực của Giáo hoàng La Mã. Trong đó, những người Thanh giáo nhấn mạnh đến niềm tin tuyệt đối vào Kinh thánh và chống lại Giáo hoàng. Họ cho rằng, Giáo hoàng là nguồn gốc của tất cả những sai sót về Giáo lý và nghi lễ đã khiến nhà thờ đi chệch hướng ban đầu do Chúa Giê su và các môn đồ của Ngài đặt ra. Họ muốn đơn giản hóa các nghi lễ. Trang phục của các Giáo sĩ khi làm lễ không phải là những bộ lễ phục cầu kỳ mà trong trang phục màu đen đơn giản.

Sự ra đời và phát triển của Thanh giáo phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của giai cấp tư sản, tầng lớp quý tộc mới và nông dân Anh. Thanh giáo trở thành ngọn cờ tư tưởng để giai cấp tư sản, quý tộc mới tập hợp lực lượng, lôi kéo quần chúng nhân dân tham gia vào cuộc đấu tranh chống chế độ chuyên chế của vương triều Stuart và Anh giáo, thức tỉnh phong trào giải phóng dân tộc ở Scotland và các thuộc địa ở Bắc Mỹ.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Hoàng Tâm Xuyên, Mười tôn giáo lớn trên thế giới, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999.
  2. Francis J.Bremer, Puritanism: A very short introduction (Thanh giáo: giới thiệu sơ lược), Nxb Đại học Oxford, 2006.
  3. Colin Buchanan, The A to Z of Anglicanism (Anh giáo từ A đến Z), Nxb. Scarecrow, 2009.
  4. Encyclopaedia, Puritanism (Thanh giáo), https://www.britannica.com/topic/Anglicanism, truy cập ngày 15.5.2021