Mục từ này cần được bình duyệt
Thức cột hy la cổ điển

Đầu cột Ionic tại Đài Tưởng niệm Các Chiến sỹ hy sinh vì nền Cộng hòa ở Paris (Pháp)

Nguồn: Nguyễn Quang Minh, 2009.

Đầu cột Doric tại Cổng Brandenburg ở Berlin (Đức)

Nguồn: Nguyễn Quang Minh 2000

Đầu cột Corinthian tại Nhà Quốc hội Áo ở Vienna (Áo)

Nguồn: Nguyễn Quang Minh 2008

Thức cột là hệ thống tỷ lệ và hình thức trang trí cột – một trong những cấu kiện cơ bản trong các công trình kiến trúc cổ đại và cổ điển trên thế giới. Thức cột được người Hy Lạp cổ đại đề xuất và phát triển trong một nỗ lực tìm kiếm vẻ đẹp và hướng tới vẻ đẹp lý tưởng trong kiến trúc. Họ quan niệm kiến trúc không đơn thuần là cấu kiện hay kết cấu, mà còn mang giá trị thẩm mỹ. Giá trị thẩm mỹ đó một phần lớn được thể hiện qua tỷ lệ giữa các bộ phận cấu thành nên công trình, qua tỷ lệ giữa các bộ phận cấu thành nên bản thân một cấu kiện (ở cấp độ nhỏ hơn) và ở các chi tiết trang trí.

Có ba loại thức cột cơ bản trong kiến trúc cổ đại Hy Lạp: cột Đô-rích (Doric trong tiếng Anh, Dorique trong tiếng Pháp), cột I-ô-ních (Ionic trong tiếng Anh, Ionique trong tiếng Pháp) và cột Cô-ranh (Corinthian trong tiếng Anh, Corinthien trong tiếng Pháp). Từ Hy Lạp, các thức cột này được áp dụng rộng khắp vì Hy Lạp cổ đại là chiếc nôi của văn minh phương Tây, văn học – nghệ thuật Hy Lạp cổ đại có dấu ấn và sức lan tỏa mạnh mẽ ở Châu Âu, đặc biệt là trong kiến trúc. Những thức cột Hy Lạp đã mang đến cho kiến trúc một hình thức mới, một sức sống bền bỉ với thời gian, biểu trưng cho vẻ đẹp trong sáng, khỏe mạnh và tinh tế của kiến trúc cổ điển. Thức cột Hy Lạp được xem như biểu tượng của kiến trúc cổ điển.

Đô-rích là thức cột cổ nhất và đơn giản nhất trong hệ thống các thức cột cổ điển, hình thành từ thế kỷ thứ VIII trước Công Nguyên, khởi đầu từng vùng Đô-ri-an (Dorian), và thời kỳ hưng thịnh nhất là thế kỷ thứ VI và thứ V trước Công nguyên ở Hy Lạp. Thức này được hình thành từ một cột trụ thẳng đứng bằng đá, thông thường là đá xẻ thành từng khúc tròn rồi kê gối lên nhau, ghép khít và khéo đến mức phải nhìn rất kỹ mới thấy chỗ ghép nối. Cột Đô-rích phình to ở đáy, không có phần đế cột mà kê trực tiếp lên mặt nền. Phần đầu cột rất đơn giản, bao gồm một mũ cột vuông đỡ đáy của tảng đá kê bên trên với vai trò làm diện mái. Mũ cột vuông này tựa tên trên một phiến đá tiện tròn xoay (có thể có hoặc không có một vài đường gờ viền mép) có độ dày tương đương gắn ở đỉnh cột. Thân cột thường trơn, ít khi được xoi rãnh, nếu có xoi rãnh thì số lượng rãnh là 20. Trong giai đoạn đầu, chiều cao cột lấy bằng 5 đến 6 lần đường kính cột, sau này được điều chỉnh thành 8 lần. Vẻ đẹp thức cột này thường được liên tưởng đến vẻ đẹp khỏe khoắn của một người đàn ông cường tráng, do vậy được sử dụng ở tầng dưới cùng của nhiều công trình kiến trúc cổ đại hoành tráng như Đấu trường Cô-li-dê (Coliseum) ở La Mã hay đền Pác-tê-nông (Parthenon) ở Hy Lạp, bởi vì cột Đô-rích có khả năng chịu lực tốt nhất trong ba thức cột cổ điển Hy Lạp. Từ Hy Lạp, thức cột Đô-rích được du nhập vào đế chế La Mã, nhưng chỉ được sử dụng ở mức độ khiêm tốn trong một số công trình công cộng, có thể do người La Mã thích vẻ đẹp sang trọng và tinh tế của các thức cột I-ô-ních và thức cột Cô-ranh hơn. Vì vậy, trong kiến trúc La Mã, thức cột Doric được sửa đổi một chút, ví dụ như thêm phần đế cột và một vài chi tiết ở đầu cột.

Thức cột I-ô-ních, trái lại, mang dáng dấp nữ tính, mảnh dẻ, mềm mại và tính trang trí cao hơn so với cột Đô-rích. Trong thực tế, cột I-ô-ních được coi là tượng trưng cho vẻ đẹp mềm mại của người phụ nữ. Nguồn gốc cột I-ô-ních là tên gọi của vùng I-ô-ni-a, một xứ thuộc địa của Hy Lạp cổ đại, nay thuộc lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ. Khác với cột Đô-rích nguyên bản, cột I-ô-ních có phần đế. Thân cột I-ô-ních có 24 gờ đứng chạy dọc trong khi cột Đô-rích chỉ có 20 gờ. Tỷ lệ đường kính cột trên chiều cao cột là 1:9, hơn tỷ lệ của cột Đô-rích giai đoạn sau một chút (1:8). Ngoài ra, cột này có thêm đầu cột với hình đệm nhỏ, phía trên có hai hình xoắn ốc loe ra rồi cuộn vào trong ở bốn góc, trông rất mềm mại và uyển chuyển. Bản thân các chi tiết này có gắn gờ chỉ mảnh, trông lại càng tinh tế. Các dầm ngang của cột I-ô-ních được phân vị theo chiều ngang thành ba dải. Các ngôi đền có áp dụng thức cột này bao gồm đền E-rếch-tê-ông (Erecteyon) ở A-ten (Athena), đền Ác-tê-mít (Artemis) ở E-phê-sớt (Ephesus) và đền A-pô-lô E-pi-kua-ri-ớt (Apollo Epikourios) ở Ba-sa-ê (Bassae). Sau này, vào thế kỷ 16, Vincenzo Scamozzi - một kiến trúc sư và lý thuyết gia kiến trúc người Ý - đã thiết kế một phiên bản của thức cột I-ô-ních với sự kết hợp của bốn vòng cuốn xoắn ốc trên đầu cột. Biến thể của Scamozzi đã trở nên phổ biến hơn thức cột I-ô-ních nguyên bản trong kiến trúc cổ điển Phương Tây trong các thế kỷ 17 - 19.

Thức cột Cô-ranh ra đời sau hai thức cột Đô-rích và I-ô-ních, vào khoảng thế kỷ thứ V trước Công Nguyên ở Hy Lạp, do kiến trúc sư Ca-li-ma-chút (Callimachus) sáng tạo ra nhưng lại ít được áp dụng ở Hy Lạp mà lại thịnh hành ở La Mã. Tương tự như cột I-ô-ních, cột Cô-ranh có phần đế với bệ đỡ, nhưng bệ đỡ này nếu so sánh với cột I-ô-ních thì có phần thanh thoát và quý phái hơn. Cột Cô-ranh được đặc trưng bởi những đường nét mảnh mai, thanh thoát (chiều cao cột bằng 10 lần đường kính), rất giàu chi tiết trang trí, đầu cột có nhiều họa tiết được chạm khắc tỷ mỷ hoặc nếu được đắp thì cũng rất tinh xảo. Các họa tiết xòe ra thành từng lớp trên, giữa và dưới, trông giống như một lẵng hoa kết hợp cùng với mấy tầng lá phiên thảo diệp. Uu điểm nổi bật của cột Cô-ranh là tính đối xứng nhiều chiều và có thể cảm nhận được trọn vẹn từ nhiều góc độ trong cùng một không gian. Do đó thức cột này rất được ưa chuộng và trở nên phổ biến trong các lâu đài, cung điện hoặc công trình văn hóa đòi hỏi sự tráng lệ và cầu kỳ hoa mỹ. Một số công trình tiêu biểu sử dụng loại cột này là đền Ô-lim-pê-i-ông (Olympeion) ở A-ten (Athena) và đền A-pô-lô (Apollo) ở Ba-sa-ê (Bassae).

Cả ba thức cột Đô-rích, I-ô-ních và Cô-ranh được sử dụng độc lập, trong các công trình riêng biệt, đều sắp thành hàng trên mặt đứng với số cột là số chẵn để tạo ra các bước cột là số lẻ, với lối vào ở chính giữa. Bên trên các cột là dầm ngang liên kết các đầu cột với nhau, để tăng cường độ cứng chung của cả khối công trình, với phần đỉnh mái hình tam giác cân, bẹt, có gắn các phù điêu và diềm mái từ đơn giản đến cầu kỳ và đều mang tính mỹ thuật cao. Có những công trình sau này sử dụng phối hợp hai hoặc cả ba hệ thức cột, thì cột Đô-rích bao giờ cũng được áp dụng cho tầng dưới, cột I-ô-ních ở tầng trên hoặc tầng giữa, còn cột Cô-ranh có thể thấy ở tầng trên cùng. Cách bố trí cột này luôn được tuân thủ, không thấy có sự thay đổi trật tự nào ở bất cứ đâu.

Các loại cột trên sau này được người La Mã cổ đại kế thừa và phát triển, đồng thời sáng tạo thêm hai loại thức cột mới là Tốt-xcan (Tuscan trong tiếng Anh, Toscan trong tiếng Pháp) và Com-pô-dít (Composite trong tiếng Anh, Composite trong tiếng Pháp).

Thức cột Tốt-xcan của La Mã thực chất là dạng đơn giản hóa thức cột Đô-rích của Hy Lạp, thân cột trơn, không có gân đắp nổi hoặc rãnh xoi. Tỷ lệ đường kính cột : chiều cao cột là 1:6 hoặc 1:7. Phần mũ cột Đô-rích đã đơn giản, phần mũ cột Tốt-xcan còn đơn giản hơn. Chính vì sự đơn giản đến độ không thể bớt đi bất kỳ chi tiết nào nên bản thân người La Mã cũng không coi Tốt-xcan là thức cột rõ ràng hay riêng biệt, thậm chí kiến trúc sư nổi tiếng La Mã là Vi-tru-vi-út (Vitruvius) không xếp cột Tốt-xcan ngang hàng với ba thức cột Hy Lạp. Một kiến trúc sư người Ý - Sebastiano Serlio - sau này mô tả Tốt-xcan là thức cột vững chắc nhất và giản tiện nhất trong số các thức cột được sáng tạo. Trong tác phẩm “Bốn cuốn sách về kiến trúc”, kiến trúc sư Andre Palladio cũng chung nhận định Tốt-xcan là thức cột “bình dị và đơn giản nhất trong các thức cột”. Do vậy thức cột Tốt-xcan tỏ ra đặc biệt phù hợp với các công trình mang tính chất quân sự hoặc các nhà kho ở các bến cảng, những loại hình cần nhưng không đòi hỏi cao về tính trang trí. Hình thức giống cột Đô-rích, nhưng xét về tỷ lệ và khoảng cách giữa các cột trong cùng một hàng, thì cột Tốt-xcan lại gần với các quy định áp dụng cho cột I-ô-ních. Một số công trình kiến trúc nổi tiếng sử dụng cột Tốt-xcan là Cung điện Mác-xi-mô Cô-lô-nơ (Massimo alle Colonne) hay Nhà thờ Thánh Ma-ri-a Đê-la Pa-sơ (Maria della Pace) ở Rô-ma hay Nhà thờ Thánh Pôn (Saint Paul) tại vườn Cô-ven-tơ (Garden Covent) tại Luân-đôn (London) - Anh Quốc. Ngày nay thức cột Tốt-xcan thường được vận dụng trong các công trình tân cổ điển đơn giản.

Thức cột Com-pô-dít của La Mã là một kiểu pha trộn phong cách: các chi tiết trang trí xoắn ốc của thức cột I-ô-ních và các chi tiết trang trí lá gai xòe ra của thức cột Cô-ranh. Tuy nhiên, nếu đem so sánh thì bốn đường xoắn ốc của thức cột Com-pô-dít lớn hơn chi tiết tương ứng của thức cột I-ô-ních, và bốn đường này xoay góc 45 độ để hướng vào tâm cột, tạo thành bốn góc chéo rõ ràng, thay vì tạo thành hai cặp chạy song song ở mặt tiền bên ngoài và bên trong công trình. Ngoài ra, sự khác biệt còn được thấy ở vị trí giữa các đường xoắn ốc của đầu cột Com-pô-dít, khi xuất hiện thêm chi tiết trang trí dạng nút hoa cúc áo. Về tỷ lệ, chiều cao cột Com-pô-dít điển hình bằng 10 lần đường kính cột, bằng với thức cột Cô-ranh. Tuy nhiên, trong một số công trình, kiến trúc sư có thể điều chỉnh tỷ lệ này một chút cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa điểm cũng như nhấn mạnh có chủ đích ý đồ sáng tác. Ngoại trừ phần đầu cột, các bộ phận khác của cột Com-pô-dít không có gì khác biệt so với cột Cô-ranh. Do vậy, phải đến thời kỳ Phục Hưng, khi tư duy và quan điểm nghệ thuật được tháo bỏ khỏi những định kiến, Com-pô-dít mới được công nhận chính thức là một thức cột cổ điển riêng biệt. Trước đó, trong hàng thế kỷ, cột Com-pô-dít được coi là cột Cô-ranh Hy Lạp “đóng dấu” Đế chế La Mã. Cột Com-po-dít được đưa vào nhiều công trình kiến trúc cổ điển nổi bật ở Châu Âu, ngoài ở Ý - với Nhà thờ thánh Côn-xtan-da (Santa Constanza) Nhà thờ Thánh Giê-su (Chiesta del Gesù), Cổng vòm Ti-tút (Titus) và Sép-ti-mi-út Sê-vê-rút (Septimius Severus) đều ở Rô-ma, còn có nhiều nước châu Âu khác như Anh - cung điện Sô-mơ-sét (Somerset) ở thủ đô Luân-đôn (London), Pháp - cung điện Lu-vơ-rơ (Louvre) ở thủ đô Pa-ri (Paris), Nga - Cổng Khải hoàn Hải quân ở thành phố Xanh Pê-téc-bua (Saint Paterburg), Hung-ra-ri - Bảo tàng Dân tộc học (trước kia là Bảo tàng Tư pháp) ở thủ đô Bu-da-pét (Budapest)…