Thời kỳ các thế lực quân phiệt thống trị Trung Quốc (1916 - 1927) là thời kỳ các thế lực quân phiệt Trung Quốc chia nhau cai trị tại các khu vực Tứ Xuyên, Sơn Tây, Thanh Hải, Ninh Hạ, Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Cam Túc và Tân Cương từ năm 1916 đến năm 1927, cg. thời kỳ quân phiệt.
Thời kỳ này, ở Trung Quốc có ba tập đoàn quân phiệt tương đối mạnh gồm: tập đoàn Hoãn hệ do Đoàn Kỳ Thụy đứng đầu, tập đoàn Trực hệ do Phùng Quốc Chương đứng đầu và tập đoàn Phụng hệ do Trương Tác Lâm đứng đầu. Tập đoàn Hoãn hệ được đế quốc Nhật hậu thuẫn, nắm được chính quyền trung ương, khống chế một vùng rộng lớn, gồm các tỉnh An Huy, Sơn Đông, Chiết Giang, Phúc Kiến, Thiểm Tây,… Tập đoàn Trực hệ được Anh, Mỹ hậu thuẫn chiếm đóng một vùng trù phú ven lưu vực Trường Giang gồm các tỉnh Giang Tô, Giang Tây, Hồ Bắc,… Tập đoàn Phụng hệ được đế quốc Nhật hậu thuẫn hùng cứ ba tỉnh Đông Bắc Trung Quốc. Ngoài ba tập đoàn đó còn có các thế lực quân phiệt Diêm Tích Sơn (Sơn Tây), Trương Huân (Từ Châu), Trương Tấn Nghiêm (Vân Nam), Lục Vinh Đình (Quảng Tây), Long Tế Quang (Quảng Đông),…
Sau khi Viên Thế Khải mất (1916), cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ quân phiệt diễn ra quyết liệt và phức tạp. Trước sức ép của các đối thủ quân phiệt và các lực lượng dân chủ, Đoàn Kỳ Thụy buộc phải đồng ý để Phó Tổng thống Lê Nguyên Hồng kế nhiệm chức vụ Đại Tổng thống. Ngày 29.6.1916, Đại Tổng thống Lê Nguyên Hồng ra lệnh khôi phục Ước pháp lâm thời và tuyên bố triệu tập Quốc hội vào ngày 1.8.1916. Cuộc họp thông qua Hiến pháp vào cuối năm 1916 không đi đến kết quả do mâu thuẫn giữa các thế lực quá gay gắt. Tháng 6.1917, Trương Huân âm mưu đảo chính, đưa Phổ Nghi (12 tuổi) trở lại ngôi vua nhưng bị Đoàn Kỳ Thụy trấn áp. Sau vụ đảo chính, Lê Nguyên Hồng bị mất chức, Phó Tổng thống Phùng Quốc Chương được lên làm Quyền Tổng thống. Tuy nhiên, thực quyền chính phủ trung ương thuộc về Tổng lý Quốc vụ Đoàn Kỳ Thụy.
Sau khi thâu tóm được quyền lực, Đoàn Kỳ Thụy đã từ chối khôi phục Ước pháp lâm thời và Quốc hội, thực thi một nền thống trị quân phiệt. Cuộc đấu tranh quyền lực giữa các tập đoàn quân phiệt vẫn diễn ra quyết liệt. Tôn Trung Sơn phát động cuộc đấu tranh bảo vệ Ước pháp lâm thời, nhưng phong trào không thu hút được quần chúng tham gia nên thất bại.
Tháng 10.1919, Tôn Trung Sơn cải tổ Trung Hoa Cách mạng Đảng thành Trung Quốc Quốc dân Đảng. Xuất phát từ mục tiêu đoàn kết tất cả các lực lượng dân tộc và dân chủ vào mặt trận chung chống đế quốc, phong kiến, lật đổ chính quyền quân phiệt Bắc Dương. Đảng Cộng sản Trung Quốc được sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản đã chủ trương hợp tác với Trung Quốc Quốc dân Đảng lần thứ nhất.
Hợp tác Quốc – Cộng và Mặt trận thống nhất đã thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng ở Trung Quốc phát triển mạnh mẽ. Trước sự lớn mạnh của phong trào cách mạng ở miền Nam Trung Quốc, chính quyền quân phiệt Bắc Dương đã gửi điện mời Tôn Trung Sơn lên Bắc Kinh để bàn việc nước. Trước khi lên đường, Tôn Trung Sơn đã thảo ra bản Tuyên ngôn đòi hủy bỏ tất cả các hiệp ước bất bình đẳng, trừ bỏ thế lực quân phiệt, triệu tập hội nghị quốc dân. Nhưng rất tiếc, Tôn Trung Sơn lâm bệnh và mất ngày 12.3.1925 trên đường đến Bắc Kinh. Sau khi Tôn Trung Sơn mất, cục diện cách mạng Trung Quốc trở nên phức tạp.
Ở miền bắc Trung Quốc, các tập đoàn quân phiệt thống trị đang trong tình trạng hỗn chiến liên miên. Chính phủ Trung ương do Đoàn Kỳ Thụy cầm đầu, quyền lực chỉ hạn chế trong vùng lân cận. Thế lực của tập đoàn quân phiệt Trương Tác Lâm ở Đông Bắc bành trướng xuống phía nam.
Ở miền nam Trung Quốc, tuy nội bộ Mặt trận thống nhất cách mạng có những biểu hiện rạn nứt, nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc và Trung Quốc Quốc dân Đảng vẫn tích cực chuẩn bị tiến hành cuộc chiến tranh.
Từ tháng 5.1926, quân đội Quốc dân Đảng đã mở cuộc tấn công vào Hồ Nam, mở đường tiến lên phía bắc. Trung đoàn độc lập của quân đội Quốc dân Đảng dưới sự chỉ huy của đảng viên cộng sản Diệp Đĩnh đã chiến đấu dũng cảm và lập công xuất sắc trong chiến dịch này.
Ngày 5.6.1926, Trung ương Quốc dân Đảng ra quyết định xuất quân tiến hành Bắc phạt. Đối tượng cuộc Bắc phạt hướng đến là các tập đoàn quân phiệt Bắc Dương được Anh, Nhật,… hậu thuẫn. Ngày 9.7.1926, quân đội Quốc dân Đảng chính thức xuất quân Bắc phạt. Cuộc chiến tranh Bắc phạt được quần chúng khắp nơi nhiệt liệt hưởng ứng và giành được thắng lợi nhanh chóng. Chỉ trong khoảng thời gian hơn nửa năm, từ tháng 7.1926 đến tháng 3.1927, quân đội Quốc dân Đảng đã tiêu diệt quân chủ lực của tập đoàn Ngô Bội Phu và tập đoàn Tôn Truyền Phương, kiểm soát cả một vùng rộng lớn ở lưu vực sông Trường Giang, lần lượt chiếm các thành phố lớn như Nam Kinh, Thượng Hải,… Trong quá trình Chiến tranh Bắc phạt, nông dân, công nhân ở nhiều nơi đã nổi dậy, tiến hành các cuộc đấu tranh chống địa chủ, quân phiệt và các thế lực đế quốc. Đến năm 1927, về cơ bản các tập đoàn quân phiệt trong nước đã bị tiêu diệt. Chính phủ Quốc dân Đảng thay thế các thế lực quân phiệt nắm quyền ở Trung Quốc.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Huy Quý, Lịch sử Trung Quốc, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2003.
- 陈贤庆,民国军阀派系,团结出版社,2009年 (Trần Hiền Khánh, Đảng phái quân phiệt Dân Quốc, Nxb Đoàn kết, 2009).
- 关河五十州,中原大战:民国军阀的终极逐鹿,现代出版社,2015年 (Quan Hà Ngũ Thập Châu, Trung Nguyên đại chiến: Cuộc chiến cuối cùng của quân phiệt Dân Quốc, Nxb Hiện đại, 2015).