Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Thời kỳ Tam Quốc ở Triều Tiên

Thời kỳ Tam Quốc ở Triều Tiên là thời kỳ ba nhà nước lớn mạnh nhất trên bán đảo Triều Tiên là Goguryeo (cg. Cao Câu Ly) nằm ở phía Bắc và khu vực Mãn Châu, Baekje (cg. Bách Tế) nằm ở phía Tây và Silla (cg. Tân La) nằm ở phía Đông, cùng cát cứ, kìm kẹp và tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau trong lịch sử Triều Tiên, tạo cục diện tranh giành giữa ba nhà nước kéo dài đến năm 668 khi nước Goguryeo bị đánh bại mới hoàn toàn chấm dứt.

Thuật ngữ “tam quốc” lần đầu được sử dụng trong bộ Tam Quốc sử ký – bộ sử liệu thành văn đầu tiên của Triều Tiên được biên soạn bởi học giả Kim Busik vào thế kỷ XII. Theo Tam quốc sử ký ba nhà nước trên lần lượt được thành lập từ rất sớm: Silla (còn gọi là Bách Tế) vào năm 57 TCN, Goguryeo vào năm 37 TCN và Baekje vào năm 18 TCN. Tuy nhiên, cũng có nhiều quan điểm cho rằng nhà nước Goguryeo ra đời sớm nhất và có cơ sở khoa học để chứng minh, tuy nhiên hai nhà nước Baekje và Silla thì ra đời muộn hơn. Trong đó, Silla là nhà nước ra đời muộn nhất (thế kỷ IV).

Nhà nước Goguryeo[sửa]

Tương truyền nhà nước Goguryeo do Jumong - người đứng đầu bộ tộc bộ tộc Buyeo thành lập trên một vùng đất trung tâm nằm ở giữa khúc sông Yalu và kéo dài đến lưu vực Sông T’ung-chia. Vào khoảng thế kỷ IV TCN, tộc Yemaek đã nắm được quyền cai trị trên vùng đất này. Giai cấp thống trị của Goguryeo không phải là người bản địa mà có sự kết hợp giữa tộc người bên ngoài với dân gốc bản địa.

Đến thế kỷ I, nhà nước Goguryeo đã có bước phát triển mạnh về tổ chức nhà nước. Trong xã hội Goguryeo, những quí tộc của 5 bộ tộc lớn (bao gồm cả vương tộc) là tầng lớp cai trị cao nhất, trong đó, họ Go là vương tộc nắm quyền cai trị. Tổ chức chính quyền của nhà nước Goguryeo ở trung ương được sắp đặt khá qui củ, đứng đầu là Daedaero - chức quan tổng quản triều chính, tiếp sau là 10 cấp quan lại. Đơn vị hành chính ngoài kinh đô còn có 5 bộ ở cả nước. Quan lại địa phương do trung ương cử xuống, nắm giữ quyền lực cả về hành chính và quân sự.

Vào thế kỷ thứ V, vương quốc Goguryeo đạt đến thời kỳ toàn thịnh gắn với giai đoạn trị vì của Gwanggaeto Dae wang và Jangsuwang. Gwanggaeto Daewang có công rất lớn trong việc mở mang bờ cõi của vương quốc lên phía Bắc, chiếm cứ một vùng rộng lớn thuộc Manju. Jang Su wang khi kế nghiệp từ Gwanggaeto Dae wang đã điều chỉnh thể chế chính trị trong nước, dời đô từ Gungnaeseong về Pyung Yang (Bình Nhưỡng) và tích cực xúc tiến việc mở mang bờ cõi xuống phía Nam, gây áp lực cho Shilla và Baekje.

Do lãnh thổ trải rộng trên toàn bộ khu vực Mãn Châu, lại nằm trên con đường huyết mạch tiến vào bán đảo Triều Tiên nên kể từ khi lập nước, Goguryeo thường xuyên xung đột với Trung Quốc. Để có lực lượng chống trả các cuộc xung đột ấy, Goguryo đã thu phục quân Nakrang và quân Daebang, các lực lượng mà Trung Quốc đang nắm giữ để xây dựng lực lượng quân đội mạnh và thiện chiến. Năm 612, Goguryeo đã quét sạch 30 vạn đại quân của nhà Tùy. Năm 645, quân dân Goguryeo tiếp tục đẩy lùi đại quân xâm lược của nhà Đường, trở thành nhà nước có lãnh thổ lớn nhất và lực lượng quân sự mạnh nhất trên bán đảo Triều Tiên.

Nhà nước Baekje[sửa]

Tương truyền, Onjo và Biryu vốn là hai con trai của vua Jumong nước Goguryeo bị vua cha đuổi nên đã di chuyển xuống phía Nam và lập nên vương quốc Baekjae.

Nhà nước Baekje phát triển toàn thịnh vào nửa sau thế kỷ IV dưới triều vua Geunchoco. Tổ chức nhà nước của Baekie do quân vương đứng đầu gắn với vai trò của vương tộc Buyeo. Dòng họ Buyeo đã liên kết với 8 dòng họ quý tộc khác để xây dựng một triều đình quy củ, có tể tướng và 16 cấp quan lại cùng quản lí các công nhà nước.

Năm 475, do bị vua Goguryeo là Jangsuwang tấn công, Baekie đã phải dời đô về Ungjinseong (thuộc Gongju ngày nay). Từ giữa thế kỷ VI, Baekje lại quyết định dời đô từ Ungjinseong chật hẹp về vùng đồng bằng rộng lớn Sabiseong (thuộc Buyeo ngày nay) và đổi tên nước thành Nam – Buyeo. Để củng cố vương quyền và cai trị thống nhất, vua của Baekje lập ra 22 ty phủ ở trung ương, 5 bộ ở kinh đô và 5 động ở các địa phương. Từ đó, tình hình nội trị và kinh tế của Baekjae ngày càng ổn định.

Nhà nước Baekjae hay xung đột với Goguryeo, nhưng lại có mối giao lưu mật thiết với các vương triều ở Nhật Bản. Baekjae từng thu phục quân Daebang, một lực lượng của Trung Quốc trên bán đảo Triều Tiên rồi tiến đánh Goguryo ở phía Bắc và Silla ở phía nam.

Baekjae đã có một nền văn hoá rực rỡ nhưng cuộc chiến liên miên với Goguryeo và Silla đã khiến vương quốc này dần dần suy yếu và cuối cùng bị liên quân Silla – Đường đánh bại và bị diệt vong vào năm 660.

Nhà nước Silla[sửa]

So với Goguryeo và Baekjae thì Shilla hình thành nhà nước muộn hơn. Nhà nước này ra đời trên cơ sở liên minh của nhiều thế lực ở vùng đồng bằng Gyeongju. Đó là quá trình thâu tóm quyền lực của ba dòng họ lớn là Gim, Bak, Seok mà dòng họ Gim về sau đã độc chiếm được vương vị.

Trong tổ chức nhà nước Silla, người có ngôi vị cao nhất gọi là Daegunjang (Đại quân trưởng) và đến thế kỷ VI thì được gọi là vương giống như tước vị của Trung Quốc. Để quản lí đất nước, triều đình đặt ra châu quận và cử quan lại đến cai trị, luật lệ được ban hành, cấp bậc quan lại được định ra…tạo nên mô hình của một nhà nước trung ương tập quyền. Tuy ra đời muộn hơn hai nhà nước còn lại nhưng Shilla đã phát triển rất nhanh nhờ có sự tiếp nhận thành tựu văn hoá, chính trị của triều đại nhà Đường.

Đứng trước sự tranh chấp với Goguryeo và Baekje, Shilla đã chọn cách liên minh với nhà Đường để thôn tính hai nước còn lại. Liên minh Shilla – Đường đã nhanh chóng đánh bại Baekje vào năm 660 và khiến cho kinh đô của Goguryeo thất thủ vào năm 668, kết thúc thời kỳ tam quốc trong lịch sử Triều Tiên.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Lý Cơ Bạch, Lịch sử Hàn Quốc tân biên, Lê Anh Minh (dịch), Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, 2002.
  2. 朝鲜民主主义人民共和国科学院历史研究所著,吉林省哲学社会科学研究所译,《朝鲜通史》,吉林人民出版社出1975年版 (Sở nghiên cứu Lịch sử Viện Khoa học nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên biên soạn, Sở Nghiên cứu khoa học Viện Khoa học xã hội Triết học tỉnh Cát Lâm dịch, Triều Tiên thông sử, Nxb. Nhân dân Cát Lâm, Cát Lâm, 1975).
  3. Mark Peterson, Phillip Margulies, A brief history of Korea, Facts On File, Inc, New York, 2010 (Mark Peterson, Phillip Margulies, Lịch sử Hàn Quốc vắn tắt, Nxb. Facts On File, New York, 2010).
  4. Michael J. Seth, A Concise History of Premodern Korea From Antiquity through the Nineteenth Century, Volume 1 (Second Edition), Rowman & Littlefield, London, 2016 (Michael J. Seth, Lịch sử giản lược Hàn Quốc tiền cận đại từ thời cổ đại đến thế kỷ XIX, tập 1 (tái bản), Nxb. Rowman & Littlefield, London, 2016).