Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Thời kỳ Heisei
Thượng hoàng Akihito khi còn là Thiên hoàng năm 2016

Thời kỳ Heisei (1989 - 2019) còn được gọi là thời kỳ Bình Thành - niên hiệu của Thiên hoàng Akihito - Thiên hoàng thứ 125 của Nhật Bản, bắt đầu ngày 8.1.1989 - khi Akihito lên ngôi, kết thúc vào ngày 30.4.2019 - khi ông thoái vị, nhường ngôi cho con trai là Thiên hoàng Naruhito (Lệnh Hòa).

Về kinh tế, thời kỳ Heisei chứng kiến hai thái cực của kinh tế Nhật Bản: sự phát triển đạt mức cao nhất vào năm 1989 và sự đình trệ trong các “thập niên mất mát”. Hơn 30 năm trị vì của Akihito chứng kiến sự đi xuống của kỷ nguyên “Nhật Bản là số một”. Sau thời kỳ “bong bóng kinh tế” (1985 - 1990), nền kinh tế Nhật Bản đi vào thoái trào. Sự đình trệ kéo dài từ năm 1991 đến hiện nay khiến Nhật Bản mất vị trí cường quốc kinh tế thứ hai thế giới vào năm 2010, Hàn Quốc và Trung Quốc thế chỗ cường quốc số một châu Á về điện tử. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình đạt 1,14% giai đoạn 1991 - 2003, khoảng 1% trong giai đoạn 2000 - 2010, thấp nhất trong nhóm các nước phát triển. GDP của Nhật Bản giảm từ 5,33 nghìn tỉ USD (năm 1995) xuống còn 4,36 nghìn tỉ USD (năm 2007). Tỉ lệ thất nghiệp đạt kỉ lục 5% hàng năm, thị trường tuyển dụng đóng băng. 14 công ty nằm trong top 20 công ty lớn nhất thế giới bị tụt hạng khỏi danh sách này.

Đầu thế kỷ XXI, với các chính sách của Chính phủ Koizumi Junichiro (2001 - 2006), kinh tế Nhật Bản có dấu hiệu tăng trở lại (tốc độ tăng GDP đạt trung bình 2% trong đó cao nhất vào năm 2005). Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này không duy trì được lâu khi Nhật Bản chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 - 2009 và hậu quả của Thảm họa năm 2011. Từ năm 2012, Thủ tướng Shinzo Abe đã công bố học thuyết kinh tế Abenomics giai đoạn 1, và giai đoạn 2 vào năm 2015, góp phần kích thích sự tăng trưởng trở lại của kinh tế Nhật Bản vào thập niên cuối thời kỳ Heisei.

Nét nổi bật về chính trị thời kỳ này là sự hỗn loạn. Hầu hết các Thủ tướng Nhật Bản đã từ chức sau khoảng 1 năm lên cầm quyền, ngoại trừ Junichiro Koizumi và Shinzo Abe, tại nhiệm hơn 5 năm. Trong suốt 30 năm thời kỳ Heisei, Nhật Bản đã trải qua 17 Thủ tướng thuộc 5 đảng khác nhau (riêng trong 24 năm đầu có 15 Thủ tướng thay nhau cầm quyền và đều tuyên bố từ chức). Thời kỳ này chứng kiến sự khủng hoảng và mất vị trí lãnh đạo của Đảng Dân chủ - Tự do (cầm quyền từ năm 1955 đến 1993). Hai vụ bê bối tham nhũng lớn (bê bối quyên góp mang động cơ chính trị của Sagawa Express (1992) khiến Shin Kanemaru, Phó Chủ tịch Đảng buộc phải từ chức và các vụ tham nhũng máy tính bị vạch trần (1993)) đã khiến Đảng Dân chủ - Tự do thất bại trong cuộc bầu cử năm 1993. Đảng này mất vị trí lãnh đạo vào hai giai đoạn 1993 - 1994 và 2009 - 2012, trong khi đó từ 1994 - 1996, Đảng phải liên minh với Đảng Dân chủ Xã hội dưới thời Thủ tướng Murayama Tomiichi. Trong cuộc bầu cử ngày 16.12.2012, Đảng Dân chủ - Tự do thắng cử, giành lại quyền lãnh đạo. Ngày 26.12, Shinzo Abe trở thành Thủ tướng, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng Thủ tướng của Nhật Bản. Điểm nhấn đáng chú ý nhất trong nền chính trị Nhật Bản thời kỳ này đó là kế hoạch sửa đổi Hiến pháp 1947 từ năm 2012, đặc biệt là việc sửa đổi Điều 9, đề nghị Nhật Bản có quyền phòng vệ tập thể, hoặc bảo vệ đồng minh cả trong những trường hợp Nhật Bản không phải là mục tiêu bị tấn công trực tiếp. Tuy nhiên, việc sửa đổi Hiến pháp này chưa đạt được kết quả do sự phản đối của các đảng đối lập và nhân dân.

Thời kỳ Heisei, Nhật Bản bắt đầu trở lại thành cường quốc quân sự, từ sau sự kiện Chiến tranh Vùng vịnh năm 1991. Từ năm 2003 đến 2009, Nhật Bản gửi 1.000 lính thuộc lực lượng phòng vệ Nhật Bản đến giúp đỡ Iraq xây dựng đất nước. Đây là lần gửi quân ra nước ngoài lớn nhất sau Chiến tranh thế giới thứ Hai mà không có sự ngăn cấm của Liên Hợp Quốc. Dưới thời Shinzo Abe, Nhật Bản liên tục tăng ngân sách quốc phòng. Bước tiến của quá trình này được đánh dấu bằng sự kiện ngày 19.9.2015, Quốc hội thông qua Luật Cải cách quốc phòng, theo đó, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có thể chiến đấu bảo vệ các đồng minh, ngay cả khi an ninh của đất nước và người dân Nhật Bản không bị đe dọa trực tiếp. Luật này chính thức có hiệu lực từ 29.3.2016 đã cho phép Nhật Bản đưa quân vào Sudan và tham gia hỗ trợ liên quân chống Lực lượng Islam giáo cực đoan (IS) ở Iraq và Levant.

Từ thập niên 1990, xã hội Nhật Bản bao trùm bởi những cơn sốc do tình trạng bạo lực gây nên. Cuộc tấn công khủng bố bằng khí ga diễn ra ở hạt Aum trong tàu điện ngầm Tokyo vào ngày 20.3.1995 khiến 12 người chết và hàng nghìn người bị thương. Ngày 8.6.2001, tấn công khủng bố ở trường tiểu học tại Osaka khiến 8 học sinh thiệt mạng và 15 người khác bị thương. Ngày 8.6.2008, một thanh niên 25 tuổi giết chết 7 người, làm bị thương 10 người tại Akihabara (Tokyo). Ngày 26.7.2016, một nhân viên tại trung tâm người khuyết tật đã giết chết 19 bệnh nhân và làm bị thương 26 người khác, … Tình trạng phạm tội diễn ra liên tiếp tại Nhật Bản trong những thập niên mất mát và khó khăn. Nhật Bản trở thành một quốc gia của những người già (tỉ lệ người già gần 30% dân số), dân số sụt giảm, tỉ lệ trẻ em chỉ chiếm hơn 10% dân số. Cùng với đó là các vấn đề khác như tỉ lệ sinh ở mức âm, tỉ lệ người tự tử cao nhất thế giới, gánh nặng về hệ thống phúc lợi - an sinh xã hội, …

Thiên tai, thảm họa thiên nhiên và môi trường liên tục diễn ra và để lại các hậu quả nặng nề. Ngày 3.6.1991, núi lửa Unzen (đảo Kyushu) hoạt động trở lại khiến 43 người thiệt mạng. Ngày 17.1.1995, trận động đất lớn 7,3 độ richter ở Kobe khiến 6.437 người chết, 43.000 người bị thương và thiệt hại 100 tỉ Yên. Các trận động đất tại tỉnh Niigata liên tiếp diễn ra vào tháng 10 - 11.2004 và năm 2007. Đặc biệt, thảm họa kép Sendai năm 2011 (động đất 9 độ richter và sóng thần ngày 11.3) kéo theo sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima I đã khiến gần 20.000 người thiệt mạng hoặc mất tích, làm đảo lộn cuộc sống của 45.000 người và gây ra rất nhiều hệ lụy về tài chính, môi trường và xã hội.

Văn hóa thời kỳ Heisei có nhiều thành tựu nổi bật. Nhật Bản tổ chức Thế vận hội Mùa đông Nagano năm 1998, đồng tổ chức giải Vô địch bóng đá thế giới FIFA World Cup 2002 với Hàn Quốc, từ đó góp phần cải thiện quan hệ hai nước. Nhật Bản đạt 2 giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes năm 1997 (phim Unagi - Con lươn của Shohei Imamura) và năm 2018 (phim Shoplifters - Gia đình kẻ cắp của Hirokazu Kore-eda). Từ năm 1993 - 2018, có 22 di sản của Nhật Bản được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Từ năm 2000 đến 2019, đã có 17 người Nhật đạt giải Nobel trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và 1 giải Nobel Văn học (Kazuo Ishiguro, nhà văn Anh gốc Nhật vào năm 2017).

Ngày 8.8.2016, trong bài phát biểu trên truyền thông, Thiên hoàng Akihito bày bỏ mong muốn thoái vị để ủng hộ con trai lớn. Gần 1 năm sau, tháng 6.2017, Quốc hội mới thảo luận về vấn đề này. Ngày 1.12.2017, Akihito chính thức thông báo quyết định thoái vị. Hơn 1 năm sau, ngày 30.4.2019, ông mới chính thức truyền ngôi cho hoàn tử Naruhito, kết thúc thời kỳ Heisei.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Trần Thị Vinh, Chủ nghĩa tư bản: Lịch sử thăng trầm 120 năm (1900 - 2000), Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019.
  2. Nguyễn Nhâm, Sự chuyển động của Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Abe Shinzo, Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 3 (241), tháng 3.2021, tr.23-32, 2021.
  3. Alisa Gaunder, The Routledge Handbook of Japanese Politics, Routledge, 2011. (Alisa Gaunder, Sổ tay Routledge về chính trị Nhật Bản, Routledge, 2011)
  4. Fumio Hayashi, Edward C. Prescott, The 1990s in Japan: A lost decade, Review of Economic Dynamics, Vol. 5, no.1, pp. 206-235, 2002. (Fumio Hayashi, Edward C. Prescott, Thập niên 1990 ở Nhật Bản: Thập niên mất mát, Tạp chí Năng động kinh tế, Tập 5, số 1, tr.206-235, 2002)
  5. Leonard J. Schoppa, The Evolution of Japan’s Party System: Politics and Policy in an Era of Institutional Change, University of Toronto Press, 2012. (Leonard J. Schoppa, Tiến triển của hệ thống đảng phái ở Nhật Bản: Chính trị và Chính sách trong một thời đại thay đổi thể chế, Nxb Đại học Toronto, 2012)
  6. W. Miles Fletcher III, Peter W. von Staden, Japan’s “Lost Decade”: Causes, Legacies and Issues of Transformative Change, Routledge, 2014. (W. Miles Fletcher III, Peter W. von Staden, “Thập niên mất mát” của Nhật Bản: Nguyên nhân, di sản và những vấn đề thay đổi, Routledge, 2014)
  7. Yoichi Funabashi, Barak Kushner (Eds), Examining Japan’s Lost Decades, Routledge, 2015. (Yoichi Funabashi, Barak Kushner (Đồng chủ biên), Nghiên cứu về những thập kỷ mất mát của Nhật Bản, Routledge, 2015)
  8. Masakazu Yamazaki, The Heisei Era in the History of Japan, Asia-Pacific Review, Volume 26 - Issue 2, 2019. (Masakazu Yamazaki, Thời đại Heisei trong lịch sử Nhật Bản, Tạp chí Châu Á – Thái Bình Dương, Tập 26, 2019)
  9. Raymond Voyat, Le Japon au début de l’ère Heisei, Revue: Aspects de la psychologie et de l’éducation de l’enfant au Japon, 1993. (Raymond Voyat, Nhật Bản đầu thời kỳ Heisei, Tạp chí: Những vấn đề tâm lí và giáo dục trẻ em ở Nhật Bản, 1993)