Thời chiến là thời kỳ xã hội đang có chiến tranh, bắt đầu khi nhà nước tuyên bố tình trạng chiến tranh hoặc khi bắt đầu các hành động chiến tranh (xung đột), kết thúc khi hiệp ước hòa bình, hiệp định đình chiến giữa các bên được ký kết hoặc sự đầu hàng của một bên tham chiến.
Thời chiến xuất hiện cùng với sự tồn tại của chiến tranh; là cuộc thử sức toàn diện cả về tinh thần và vật chất của một quốc gia, dân tộc. Thời chiến có ảnh hưởng và làm biến đổi sâu sắc đến tất cả mọi mặt của đời sống xã hội, để lại các hậu quả nặng nề, ảnh hưởng xấu đến chính sách đối ngoại, đối nội, kinh tế, pháp luật, quốc phòng, an ninh, như: làm gián đoạn mối quan hệ đối ngoại, đình trệ các hoạt động chính trị, phá vỡ các thỏa thuận thương mại; gây thiệt hại rất lớn về con người, của cải vật chất và tinh thần của nhân dân… Theo Công ước La Hay 1907 (Công ước Den Haag), việc tiến hành các hoạt động quân sự không đồng nhất với việc bắt đầu một cuộc chiến tranh nếu không được thông báo trước và thông báo cụ thể, thông báo có tính cảnh báo hay tối hậu thư, gồm các yêu cầu cần phải thực hiện trong một thời gian nhất định với những điều kiện ràng buộc hoặc răn đe tiến công quân sự. Tuy nhiên, trên thực tế rất nhiều quốc gia vi phạm các điều khoản của Công ước La Hay: tháng 6.1941, phát xít Đức bất ngờ tiến công Liên Xô; tháng 12.1941, quân đội Nhật Bản bất ngờ tiến công Trân Châu Cảng (căn cứ hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương). Kết thúc chiến tranh thường không song hành với việc nhanh chóng ký hiệp định hòa bình, như chiến tranh giữa Liên Xô với phát xít Đức và quân phiệt Nhật Bản bằng việc đầu hàng vô điều kiện.
Trong Thời chiến, các biện pháp của tình trạng chiến tranh được áp dụng, một số địa phương hoặc cả nước chuyển sang tình trạng chiến tranh. Hệ thống chính trị - xã hội được cải tổ, sắp xếp lại theo hướng tập trung, hiệu quả. Điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng cô lập đối phương, thêm bạn, bớt thù; trục suất các đại diện ngoại giao, phong tỏa tài sản, chấm dứt các hợp đồng thương mại với quốc gia đối địch hoặc các quốc gia trung lập là đồng minh của đối phương. Về kinh tế, chuyển toàn bộ nền kinh tế sang Thời chiến, huy động mọi nguồn lực của đất nước phục vụ cho việc nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của lực lượng vũ trang. Bố trí lại cơ cấu kinh tế, sơ tán các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp quốc phòng, sơ tán hoặc có phương án bảo vệ các trung tâm kinh tế quan trọng để bảo toàn sản xuất. Ưu tiên phát triển công nghiệp quốc phòng, tập trung sản xuất vũ khí trang thiết bị quân sự, thiết lập chế độ phân phối sản phẩm cho người lao động theo yêu cầu của chiến tranh. Về công tác giáo dục tư tưởng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đề cao tinh thần nghĩa vụ với tổ quốc, lòng căm thù giặc, xây dựng ý chí quyết chiến, quyết thắng cho lực lượng vũ trang và nhân dân. Có kế hoạch bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân; sơ tán nhân dân, di chuyển các cổ vật, di sản văn hóa vật thể quốc gia ra xa thành phố, xa vùng có thể xảy ra chiến sự…
Ở Việt Nam, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), kháng chiến chống đế quốc Mĩ xâm lược (1954-1975), trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (30.4.1977-7.1.1979) và chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (17.2-16.3.1979), Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách Thời chiến nhằm huy động cao độ sức mạnh của toàn dân, của cả hệ thống chính trị và của đất nước để đánh thắng quân xâm lược. Hiện nay, các biện pháp Thời chiến được quy định trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dự bị động viên và một số văn bản pháp luật khác. (754 chữ)
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, 2004;
- Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013.
- Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử Kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975 (Tập 4, Cuộc đụng đầu lịch sử), Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2013.
- Luật nghĩa vụ quân sự 2015;
- Luật Quốc phòng Việt Nam 2018;
- Luật Dự bị động viên 2019 ;
- Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 2019;
- Военная Энциклопедия , Nxb quân sự, Moskva 1995, tr 149;